Trước khi
tốc thắng ra Bắc phù Lê, diệt Trịnh, lịch sử ghi nhận Nguyễn Huệ là một tài
năng về quân sự, còn những cố gắng của ông trên lĩnh vực chính trị rộng lớn, có
chăng, cũng mới chỉ biểu hiện mờ nhạt. Bởi vì ngày ấy, những chiến công quân sự
lẫy lừng ở miền Gia Định không được chuyển hoá thành thắng lợi chính trị bền
vững tuy thuộc về Nguyễn Nhạc, nhưng là một trong các lãnh tụ của phong trào Tây Sơn, Nguyễn Huệ cũng dự
một phần trách nhiệm.
Song,
trải qua thực tiễn, qua tháng năm xông pha trận mạc, cùng với sự lớn mạnh của
phong trào, Nguyễn Huệ đã có được tầm nhìn phổ quát hơn. Tầm nhìn đó không chỉ
biểu hiện ở lĩnh vực quân sự mà còn ở khía cạnh chính trị. Ở bài này, chúng tôi
chỉ hạn chế trong việc tìm hiểu mối quan hệ giữa Nguyễn Huệ với các cựu thần
triều Lê. Trong quan điểm “trung quân” thời phong kiến, vấn đề này chẳng những
thể hiện tầm nhìn của một lãnh tụ, sự nhạy cảm thức thời của một số trí thức,
quan lại phong kiến mà nó còn tỏ rõ được sức thu hút, bản chất tiến bộ hay
không của một phong trào.
* *
Mối quan
hệ giữa Nguyễn Huệ với các cựu thần triều cũ không chỉ biểu hiện sau khi ông
trở thành người anh hùng “áo vải cờ đào” áo sạm đen màu khói súng giữa kinh
thành Thăng Long ngày 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789) mà đã được xác nhận qua
thái độ ứng xử với viên tham tán Nguyễn Đăng Trường và danh sĩ Trần Văn Kỷ,
những người đã chịu nhiều ơn mưa móc của chúa Nguyễn. Với những người bên kia
chiến tuyến đó, trong quan niệm xưa mà Nguyễn Huệ đã “lấy lễ tôn kính bậc thầy
và khách” hoặc chủ động tìm mời, cho dự vào nơi “màn trướng” – dù là sách lược
đi nữa, cũng đáng để chúng ta trân trọng.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở những
việc trên đây, tài năng và đức độ của Nguyễn Huệ trong việc vời đón và trọng
dụng nhân tài cũng chưa đủ sức thu phục lòng người. Chỉ từ khi đánh tan 30.000
quân Trịnh, tiến sát sông Gianh – ranh giới của hơn 200 năm cắt chia đất nước,
ruổi thẳng ra Bắc, lật nhào nền thống trị ngót 300 năm của họ Trịnh ở Thăng
Long, thực hiện một kỷ luật rất chặt chẽ trong quân đội, lập lại trật tự bởi
một sự công bằng nhanh gọn, làm những gì cần thiết để tỏ rõ danh nghĩa “phù
Lê”, Nguyễn Huệ mới thực sự để lại những ấn tượng tốt đẹp không thể mờ phai
trong dân chúng Bắc Hà, gây được ảnh hưởng nhất định đối với tầng lớp quan lại
cấp thấp triều Lê.
Nhưng do hạn hẹp về tầm nhìn và sự đố
kỵ về tài năng, Nguyễn Nhạc đã vội ra Thăng Long, ép Nguyễn Huệ trả lại đất cho
vua Lê. Việc làm đó đã gây nên sự bất đồng về quan điểm, dẫn tới bất hoà giữa
hai anh em và bùng nổ thành xung đột quân sự. Từ đây, mâu thuẫn trong nội bộ
phong trào lộ phát, dù cho đã được hoà dịu bằng một thoả hiệp nhưng vẫn gây nên
xáo động trong quân đội Tây Sơn mà trước tiên là trong đội ngũ tướng soái. Do đó,
vấn đề vời gọi và sử dụng nhân tài, tức là vấn đề tập hợp một bộ tham mưu đồng
tâm nhất trí đã trở thành một quan tâm rất bức xúc trong suy tư và hoạt động
của Bắc Bình Vương. Ông tranh luận cởi mở và nhiều lần kiên trì thuyết phục
Trần Công Xán – một danh sĩ Bắc Hà; ông tha thiết mời gọi bằng lời lẽ nhún
nhường, bằng thái độ “chiêu hiền đãi sĩ” với ẩn sĩ Nguyễn Thiếp”: “15 năm tới
bây giờ chưa một phút nào quên tìm người tài giỏi… nay trông lên thành Lục Niên
có người tài ở đó, ấy là trời dành Phu tử cho Quả đức vậy(1) cũng không
ngoài mục đích đó. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, việc Trần Công Xán khăng khăng
thà chết cho lòng trung với vua Lê, Nguyễn Thiếp nhất mực chối từ, không nhận
lời xuống núi cho ta thấy rằng lực hấp dẫn của phong trào, của Nguyễn Huệ chưa
đủ mạnh đối với trí thức, quan lại triều cũ, thức tỉnh họ rũ được quan niệm
“trung quân” truyền thống.
Thế
nhưng, từ cuối 1786, sau khi hoàn toàn thoát vượt sự kiểm toả của Nguyễn Nhạc,
trở thành lãnh tụ chính của phong trào, Nguyễn Huệ đã bắt tay ngay vào việc
thực hiện những nhiệm vụ to lớn, phức tạp: củng cố và tăng cường lực lượng,
trấn áp những thế lực chống đối đang ngóc dậy, thiết lập quyền kiểm soát trên
lãnh thổ phía Bắc, cắt đặt quan chức, thu phục nhân tài, yên uỷ muôn dân. Đến
giữa năm 1788, ông hành quân ra Bắc giết tướng Vũ Văn Nhậm, trao binh quyền cho
tướng Ngô Văn Sở. Theo một số tài liệu thì Ngô Văn Sở xuất thân từ dòng dõi
“Thạch Hà tướng phiệt”, một dòng họ nhiều đời phục vụ chính quyền Lê - Trịnh(2).
Các chức hiệp trấn và vị trí quan trọng ở các bộ do tướng soái Tây Sơn đảm
lãnh. Nguyễn Huệ hạ chỉ vẫn để Lê Duy Cận làm giám quốc, tập trung phủ dụ những
quan lại triều Lê để nêu rõ chính nghĩa của mình và kêu gọi họ “ở lại giúp đỡ
giám quốc”. Với các danh sĩ, ông chủ động phái người tìm mời, tiến cử. Nhớ lại
trước đây, hồi ra Thăng Long lần 1 (1786) quan lại triều cũ nói chung “thấy
thần sắc của Bắc Bình Vương nghiêm nghị, rực rỡ, ai cũng run sợ, hãi hùng”(3).
Ngay cả khi tướng tiết chế Vũ Văn Nhậm được sai ra giết Nguyễn Hữu Chỉnh, tình
hình cũng chưa sáng sủa thêm là bao. Vũ Văn Nhậm tưởng rằng “uy vũ của mình đủ
khiến người ta phải phục(3) thế mà, nhân danh Nguyễn Huệ, ông lệnh
“đòi các quan văn võ phải đến chầu hầu… rốt cuộc, các viên quan có thế lực cũng
chẳng ai đến”(4).
Khác hẳn tình hình băng giá trên đây,
bây giờ, bao trùm Thăng Long cổ kính là bầu không khí cởi mở và tin tưởng. Ngay
từ ngày đầu, nhiều người đã ra mắt Nguyễn Huệ: các tiến sĩ Ngô Thì Nhậm, Phan
Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch, Ninh Tốn, Nguyễn Bá Lân… Đối với những người này, tất
thảy, Nguyễn Huệ đều đối xử chân thành, không kiểu cách. Ông dành cho họ sự thù
tiếp thân mật, giản dị, tin cậy, ban cho họ tước phẩm; dùng họ vào những chức
vụ quan trọng tương ứng với tài năng của mỗi người. Mặt khác, tôn trọng quyền
chọn lựa của các cựu thần, ông đã đồng ý để những người như tiến sĩ Phan Lê
Phiên, tiến sĩ Nguyễn Hoàn… về lại cố hương dưỡng nhàn như sở nguyện, “cho giữ
nguyên chức tước” sai bộ Lễ cấp phát giấy tờ(5) cho họ. Với những ai
còn náu mình ấn nhẫn, ông bền lòng mời gọi . Do bản chất tiến bộ của phong
trào, cùng với những ứng xử thoáng đạt của Nguyễn Huệ trên đây, chẳng mấy chốc,
sự nghiệp của Bắc Bình Vương đã trở nên “thuận lẽ trời, hợp lòng người”. Và đó
là lực hấp dẫn chính để Nguyễn Huệ có thể nhanh chóng tranh thủ thu phục được
những nhân tài trong “nước cũ” về mình để ổn định và sắp xếp công việc ở Bắc
Hà.
Sau
khi cắt đặt xong những việc căn bản ở Bắc Hà, trao phó toàn bộ quyền hành cho
các tướng soái cao cấp (như Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết, Ngô Thì
Nhậm…) với lời dặn: “mọi việc cho tuỳ liệu mà làm, cùng nhau bàn bạc ổn thoả,
đừng vì mới – cũ mà xa cách nhau”(6), Nguyễn Huệ rời Thăng Long về lại
Phú Xuân, khẩn trương tăng cường lực lượng, sẵn sàng đối phó với những đe thách
nguy hiểm ở hai đầu đất nước. Ngày 24 tháng 1 năm Mậu Thân (1789), nhận được
cấp báo quân Thanh đã tràn xuống xâm lược nước ta, ngày 25, Nguyễn Huệ lập tức
lên ngôi hoàng đế để “chính vị hiệu, giữ lòng người”(7), thống lĩnh đại
quân, theo đường thuỷ – bộ, tiến ra Bắc đại phá quân Thanh. Bước ngoặt đó trong
lịch sử dân tộc đã làm chuyển biến sâu
sắc tâm linh của giới trí thức, quan lại triều cũ mà tiêu biểu là thái độ của
Nguyễn Thiếp khi ông tâu trình với Quang Trung – Nguyễn Huệ trong một lần tiếp
kiến ở đất Nghệ An: “Bây giờ trong nước trống không, lòng người tan rã. Quân
Thanh từ xa tới, không biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, không hiểu rõ thế
đánh, giữ ra sao, chúa công ra đi chuyến này, không quá mười ngày, giặc Thanh
sẽ bị dẹp tan(4). Rõ ràng là, tới đây, khi vươn lên làm nhiệm vụ dân
tộc, củng cố hơn nữa nền thống nhất đất nước, tiến hành chiến tranh giải phóng,
bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, phong trào Tây Sơn đã trở thành
đại biểu duy nhất cho lợi ích tối cao của dân tộc mà Quang Trung – Nguyễn Huệ
là tâm điểm hợp tự lòng người cả nước, có sức thu hút mãnh liệt nhân tài. Lịch
sử đã cho thấy, tất cả những quan lại triều cũ mà Nguyễn Huệ đã tìm mời, tin
trao trọng trách, chủ động tạo ra những điều kiện rất thuận lợi với quyền hành
rộng rãi cho họ thì họ đều tỏ rõ tài năng, sức lực và phát huy được những sở
trường của mình, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cả dân tộc.
Đánh bại hoàn toàn 29 vạn quân Thanh
cũng là khởi đầu một thời kỳ mới, trong đó nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi phải
đồng thời giải quyết. Tình hình có dịu lắng mà chưa hẳn bình yên: phía Nam,
“quốc thù” đang mạnh mẽ bành trướng thế lực; phía Bắc, lửa chiến tranh đã tắt
nhưng chưa nguôi; trong nước, các thế lực phản động đang lăm le ngóc dậy; đất
nước sau bao phen binh lửa và thiên tai, li loạn và đói kém cần được phục hồi
và ổn định; những vấn đề xã hội nóng bỏng đòi hỏi phải khẩn trương khắc phục…
Tất thảy những điều đó là thách đố nặng nề đối với vua Quang Trung và vương
triều mới của ông. “Chiếu cầu hiền” được ban ra trong hiện tình đất nước lúc
đó, là điều dễ hiểu: “Trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, thức ngủ mong mỏi mà người
có tài cao học rộng chưa từng thấy đến. Hay trẫm ít đức không đáng để phò tá
chăng? Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự? … Trẫm nơm nớp lo nghĩ, một
ngày, hai ngày cũng có hàng vạn sự việc nảy sinh. Ngẫm cho kỹ: cái nhà to lớn –
sức một cây không dễ gì chống đỡ, sự nghiệp thái bình – sức một người không thể
đảm đương”(8).
Sự thực, sau cuộc kháng chiến chống quân Thanh thắng lợi, bên cạnh đội ngũ
tướng soái văn, võ tiếp tục cống hiến tài sức cho vương triều, cuộc CANH TÂN
của đất nước đang đòi hỏi rất nhiều NHÂN TÀI để gánh vác việc chung. Giờ đây,
cảm tấm lòng của vua Quang Trung và giác ngộ hơn về bao biến chuyển vừa qua,
các “bậc tài năng đều ra giúp việc, những vị danh thần hưởng ứng chính nghĩa,
những kẻ sĩ phu bỏ tối theo sáng”(9) mà tiêu biểu là các tiến sĩ Đoàn
Nguyên Tuấn, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Nễ, Nguyễn Huy Lượng, Bùi Dương Lịch… Đến như
Nguyễn Thiếp bây giờ cũng nhận lời mời xuống núi, giúp vua Quang Trung xây dựng
nước non nhà. Đành là, mỗi người mang theo những tâm niệm không hệt nhau nhưng
rõ ràng, trong họ, hình ảnh vua Quang Trung, tài năng và tâm tình của ông xứng
đáng là vị vua hiền của nước: “Mênh mông vương đạo mở ra, một tấc cũng thu, một
ly cũng nhắc; dùng người không phân mới
– cũ, thân – sơ, khiến cho bọn biếng lười cũng thấy thanh minh, thịnh sự”(10).
Cho nên, không phải là vô cớ mà Ngô Trọng Khuê, một đại thần triều Lê dẫu chối
từ lời mời của Quang Trung nhưng vẫn nói về ông bằng những lời ca tụng đẹp:
“Lòng nhân hiếu cảm đến đất trời. Với các sĩ phu thì cuốn vào máy, thu vào
lồng, tìm trong hang núi, hỏi chốn thôn quê, thu hái chẳng sót loài cỏ mọn”(11).
Các tài liệu trên đây đã chứng tỏ lòng mến mộ Quang Trung của các nhân tài.
Thực ra, việc dùng những người vốn là con đẻ của một vương triều, một chế độ
vừa bị đánh đổ không chỉ diễn ra với Nguyễn Huệ. Lịch sử còn lặp lại ở các
phong trào, ở những cuộc cách mạng, thời cận, hiện đại. Có điều, để vời gọi
được và sử dụng có hiệu quả các tài năng, nhất là những tài năng lớn của đất
nước, nếu tấm lòng và “sức dùng” của cá nhân lãnh tụ là yếu tố tác động trực
tiếp thì, tính tiến bộ của một phong trào chính là yếu tố căn bản. Tuy vậy, với
Quang Trung, việc sử dụng nhân tài cũng còn đôi điều hạn chế.
Trong cuộc đời cầm quân của mình,
Nguyễn Huệ đã ra lệnh trừng trị hai viên tướng là Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn
Nhậm. Ở hai trường hợp này, còn nhiều quan điểm xem xét và đánh giá khác nhau.
Bằng vào một số tư liệu, chúng tôi cho rằng: bỏ Chỉnh ở lại Thăng Long, sau đó
khước từ nài xin của Chỉnh theo về Phú Xuân mà cho ở lại Nghệ An, Nguyễn Huệ
chưa thực sự nỗ lực nhằm hạn chế tối đa khả năng phản bội, cũng như chưa triệt
để khai thác tài năng vốn có ở viên tướng này nhằm phục vụ cho lợi ích của
phong trào. Dựa trên những tin báo chưa được minh định, vội lấy đó làm bằng cớ,
cộng với định kiến (Nhậm cũng như Chỉnh, vốn là hàng tướng, Nhậm lại là con rể
của Nguyễn Nhạc) để giết Vũ Văn Nhậm là việc làm mà theo chúng tôi nghĩ, là
chưa đủ sức thuyết phục. Phải chăng, việc phế bỏ Nguyễn Hữu Chỉnh và triệt bỏ
Vũ Văn Nhậm là xạ ảnh của một thời kỳ đấu tranh trong nội bộ phong trào, trong
đó, Nguyễn Huệ đang nỗ lực thâu tóm quyền lực, khẳng định quyền uy, vượt thoát
ảnh hưởng của Nguyễn Nhạc để trở thành lãnh tụ chính của phong trào Tây Sơn?
Dù vậy, nhìn chung lại, qua 21 năm
hoạt động sôi nổi, đặc biệt trong sáu năm là lãnh tụ tối cao của phong trào
(1787 – 1792), trước những đòi hỏi của thực tiễn phức tạp và đầy rẫy khó khăn,
Nguyễn Huệ đã giải quyết tương đối thành công vấn đề sử dụng con người, sử dụng
nhân tài. Chỉ riêng nhiều đại diện ưu tú của giới quan lại văn võ triều cũ đã
dứt khỏi một dĩ vãng vàng son chưa mấy xa xăm mà bản thân, gia đình và họ mạc
hơn một lần hưởng nhiều ân trạch, để tập hợp dưới cờ đỏ Tây Sơn cũng như chứng
tỏ sức thu hút lớn lao của phong trào và cá nhân Nguyễn Huệ. Mẫn cảm, xét đoán tinh
và sâu, không mặc cảm nặng nề bởi dòng dõi xuất thân và quãng đời hôm qua của
các quan lại triều cũ, Nguyễn Huệ đã vì nghĩa cả mà vời gọi tha thiết, tin giao
trọng trách, ban cho họ quyền hành rộng rãi đủ để họ tuỳ tài khu xử, ứng tác.
Vậy nên, dưới cờ đào của người anh hùng áo vải, trí tuệ, tâm lực của các nhân
tài, tướng soái đã phát huy đầy đủ, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của
toàn dân tộc.
Download
toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
* Viện Lịch sử quân sự Việt
Nam
(1) Hoàng Xuân Hãn, La Sơn phu tử, Nxb Minh Tân, Paris.
1952, tr.107.
(2) Theo bài Bước đầu tìm hiểu sĩ phu với phong trào Tây
Sơn, Tạp chí nghiên cứu LS, số 183, năm 1988.
(3) Ngô Gia
Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí,
tập II, nxb Văn học, H.1987, tr.43 và 98.
(4) Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống trí, tập II, Sđd, tr.98
(5) Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống trí, tập II, Sđd,
tr.109
(6) Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống trí, tập II, Sđd,
tr.155
(7) Ngô Gia
Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống trí,
tập II, Sđd, tr.155,160
(8) Dẫn theo Đỗ Thị Hảo, Hàn các anh hoa với tác giả Ngô Thì Nhậm,
Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6-1978.
(9) Thiêm Đô Công di tập (chữ Hán), bản chép tay, Tài liệu trong gia
phả họ Ngô ở La Khê. Theo bản dịch của Trần Lê Văn, tạp chí nghiên cứu Hán Nôm.
(10) Dẫn theo Đỗ Thị Hảo, Sđd.
(11) Dẫn theo Bước đầu tìm hiểu phong trào nông dân Tây
Sơn, Sđd.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!