Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Chiếm
giữ vị trí quân sự trọng yếu trên dải đất Liên Khu 4, nên sau ngày Toàn quốc
kháng chiến, Quảng Bình là một trong những mục tiêu mà thực dân Pháp tập trung
lực lượng đánh chiếm. Suốt những năm ấy, nơi đây đã diễn ra những cuộc chiến đấu
giằng co quyết liệt trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, văn
hoá... giữa nhân dân Quảng Bình và thực dân Pháp. Đã có lúc, thực dân Pháp chiếm
đóng phần lớn đất đai của tỉnh, thiết lập 150 đồn bốt, tạo thành hệ thống kiểm
soát dày đặc và thẳng tay tàn sát hàng chục nghìn người dân. Trước sự hung hãn
của thực dân Pháp, trong thời kỳ đầu, phong trào kháng chiến ở các địa phương
trong tỉnh lâm vào tình thế hết sức khó khăn.
Thế nhưng, từ trong gian khó, quân dân Quảng Bình đã vận dụng đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện vào thực tiễn địa phương, sáng tạo nhiều cách đánh hiệu quả, từng bước đưa phong trào chiến tranh nhân dân ở đây phát triển. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đề cập một số vấn đề thuộc về hệ thống làng xã chiến đấu được hình thành và ngày càng nhân rộng khắp địa phương của Quảng Bình trong những năm kháng chiến.
Thế nhưng, từ trong gian khó, quân dân Quảng Bình đã vận dụng đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện vào thực tiễn địa phương, sáng tạo nhiều cách đánh hiệu quả, từng bước đưa phong trào chiến tranh nhân dân ở đây phát triển. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đề cập một số vấn đề thuộc về hệ thống làng xã chiến đấu được hình thành và ngày càng nhân rộng khắp địa phương của Quảng Bình trong những năm kháng chiến.
Quảng
Bình là vùng đất hẹp của dải đất miền Trung, khí hậu khắc nghiệt, đất đai cỗi cằn,
trước mặt biển giăng, ba bề núi bổ. Suốt chiều dài lịch sử đất nước, Quảng Bình
thực sự là địa bàn có tầm quan trọng chiến lược và không ít lần tranh chấp quyết
liệt giữa các thế lực xâm lược và nhân dân mà những năm kháng chiến chống Pháp
là một ví dụ. Ngày 27 tháng 3 năm 1947, thực dân Pháp huy động một bộ phận lực
lượng đủ các binh chủng hải, lục, không quân tấn công vào Quảng Bình. Thời kỳ đầu,
do chưa có kinh nghiệm tổ chức chiến đấu và lo ngại trước sức tiến công của đối
phương, nhiều cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể và một bộ phận nhân dân địa
phương trong tỉnh đã bỏ làng, chạy lên vùng rừng núi. Cũng từ đó, bắt đầu những
tháng ngày đầy cam go, thử thách của nhân dân địa phương. Thực dân Pháp liên tiếp
mở các cuộc tiến công, đánh phá vùng căn cứ kháng chiến, trong khi tại những
vùng đã chiếm đóng chúng đẩy mạnh các hoạt động càn quét, bắt bớ tàn sát. Đồng
thời, thực dân Pháp thực hiện thủ đoạn bao vây kinh tế, kiểm soát gắt gao các
tuyến giao thông từ đồng bằng lên vùng rừng núi, những hoạt động đó của đối
phương làm cho đời sống của cán bộ, chiến sỹ và đồng bào tản cư hết sức khó
khăn, thiếu thốn, tình cảnh đó kéo dài, đời sống của nhân dân và lực lượng vũ
trang càng chồng thêm khó khăn gay gắt. Trên phạm vi toàn tỉnh, cuộc kháng chiến
của quân dân Quảng Bình đang phải đối mặt với những thử thách nặng nề.
Trước
tình hình đó, Tỉnh uỷ Quảng Bình đã họp và đề ra chủ trương chuyển hướng hoạt động
về đồng bằng, tăng cường cán bộ cho cơ sở, nhất là các vùng trọng điểm; khẩn
trương phát triển lực lượng kháng chiến, đặc biệt là lực lượng vũ trang; phát động
phong trào xây dựng làng chiến đấu, trước hết là các làng chiến đấu điểm...
Theo
phương hướng đó, ở nhiều nơi trong tỉnh, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp uỷ
Đảng, các thôn xã đã tích cực thực hiện rào làng chiến đấu; xây dựng hệ thống
công sự, trận địa; thành lập các đội du kích, dân quân; tự chế vũ khí... Gắn chặt
với quá trình rào làng chiến đấu, quân dân các địa phương phối hợp chặt chẽ với
các lực lượng vũ trang tập trung của các huyện, của tỉnh đẩy mạnh tiến công,
kiên quyết chiến đấu, bám trụ, giữ gìn từng tấc đất của quê hương. Từ đó, phong
trào kháng chiến trong toàn tỉnh dần mạnh lên. Đến năm 1948, quân dân Quảng
Bình đã đẩy cuộc kháng chiến trên địa bàn tỉnh lên bước chuyển biến quan trọng:
từ đây, chiến tranh nhân dân bắt đầu phát triển rộng khắp và gắn chặt với các
làng xã chiến đấu. Làng xã chiến đấu được xây dựng ở vùng ven biển, ven sông,
vùng đồng bằng, đồi núi, ở vùng giáp ranh căn cứ kháng chiến cũng như ở sâu
trong vùng địch hậu... Có thể nói, chủ trương đưa cán bộ, đảng viên về phát triển
lực lượng ở vùng đồng bằng của Đảng bộ Quảng Bình là quyết sách đúng đắn để xây
dựng các làng xã chiến đấu, và chính hệ thống làng xã chiến đấu được xây dựng củng
cố, đến lượt nó phát huy vai trò, trở thành cơ sở để duy trì và đẩy mạnh phong
trào chiến tranh du kích. Phong trào đó nhanh chóng phát triển mạnh mẽ vào những
năm 1949, 1950, 1951... Nếu như vào năm 1949, sự phát triển của phong trào được
biểu hiện bằng việc nhân dân các địa phương trong tỉnh hăng hái tham gia rào
làng chiến đấu, bao vây các vị trí nhỏ lẻ của đối phương, buộc đối phương phải
rút bỏ một số đồn bốt ở các huyện Quảng Ninh, Lệ Thuỷ... thì đến 1950, Quảng
Bình đã tiến lên tiêu diệt bức rút hàng loạt bốt đồn, nhiều vùng được giải
phóng như Troóc (Bố Trạch), Minh Lễ, Tiên Lộ, Hoà Ninh (Quảng Trạch)... Cùng với
sự phát triển phong trào chiến tranh du kích, hệ thống căn cứ làng xã chiến đấu
xuất hiện ngày càng rộng khắp, kể cả trong vùng thực dân Pháp kiểm soát. Đến
năm 1951, hệ thống làng xã chiến đấu, khu căn cứ du kích đã mở rộng, nối liền
vùng tạm chiếm với vùng tự do Tuyên Hoá, để từ đó nối liền với vùng tự do Thanh
- Nghệ - Tĩnh, góp phần tạo nên thế vững chắc của phong trào kháng chiến toàn
Liên khu.
Có
thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, làng xã chiến đấu là một sáng tạo của
chiến tranh nhân dân, một điều kiện thiết yếu để thực hiện phương châm bám đất,
bám dân, bám đánh địch, giữ vững và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân
trong vùng tạm chiếm. Xét trên nhiều khía cạnh, đây là một thành công về động
viên và tổ chức được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến. Khảo
sát quá trình xây dựng, củng cố và việc phát huy vai trò, tác dụng của các làng
xã chiến đấu ở Quảng Bình, đặc biệt là các làng xã chiến đấu điển hình ở các địa
phương vùng ven biển, vùng đồng bằng hay vùng giáp ranh; ở vùng tự do hay vùng tạm
chiếm, có thể thấy, tuỳ theo điều kiện và hoàn cảnh của từng nơi, các tầng lớp
nhân dân đã tích cực đóng góp sức người, sức của vào công việc xây dựng làng
chiến đấu như rào làng, đào đắp hệ thống công sự, trận địa và hệ thống hầm bí mật;
động viên chồng, con, người thân... tham gia lực lượng dân quân, du kích; ra sức
đẩy mạnh sản xuất để có lương thực nuôi quân; trực tiếp đấu tranh chính trị với
quân Pháp. Ví như làng chiến đấu Cảnh Dương, nơi dân số chỉ có 5.000 người,
nhưng suốt những năm kháng chiến đã có 370 thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang; hàng trăm nam
nữ thanh niên tham gia dân quân du kích. Cũng trong những năm đó, nơi đây, đã
có 15.000 lượt người đi dân công hỏa tuyến, hơn 40.000 lượt người tham gia vào
các đội vận chuyển lương thực, đạn dược cho Liên khu. Mặt khác ở các làng xã,
trong vườn của mỗi gia đình, cũng như dọc theo ngõ xóm, ở nơi tập trung như chợ
búa, sân đình, bến đò hệ thống hầm trú ẩn, công sự cũng được đào đắp. Chỉ riêng
hầm tránh phi pháo, bom đạn đã có đến 9.000 chiếc. Các cụ phụ lão, các mẹ chiến
sỹ không quản tuổi cao, sức yếu đứng ra tự nguyện lo việc bảo đảm hậu cần cho
các đội du kích, tự vệ. Ở Hiển Lộc, toàn bộ 200 hộ nơi đây, đã tự hạ cây vườn
nhà để rào làng chiến đấu; đào đắp 400 mét giao thông hào, 2.000 công sự chiến
đấu. Tất thảy mọi người dân, không kể đến người già, em nhỏ đều tham gia tự
giác các công việc xây dựng và bảo
vệ làng chiến đấu… Tại Cự Nẫm, một làng thuộc Bố Trạch (miền tây Quảng Bình), hàng nghìn
khóm tre được người dân trong làng chặt hạ, để dựng ba lớp bao quanh làng nhằm
chặn đường tiến công của đối phương. Còn ở Hưng Đạo (một xã của huyện Lệ Thuỷ),
nằm trong vùng địch chiếm, sát bên quốc lộ 1, tuy bị quân Pháp khủng bố, khống
chế gay gắt nhưng vẫn vượt qua bao gian khổ hy sinh, dưới sự lãnh đạo chi bộ Đảng,
quân và dân nơi đây vẫn bám trụ kiên cường, vừa đẩy mạnh các hoạt động tiến công
của quân Pháp, vừa ra sức rào làng, đào hào, đắp luỹ, dựng vọng gác, chòi canh,
biến Hưng Đạo thành pháo đài chiến đấu. Dựa vào đó, quân dân Hưng Đạo đã liên tục
chiến đấu, cản phá các cuộc càn quét thường xuyên, làm thất bại âm mưu hòng xoá
sổ làng chiến đấu. Trong những năm kháng chiến đầy gian khó, song nhờ giữ được
đất, được dân, Hưng Đạo vẫn thực sự là "chân hàng" của kháng chiến ở
vùng
sau lưng địch. Hàng hoá từ vùng tự do
Thanh - Nghệ - Tĩnh chi viện cho chiến trường Bình - Trị - Thiên, khi chung
chuyển qua địa bàn Hưng Đạo được nhân dân bảo quản, cất giữ. Đồng bào có sáng
kiến gói bọc hàng hoá thật kỹ, đem chôn thành những mồ giả để tránh sự phát hiện,
nhờ vậy mà hàng hoá chi viện cho chiến trường đến được với chiến sỹ.
Nhìn
lại diễn biến lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn Quảng Bình,
có thể nói, đây là chiến trường chủ yếu của chiến tranh du kích. Khi nhấn mạnh
đặc điểm chủ yếu đó, đồng thời cũng phải thấy rằng, hệ thống làng xã chiến đấu
được xây dựng, củng cố mở rộng vừa là điều kiện, vừa là kết quả của phong trào
du kích chiến tranh phát triển ngày càng mạnh mẽ, rộng khắp ở địa bàn địa phương.
Thực ra, chung trên cả nước, tình hình cũng diễn ra tương tự như vậy. Có khác
là, Quảng Bình - một chiến trường cơ bản là vùng địch hậu, quân dân nơi đây đã
thực hiện thành công việc xây dựng, củng cố hàng chục làng chiến đấu mà tính vững
chắc và tính hiệu quả của nó thực sự là tiêu biểu cho hệ thống làng xã chiến đấu
ở khu vực miền Trung. Hơn nữa, mỗi làng chiến đấu ở đây lại có những nét sáng tạo
riêng, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng vùng. Ngoài những làng chiến
đấu như Cự Nẫm (nằm ngay cửa ngõ vùng căn cứ kháng chiến
của tỉnh), Cảnh Dương (vùng ven biển), Hiển Lộc (ngay trong vùng địch chiếm), Hưng Đạo (nằm sát đường số 1), Quảng Bình còn có
nhiều làng chiến đấu điển hình khác như La Hà, Pháp Kệ, Lệ Sơn, Hoàn Lão... Các
làng chiến đấu đó đã trụ vững trước hàng trăm cuộc tiến công của thực dân Pháp,
tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực và phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh của
đối phương. Làng xã chiến đấu còn là bàn đạp, là nơi xuất phát các cuộc tiến
công của các đơn vị vũ trang, là nơi để bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng, vùng
tự do, vùng căn cứ kháng chiến...
Sự
hình thành và phát triển của hệ thống làng xã chiến đấu ở Quảng Bình gắn liền với
vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng địa phương. Nhiều cán bộ đảng viên
trung kiên, gan góc, gắn bó máu thịt với nhân dân, với phong trào kháng chiến của
quần chúng. Thực tế cho thấy, sở dĩ thời kỳ đầu phong trào kháng chiến của Quảng
Bình gặp nhiều khó khăn không chỉ bởi sức tiến công ồ ạt của quân Pháp, mà còn
do phần lớn các cấp uỷ, cán bộ, đảng viên các địa phương bỏ đồng bằng lên căn cứ
kháng chiến ở rừng núi. Không có hạt nhân lãnh đạo, một bộ phận nhân dân cũng rời
làng, dắt dìu nhau lên vùng núi để tránh giặc; số còn lại thì hoang mang, dao động
cam chịu trước sự lấn lướt của quân Pháp. Chỉ từ khi thực hiện chủ trương “Hạ Sơn” của Tỉnh đảng bộ, các cấp uỷ mới tìm cách
đưa cán bộ đảng viên trở về làng, vươn xuống đồng bằng, thực hiện bám đất bám
dân, móc nối với cơ sở cũ vận động nhân dân rào làng chiến đấu, dựa vào đó để
tăng cường lực lượng, tổ chức chống trả, thì lúc đó phong trào kháng chiến mới
phát triển và ngày càng được đẩy mạnh trên khắp địa bàn tỉnh. Vai trò của tổ chức
đảng và đội ngũ đảng viên không chỉ biểu hiện trong những tháng ngày trở lại
bám dân, mà còn được thể hiện trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức
chiến đấu chống trả các cuộc tiến công của thực dân Pháp, bảo vệ vững chắc và
phát huy mạnh mẽ tác dụng của hệ thống làng xã chiến đấu. Trong bất kỳ tình huống
nào, dù gian khổ khó khăn đến mấy, đội ngũ cán bộ đảng viên vẫn là những người
đi đầu trên mọi lĩnh vực công tác, kiên trì bám đất, bám dân, vận động nhân dân
đứng lên đánh giặc, giữ làng.
Nhưng
để bảo vệ vững chắc và phát huy mạnh mẽ vai trò của hệ thống làng xã chiến đấu,
bên cạnh nhân tố hàng đầu là luôn chú trọng công tác xây dựng hệ thống tổ chức
Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm với đòi hỏi của tình hình
và nhiệm vụ, một nhân tố khác không kém phần quan trọng là phải ra sức xây dựng
và củng cố chính quyền và các tổ chức đoàn thể quần chúng, xây dựng và phát triển
lực lượng dân quân du kích đủ sức làm nòng cốt để phát động phong trào toàn dân
kháng chiến, toàn diện kháng chiến; kết hợp chặt chẽ giữa chiến đấu với nhiệm vụ
tăng gia sản xuất. Chỉ có như thế hệ thống làng xã chiến đấu mới trụ vững và
ngày càng được mở rộng trước sự tấn công mãnh liệt của thực dân Pháp, mới có thể
phát huy mạnh mẽ và đầy đủ vai trò của một làng xã chiến đấu. Bên cạnh đó, lại
cũng phải triệt để lợi dụng điều kiện tự nhiên ở mỗi vùng miền, để lựa chọn
phương án xây dựng làng chiến đấu sát hợp với tình hình, đặc điểm cụ thể của từng
địa phương. Cự
Nẫm là một làng chiến đấu nằm ở cửa ngõ vùng căn cứ kháng chiến
của tỉnh. Trong điều
kiện cho phép, nhân dân đã chặt hàng ngàn khóm tre để rào làng thành ba tuyến,
mỗi tuyến có chiều cao trên ba mét, giữa các tuyến có hệ thống giao thông hào,
công sự chiến đấu, kết hợp với các bãi chông. Dựa vào đó, quân dân Cự Nẫm đã trụ
bám kiên cường, chặn đánh hàng chục cuộc tiến công, bảo vệ vững chắc xóm làng.
Trong lúc đó, Cảnh
Dương lại là làng chiến đấu tiêu biểu vùng ven biển. Trên một diện tích hẹp (xấp xỉ l km2),
quân dân Cảnh Dương đã chặt hạ cây cối, rào làng và xây dựng tường đá bằng san
hô khá kiên cố, bao quanh làng, hàng trăm thùng gỗ đựng nước mắm được đổ đầy
cát, dựng thành công sự chiến đấu. Không chỉ chiến đấu quyết liệt, đẩy lùi hàng
trăm trận tiến công càn quét, Cảnh Dương còn tổ chức đội thuyền chuyên chở vũ
khí, lương thực từ vùng tự do Hà Tĩnh tới chiến trường Bình - Trị - Thiên...
Khác với Cảnh Dương, Hiển Lộc lại là
làng chiến đấu nằm ngay trong vùng địch
hậu, giữa vùng chiêm trũng, bốn mặt là luỹ tre ken dày và sông ngòi, đầm lầy bao bọc. Triệt
để lợi dụng địa thế tự nhiên này, Hiển Lộc hình thành các tuyến chiến đấu, ổ
chiến đấu và phân lực lượng thành các tiểu tổ du kích, hoạt động ở từng khu vực.
Hệ thống hầm hào giao thông được xây dựng kiên cố, hầm bí mật đều có ở mỗi gia
đình. Dựa vào đó, quân dân Hiển Lộc đã cùng lực lượng vũ trang của Huyện kiên
cường chiến đấu, trụ vững giữa vòng vây suốt những năm kháng chiến. Phần nào
như Hiển Lộc, Hưng
Đạo là một xã nằm ngay bên quốc lộ, tại vùng kiểm soát
gắt gao.
Ngay trong xã
có 3 đồn địch, mỗi đồn có một đại đội trấn
giữ, thường xuyên càn quét, dẫu vậy, dựa vào lòng dân, dựa vào sức dân, cơ sở Đảng,
và lực lượng dân quân du kích nơi đây, đã bám trụ kiên cường, khéo kết hợp giữa
đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, giữa hoạt động công khai và bí mật,
đã tiến hành ngót trăm trận chiến đấu và 50 cuộc đấu tranh chống bắt lính, bắt
phu, càn quét, bắn phá... Và cũng như làng chiến đấu Cảnh Dương, Hưng Đạo chẳng
những ngang nhiên tồn tại trước sự uy hiếp thường xuyên của đối phương mà còn
trở thành căn cứ trung chuyến hàng hoá và vũ khí từ vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh vào chiến trường
Bình - Trị - Thiên...
Nhìn
chung lại, suốt những năm kháng chiến chống Pháp, cùng với sự lớn mạnh của
phong trào kháng chiến khắp cả nước và gắn chặt với chiến tranh nhân dân ở các
địa phương trong tỉnh, hệ thống làng xã chiến đấu ở Quảng Bình được xây dựng và ngày càng mở rộng; được bảo vệ vững chắc
và phát huy mạnh mẽ vai trò, tác dụng nhiều mặt, góp phần quan trọng vào thắng
lợi chung của quân dân Quảng Bình nói riêng và quân dân Liên khu 4 nói chung.
Thành công của việc xây dựng, bảo vệ và phát huy mạnh mẽ vai trò của hệ thống
làng xã chiến đấu này đã để lại những bài học, những kinh nghiệm cho công cuộc
bám trụ quê hương chiến đấu chống không quân và hải quân suốt những năm đánh Mỹ
trên mảnh đất đầu sóng ngọn gió của vùng tuyến lửa Khu 4.
Đăng trong sách: Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng, Một số vấn đề lịch sử kháng chiến chống thực
dân Pháp ở Liên khu IV (1945 – 1954), Hà Nội, 2000.
Tải
bài viết tại: Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!