PGS,TS. Hồ Khang
Viện lịch sử quân sự Việt Nam
Đi
qua chiến tranh, mà có thể ngay trong chiến tranh nữa, người ta thấy rằng sự
thử thách của đạo đức cũng quan trọng
như sự thử thách về sức mạnh, niềm tin và trí tuệ. Huân chương được gắn trước
ngực những người chiến thắng chính để nhắc nhở rằng chiến thắng cũng nằm nơi
trái tim và lương tâm. Trong thời đại nhân loại tiến đến sự đồng thuận về lương
tri và con người, việc nhắc lại chiến tranh, tội ác và đạo đức là cần thiết:
bởi vì lịch sử thường tàn nhẫn để lại những người gánh chịu hậu quả khắc nghiệt
của chiến tranh, trong khi cuộc sống đời thường của họ lại là nỗi đau không thể
xóa nhòa của quá khứ.
Những
nạn nhân nhiễm chất độc da cam người Việt Nam ngày nay chính là minh chứng
đau lòng về cuộc sống đời thường như thế. Họ không có thời gian để suy nghĩ,
hoặc không thể suy nghĩ, về chiến tranh hay đạo đức, trước cuộc sống ngày qua
ngày chật vật. Bên cạnh sự đồng cảm sâu sắc với những số phận bất hạnh đó,
chúng ta cần tỉnh táo nhìn lại bài học lương tri của người Mỹ: ở đâu người ta
nhân danh mục đích cuối cùng của mình để gây ra tội ác, ở đó nỗi đau họ
gây ra là không thể chấp nhận; và chừng nào hậu
quả lịch sử vẫn nguyên vẹn trước mắt, chừng đó trách nhiệm lịch sử là không thể làm ngơ.
Chúng
tôi cũng giới hạn bài viết này vào một khuôn khổ như thế, để lần lượt tìm hiểu:
1- Sự hi sinh lương tâm của Mỹ trong
việc sử dụng chất độc da cam; 2- Tòa án
lương tri – phán quyết của tòa án Mỹ về việc bồi thường cho các nạn nhân.
1. Tội ác da cam
Hi sinh lương tâm
Chất
độc da cam được đưa vào Việt Nam ban đầu do mục đích kiểm soát đường bộ và
đường thủy dọc biên giới Việt Nam theo sự phê chuẩn của John Kenedy (11-1961);
đây cũng là một bộ phận của kế hoạch Xtaley – Taylor (6-1961) nhằm bình định
miền Nam trong 18 tháng. Ngô Đình Diệm hào hứng ủng hộ biện pháp chiến tranh
này: “Việc rải chất khai quang là một phương tiện rất hữu hiệu mà các nước chậm
phát triển có thể sử dụng để chống lại chiến tranh du kích của cộng sản”[1]. Có lẽ, với Ngô Đình Diệm, đây chỉ là chất khai quang theo nghĩa đen của nó,
và cũng chỉ là phương tiện chống lại
chiến tranh du kích, một công cụ
chiến tranh thuần túy: “Từ 1962 đến
1971, lực lượng không quân Hoa Kỳ đã ném 18.85 triệu gallon thuốc diệt cỏ - hai
phần ba trong đó là chất độc da cam –
lên những cánh rừng và đồng ruộng Nam Việt Nam. 3.6 triệu héc-ta, phần diện
tích lớn hơn cả Connecticut (một tiểu bang của
Hoa Kỳ - TG), và 8.6 phần trăm diện tích Việt Nam bị bao phủ bởi thứ thuốc này.
Một tính toán rõ ràng đằng sau hành động này, được biết đến dưới tên chiến dịch Ranch Hand, là khai quang nhằm giảm khu
vực hoạt động của du kích và nhờ đó giúp cho người Mỹ và Nam Việt Nam tận dụng
được hỏa lực siêu việt của họ, ngoài ra sự phá hủy mùa vụ cũng ngăn chặn sự
cung ứng lương thực cho Mặt trận Giải
phóng Dân tộc”[2].
Cái
công cụ phi nhân tính này đã được chính quyền Mỹ biện hộ, như mọi chính quyền
nhơ bẩn khác thường dùng mục đích biện hộ cho hành động rồi lấp liếm hậu quả,
như sau: “Những nơi mà mùa màng bị phá hủy đều bỏ hoang và chủ yếu được quân
Việt Cộng sử dụng để cung cấp lương thực. Những chất hóa học sử dụng ở đó không
hề nguy hiểm với con người hay động vật và cũng không ảnh hưởng đến mùa vụ
những năm sau này tại đây. Người dân trong vùng bị phá hủy mùa màng được cảnh
báo và yêu cầu rời khỏi cũng như được cung cấp lương thực và chăm sóc y tế. Chương
trình phá hủy mùa màng khác hẳn với chương trình khai quang – chương trình dùng
để tẩy sạch các vùng có tán lá rậm dày vốn được Việt Cộng dùng để phục kích.
Mục tiêu của chương trình khai quang là để xóa đi những nơi ẩn náu cho quân du
kịch dọc các con đường, kênh rạch và đường ray”[3].
Lời
giải thích trên được đưa ra đáp lại những nỗ lực chất vấn của Roger Hilsman và
W. Averell Harriman đối với chính quyền Mỹ.
Họ cho rằng không có cách nào chắc chắn rằng chỉ có mùa vụ của “Việt
Cộng” bị tiêu diệt, và những sai lầm không thể tránh khỏi sẽ bỏ qua cho nông
thôn của người dân Nam Việt Nam. Hilsman cũng cho rằng sử dụng những thứ thuốc
trừ cỏ như thế có thể cung cấp cho Bắc Việt một bằng chứng để coi Mỹ là “đội
quân ngoại xâm đánh thuê” còn Harriman cũng đề nghị chỉ sử dụng phương pháp hủy hoại mùa màng
trong giai đoạn mà công cuộc chống chiến tranh du kích được hỗ trợ bởi tình
hình người dân bản xứ và quân “Việt
Cộng” không trộn lẫn với nhau[4].
Lương tâm Mỹ trong nỗ lực lẻ loi của
nó chỉ thấy được rằng hiệu quả quân sự
của những biện pháp sắp được sử dụng là không đảm bảo. Nó chỉ dừng ở cái ngưỡng
nhận ra những nguy cơ mà Mỹ có thể gánh chịu, về mặt hình ảnh của nó trước
người dân Việt Nam
hay sự sai sót nếu có nhầm lẫn. Sự chất vấn của lương tâm Mỹ như thế mang đậm tính cân nhắc hơn là sự phản tỉnh của nền dân chủ vĩ đại
này. Ở mức đó, nó chỉ là một thứ chủ
nghĩa quốc gia còn hẹp hòi. Đây cũng là cái nhìn tất yếu khi một đế chế đạt
đến vị trí siêu cường cho phép nó ngạo mạn trước những quốc gia yếu hơn. Chiến
tranh trong cái nhìn đại đế chế đơn thuần giản lược xuống một tình trạng tiêu
hủy nguồn lực, bao gồm trong đó một loạt các sự kiện đối sánh chiến lược - trong
một mô hình theo lối đó, đạo đức hay lương tâm là những nhân tố thừa thãi,
lạc lõng[5].
Sự
phản tỉnh ích kỉ không thể cứu vãn được tội
ác liên tục mà Mỹ đã gây ra trên chiến trường miền Nam. Như thế,
Kenedy đã thực hiện việc sử dụng hình
thái đơn sơ của vũ khí hóa học, thuốc diệt cỏ, thứ mà Roosevelt
đã cố gắng ngăn cấm dùng đến trong chiến tranh với Nhật. Cũng từ 1961, những
vết ngã đạo đức của quân Mỹ ngày càng rõ nét. Chính quyền ngạo mạn đó không làm
sao hiểu được sự sa lầy chiến tranh đã được mở màn bằng sự hi sinh lương tâm của chính nó. Ta chẳng ngạc nhiên rằng chỉ cho
đến khi sự đổ vỡ trong lòng nước Mỹ trở thành những vết thương đau đớn, chính
giới Mỹ mới bàng hoàng dừng cuộc chiến từng bước trong danh dự vốn chưa có bao
giờ trong cuộc chiến tranh này. Toàn bộ lương
tâm Mỹ, bị che phủ bởi sự ngạo mạn rốt cuộc chỉ là vài tiếng vọng đơn lẻ.
Đúng như Hilsman đã thấy trước, nước Mỹ đã đánh mất mình bằng những chính sách
vô lương tâm của nó. Đây cũng là bài học đắt giá cho những đế chế đang lên của
thế giới mới: rằng sự vô đạo đức của những chính sách đối ngoại tưởng được biện
hộ cho việc sẽ mang lại lợi ích rốt cuộc lại chỉ đem đến nhiều sự thù địch lẫn
những bước chân sa lầy đầy cay đắng. Thật đáng tiếc, bao giờ cũng vậy, bài học
lịch sử nào cũng chỉ sống dậy thực sự ở giây phút muộn màng của hiện thực[6].
Có
thể tóm tắt thành quả hóa học của
người Mỹ ở Việt Nam như sau: “Trong cuộc chiến tranh Việt Nam (1959-1975), 72
triệu lít chất độc diệt cỏ đã được rải xuống từ năm 1961 đến năm 1971 nhằm làm
rụng lá rừng và phá hủy mùa màng. Có nhiều loại chất diệt cỏ được sử dụng, với
tên gọi đặt theo màu sơn của thùng chứa. Được biết đến nhiều nhất là chất độc
màu da cam, chiếm khoảng 65% tổng lượng chất độc được sử dụng (theo nghiên cứu
của Stellman và các đồng tác giả, 2003). Trong số đó, một số hóa chất (Da cam,
Tím, Hồng và Xanh lá cây) có nồng độ chất 2,4,5-trichlorophenoxyacetic acid
cao, được gia tăng độc tố bằng 2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-p-dioxin (sau đây gọi
tắt là dioxin). Theo ước tính, có tổng
cộng 366 kg dioxin nguyên chất đã được rải xuống, trong khi theo Tổ chức Y
tế Thế giới, mức dung nạp dioxin hàng
ngày đối với cơ thể người chỉ là 1-4 pg (1 pg = 10-15kg) cho mỗi kg thể
trọng. Hơn nữa, sự tồn dư lâu dài đã được ghi nhận về nồng độ dioxin cao trong
thức ăn, đất và mô cơ thể người ở Việt Nam, có nghĩa là độc tính của các chất nói trên có thể vẫn tồn tại rất lâu sau chiến
tranh”[7]
(chúng tôi nhấn mạnh).
2. Tòa án lương tri
Hướng về đạo đức nhân
loại
Ngày
15/11/1966, triết gia lỗi lạc Bertrand Rusell tại phiên họp Tòa án Tội Ác chiến tranh Quốc tế (International
War Crimes Tribunal) đã lên tiếng: “ Chúng ta thành lập tòa án cho chính mình,
thậm chí ngay cả khi không có quyền lực nào thừa nhận nó, để trả lời, với mọi
người khác… 1- Có phải Chính quyền Mỹ… đã xâm lược theo luật Quốc tế? 2- Liệu
quân đội Mỹ đã sử dụng hay thực hành những vũ khí mới hay bị cấm bởi luật chiến tranh?... Tòa án này sẽ kiểm
chứng mọi bằng chứng có thể từ mọi nguồn hay đảng phái. Đó có thể là những bằng
chứng từ miệng hay văn bản. Không có bằng chứng quan trọng nào bị bỏ qua. Không
nhân chứng nào có thẩm quyền để làm chứng về các sự kiện liên quan với những
yêu cầu thông tin của chúng ta bị từ chối một buổi điều trần. Mặt trận giải phóng Dân tộc của Nam Việt
Nam và Chính phủ của Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa đã đảm bảo trước chúng ta sự hợp tác của họ, để cung cấp những
thông tin cần thiết, và để giúp chúng ta thẩm tra sự chính xác và độ tin cậy
của thông tin… Chúng ta mời Chính phủ Hoa
Kỳ đến trình bày bằng chứng hoặc hoặc làm cho nó được trình bày, và để chỉ
dẫn cho chính quyền của nó hay người đại diện cho Nhà nước trong trường hợp
này. Mục đích của chúng ta là thiết lập, không sợ hãi cũng không thiên vị, sự
thật đầy đủ về cuộc chiến. Chúng ta thực sự hi vọng rằng những nỗ lực như thế sẽ
cống hiến cho công lý của thế giới, cho sự tái lập nền hòa bình và sự giải
phóng của những người bị áp bức”[8].
Sự
thật chúng ta truy tìm là sự thật về tội
ác da cam mà chính quyền Mỹ đã liều lĩnh sử dụng mà chỉ quan tâm thuần túy
tới mục đích chiến tranh của nó. Đó là sự thật rằng chất độc da cam đã hủy hoại
cả con người và môi trường Việt Nam trong nhiều thập kỷ kế tiếp, mà di chứng
của nó vẫn hiện diện khắp nơi cho đến ngày nay. Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia
Hoa Kỳ (NAS) đã đưa ra Danh mục các
loại bệnh do chất độc màu da cam gây ra, nhiều bệnh trong số này được tìm thấy
ở các nạn nhân da cam Việt Nam: “1. Những bệnh có đủ bằng chứng là do tiếp
xúc với chất độc màu da cam: ung thư tổ chức phần mềm (Soft-tissue sarcoma);
u lymphô ác tính (Non-Hodgkin’s lymphoma); bệnh Hodgkin; bệnh xạm da (Cloracne). 2. Bệnh
có bằng chứng hạn chế là do tiếp xúc với chất da cam: Ung thư đường hô hấp
bao gồm: ung thư phổi, phế quản, khí quản, thanh quản; Ung thư tiền liệt tuyến (Prostate cancer);
Bệnh đau tuỷ (Multiple myeloma); bệnh
thần kinh ngoại vi cấp và bán cấp tính; Bệnh nhiễm Porphyrin; da chậm (Porphyria cutanea tarda); Bệnh tiểu
đường (Diabetes). Hai loại dị tật bẩm sinh ở con cái các cựu chiến binh là: Gai
đôi và bệnh bạch cầu cấp tính (Spina Bifida and Acute myelogenous leukemia)”[9].
Sự thật là hàng triệu ha rừng ở nội địa và rừng ngập mặn ở ven bờ Nam Bộ bị rải chất độc màu da
cam nhiều lần khiến thực vật kém phát triển; cây rừng bị trụi lá và nước bị ô
nhiễm cũng ảnh hưởng đến động vật làm suy giảm lượng động thực vật lẫn rừng
ngập mặn[10]. Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Nga Xofronov Ghenrik
Alexandrovich và Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Rumax Vladimia Xtepanovich bằng kết
quả nghiên cứu của mình cũng khẳng định những tác hại không thể chối bỏ của chất
độc da cam đối với con người không những trong 20 năm mà có thể lên tới 100 năm[11].
Bao nhiêu gia đình phải chịu đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn vì di chứng của
chất độc da cam cần phải được dẫn ra để làm nhân chứng cho vết thương chiến
tranh này? Bao nhiêu kiếp sống đang chết
chậm nữa để làm bằng cớ cho phiên xử
lương tri về chất độc da cam?
Đúng
như Russell nói, phiên tòa mà chúng ta cần đến không phải để đòi bồi thường –
đồng tiền nào đáng trả cho vết thương thực sự mà những con người mang theo chất
độc da cam phải chịu? – mà để đấu tranh cho “công lý của thế giới, cho sự tái
lập nền hòa bình và sự giải phóng của những người bị áp bức”. Phiên tòa mà
chúng ta cần đến là để chống lại tội ác
chiến tranh, cũng là tội ác văn minh,
mà sự đền bù chỉ có ý nghĩa xoa dịu những đau đớn còn tồn tại của chiến tranh
cũng như để nhắc nhở lại những tội ác nhân danh chiến tranh được tiến hành. Một
phiên tòa khiếu kiện của những nạn nhân nhiễm chất độc da cam là tiếng nói của
sự đau khổ, tiếng nói của những bằng
chứng sống. Chính những phiên tòa như vậy làm sống lại lương tri của loài
người, cái lương tri nhiều khi bị lẫn với sự mặc cả những đồng đô-la. Một phiên tòa lương tri như thế “thách thức
những kẻ cai trị hùng mạnh, những kẻ áp bức tàn bạo một cách phóng túng”. Cao hơn
sự đền bù chính là trách nhiệm tố cáo “Nước Mỹ đã dùng một Nhà nước theo lối
phát xít cho những nấc thang của tội ác”[12].
Điều kinh khủng là chính những người đã chiến thắng bóng ma phát xít lại dùng
một lối chính trị phát xít, áp đặt bằng sức mạnh thô bạo, dẫm đạp lên nhân
quyền một cách thờ ơ. Không bao giờ là lỗi thời khi chúng ta cần phê phán
nghiêm khắc, bằng những phiên tòa và lời kêu gọi của lý trí, sự áp đặt của
quyền lực mà nước giàu dùng để đối xử với nước nghèo, sự khống chế và đe dọa
của những đế chế tàn bạo trước các quốc gia vốn chuộng hòa bình nhưng yếu thế.
Nhưng
niềm kiêu ngạo của đại đế chế vẫn không vì đi qua chiến tranh mà suy giảm. Ngày
22 tháng 2 năm 2008, Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ tại New
York đã ra phán quyết bác đơn kiện của các công dân Việt Nam, nạn nhân
chất độc da cam/dioxin chống các công ty hóa chất. Đợt kháng án sau đó,
6/10/2008 cũng nhận kết quả tương tự. Tòa án Mỹ bảo vệ nước Mỹ, bảo vệ những
người đã bảo vệ nước Mỹ: nó cho rằng chất độc da cam được sử dụng nhằm bảo vệ
quân Mỹ chứ không chủ ý nhắm tới dân thường, hơn nữa chưa có bằng chứng cho
thấy chất độc da cam trực tiếp tác động làm hại con người (mà chỉ trong những
quá trình lưu chuyển chất độc trong nguồn nước, qua các thế hệ thì tác hại
khủng khiếp của nó mới được vén lộ); mặt khác do bị cáo là các công ty hóa
chất, vấn đề pháp luật càng ngăn cản các nạn nhân giành được bồi thường chiến
tranh[13].
Mặc
dù các Tòa án Mỹ đã nhận xử vụ kiện chất độc da cam như Tòa án Quốc Tế, nhưng chẳng có công lý nào thực sự được đưa ra nếu người
ta còn từ chối xem đây là Tòa Án lương
tri, nơi phán xử sự vô đạo đức của một siêu cường chứ không phải nơi đòi tiền
bồi thường cho những người riêng lẻ. Cần một một Tòa Án Tội ác Chiến tranh để bảo vệ những nguyên lý đạo đức nhân
loại căn bản, bảo đảm cho một nền hòa bình dài lâu, chứ không đơn giản chỉ là
những phiên tòa tranh cãi thông thường giữa các nạn nhân và các công ty hóa
chất. Chừng nào chúng ta chối bỏ việc nhìn thẳng vào sự thật về quyền độc đoán của
các nước lớn để phê phán nó, đấu tranh với nó vì mục tiêu chung của nhân loại,
chừng nào người ta còn bám lấy chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và lảng tránh trách
nhiệm của những Chính quyền trước quyết định của nó và ảnh hưởng những quyết
định ấy tới sinh mạng của vô số con người, bất kể dân tộc nào; chừng ấy nhân
loại vẫn phải gánh chịu và sẽ còn phải gánh chịu những tham vọng bá quyền, thứ tham vọng nham hiểm bao giờ cũng biết cách ẩn mình
dưới nhiều tên gọi cao đẹp hòng phục vụ cho mục đích ích kỉ của những kẻ cầm
quyền – hay những lợi ích hẹp hòi núp dưới tên lợi ích quốc gia. Một tòa án như thế cần nhân danh lợi ích của nhân
loại, dựa trên nền tảng đạo đức lấy con người làm căn bản, để bảo vệ con người
trước toàn bộ cái thế giới độc ác bao giờ cũng biết cách tàn phá nhân loại bằng
chiến tranh, bằng sự hủy diệt dưới nhiều hình thức, đặc biệt hình thức bạo lực.
Không
chỉ nước Đức mới có Hittler, không phải nhân loại đã chấm dứt được thứ nhà nước
phát xít gây kinh hoàng cả thế giới. Tội ác mà người Mỹ từng gây ra ở Việt Nam
là dựa vào sức mạnh vượt trội và sự kiêu ngạo bá quyền từng ám ảnh cả hệ thống Mỹ.
Những Chính quyền nào đã một lần bước lên đài cao của quyền lực như thế đều sẵn
sàng gây ra tội ác để thản nhiên bỏ mặc những nạn nhân của nó. Vì vậy, cuộc đấu
tranh của những nạn nhân chất độc da cam ngày hôm nay vẫn là và phải hiểu như là
cuộc đấu tranh cho đạo đức nhân loại, chống lại trật tự bất công của kẻ mạnh,
cũng như cuộc đấu tranh cho lợi ích của chính họ. Cuộc đấu tranh như vậy cần
đến sự ủng hộ không phải chỉ của người Việt Nam mà là của toàn thể nhân dân
tiến bộ trên thế giới. Sự ủng hộ đó là sự ủng hộ cho tương lai và cho những giá
trị văn minh căn bản nhất nuôi dưỡng toàn thể xã hội loài người.
[1]
Ngô Đình Diệm
trả lời phỏng vấn VOA, dẫn theo Lê Cao Đài, Chất
da cam trong chiến tranh Việt Nam,
tình hình và hậu quả, Nxb HN, tr13. Cần lưu ý rằng theo William
A.Buckingham, Diệm là người hăng hái nhiệt tình ủng hộ việc phá hoại mùa màng,
và khăng khăng rằng có thể biết đích xác những cánh đồng “Việt Cộng” ở đâu,
“chính quyền Nam Việt Nam lấy làm khó hiểu tại sao Mỹ chần chừ không cung cấp
cho họ những công cụ thích đáng giúp họ đạt được mục đích dễ dàng hơn… Áp lực
của Sài Gòn gia tăng khiến ngày 2/ 11 /1962, tổng thống Kenedy quyết định cho
phép việc phun thuốc bị cấm này được tiếp tục” (xem trong Operation Ranch Hand: Herbicides In SouthEast Aisa, nguồn: Air
University Review, tháng 7-8/1983).
[2] Theo Clayton R.
Koppes, Agent Orange and the Official
History of Vietnam, trích trong Reviews
in American History, John Hopkins University Press, p.131
[3] Theo Crop Destruction Rises in Viet Nam, đăng
trong Reading Eagle, số ngày
18/5/1966
[4] Cả Hilsman và W.
Averell Harriman đều là những nhân vật thế lực trong Bộ ngoại giao Mỹ. Đặc biệt
Roger Hilsman là giám đốc Tình báo và Nghiên cứu ở Bộ Quốc phòng Mỹ, sau là
giáo sư đại học Columbia.
Đáng lưu ý rằng mặc dù ngăn cản chính sách dùng chất độc hóa học trong chiến
tranh Việt Nam, nhưng lối tiếp cận của Hilsman lại nhằm ngăn cản sự thoái hóa
của chính sách quốc gia, ông cho rằng đó là “cuộc chiến trên những chính sách
quốc gia”. Việc chấp thuận dùng thuốc diệt cỏ mà không lưu tâm đến những ảnh
hưởng của nó, do đó, là làm thương tổn chính Mỹ, có thể biến Mỹ thành một “đế
quốc dã man”. Xem thêm William S.Livingston, Bookreviews: To move a Nation, The Politics of Foreign Policy in
Administration of John F.Kenedy, Jon B. McLin, 1968, p.539
[5] Xem một báo cáo để
thấy rõ thêm điều này: Russell Betts và
Frank Denton, An evaluation of
chemical crop destruction in Vietnam,
Memorandum RM-5446-ISA/ARPA, 11/1967 (nguồn: http://rand.org).
Hai tác giả thực hiện sự khảo cứu tác động của các chất hóa học hủy diệt mùa
màng được dùng cho đến 1967 với hai khía cạnh: (i) lợi ich mà Mỹ đạt được, xét
theo tình trạng lương thực của “Việt Cộng”; (ii) Cái giá mà Mỹ phải trả tính bằng sự ghét bỏ mà người
dân nông thôn có đối với Mỹ. Dễ dàng để thấy rằng bản báo cáo đánh giá chỉ đơn
thuần tính toán sai lầm của Mỹ về mặt lợi ích chiến tranh hơn là phê phán bản
chất sai trái của nó đối với nông dân Nam Việt Nam. Do đó, hai tác giả chỉ tập
trung làm rõ (i) hiệu quả của sự phá hủy mùa màng theo nghĩa ngăn chặn nguồn
lương thực đối với “Việt Cộng” và (ii) sự gia tăng thái độ thù địch của nông
dân đối với Mỹ.
[6] Các hoạt động chống
đối tội ác hóa học của chính quyền từ
phía các nhà khoa học đã liên tục làm suy giảm các hoạt động của Mỹ về rải chất
diệt cỏ khắp miền Nam.
Các mốc cần chú ý là: 1966, giáo sư John Edsall cùng 29 nhà khoa học phản bối
việc dùng hóa chất; Quốc hội Mỹ phê chuẩn nghị quyết của Liên Hợp Quốc năm 1969
về ngăn ngừa các loại vũ khí hóa sinh học và tháng 7-1971, Bộ Quốc phòng Mỹ
quyết định chấm dứt chất rải độc. Nhưng chính quyền Sài Gòn vẫn tiếp tục sử
dụng chất khai quang.
[7] Một báo cáo đặc biệt
đáng đọc của Đỗ Quý Toàn, Chất độc da cam và tỷ lệ ung thư của người
Việt Nam 30 năm sau chiến tranh, World Bank Policy Research Working Paper
#5041, Washington DC: September 2009. Bản dịch tiếng Việt có thể tìm trên http://viet-studies.info. Dù vậy, cần tham
khảo thêm số liệu được đăng trong bài The
extent and patterns of usage of Agent Orange and other herbicides in Vietnam
(Quy mô và mô hình sử dụng chất độc da cam và thuốc diệt cỏ tại Việt Nam), của
Jeanne Mager Stellman trên tập san Nature
tháng 4 năm 2003 (nguồn: http://www.soft-vision.com/ao_vets/pdf/Stellman1537.pdf)
trong đó đưa ra số liệu như sau: số hóa chất sử dụng mà quân đội Mỹ đã phun
xuống Việt Nam trong thời gian 1962-1971 là 76,9 triệu lít; cao hơn ước đoán trước đây của Bộ Quốc phòng
Mỹ khoảng 4,9 triệu lít; số nạn nhân ước tính cho đến 2003 có thể lên đến 4,8
triệu người; ước tính, trong thời gian 1962-1971, quân đội Mỹ đã thực hiện trót
lọt 19.905 phi vụ rải chất độc da cam xuống miền Nam (chứ không phải con số
10.000 như báo cáo trước đây của Lầu Năm Góc).
[8] Bertrand Rusell, Aims of the Tribunal agreed at the
Constituting Session, 1966, nguồn: http://www.vietnamese-american.org.
[9]
Theo Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/Đi-ô-xin , nguồn: Website Bộ ngoại giao
Việt Nam,
http://www.mofa.gov.vn. Cũng xem thêm Mỹ thừa nhận chất độc màu da cam có thể gây
ung thư máu, nguồn http://www.ykhoanet.com.
[10]
Xem thêm Chất độc màu da cam huỷ diệt môi
trường ở Việt Nam như thế nào?, Hội bảo vệ Thiên nhiên –
Môi trường Việt Nam,
đăng trong http://www.khoahoc.com.vn
ngày 23/10/2005.
[12] Bertrand Rusell, Closing Address to the Stockholm Session,
1967, nguồn: http://www.vietnamese-american.org.
[13] Ban chủ tọa tòa sơ
thẩm Khu vực 2 tại Manhattan nói: “Một chi tiết quan trọng là chính các
nguyên đơn cũng không hề đưa ra cáo buộc rằng chính phủ Mỹ đã chủ ý
hại dân thường thông qua việc sử dụng chất da cam.". (Xem thêm Giữ nguyên phán quyết Dioxin, nguồn http://www.bbc.co.uk/vietnamese ngày
23/2/2008). Các công ty hóa chất cũng nhân đó cho rằng: “Chất da cam là
thuốc diệt cỏ dùng để bảo vệ quân Mỹ và quân miền Nam Việt Nam. Nó
chưa bao giờ được dùng như vũ khí.". (Xem Báo Mỹ viết gì về vụ kiện chất
da cam, nguồn http://www.bbc.co.uk/vietnamese
ngày 28/2/2005). Sự thật là, chính quyền Mỹ đã sử dụng cái quyền lực thế trên
của nó để bất chấp mọi sự tố cáo đưa chất độc da cam vào chiến trường Việt Nam,
chứ không phải các công ty hóa chất chủ ý. Và bây giờ, một nạn nhân của chất
độc da cam nên kiện Chính quyền Mỹ
(là ai?) hay các công ty hóa chất
(thừa bằng chứng để bào chữa là vô tội theo nguyên tắc của Tòa án Mỹ)?. Chính
người Mỹ cũng thấy thế, họ dăng khẩu hiệu: “Các công ty phải trả giá cho
tội ác của mình” và đặt câu hỏi cho các công ty này “Làm sao họ có thể
về nhà và sống bình thường với lương tâm của mình được”. (Xem thêm: Tòa NewYork nghe vụ kiện Dioxin, nguồn http://www.bbc.co.uk/vietnamese ngày
19/6/2007). Vấn đề này luật sự Tạ Văn Tài cũng đã chỉ ra và cho rằng không thể
thắng kiện vì: (i) nguyên tắc vô trách nhiệm của nhà thầu chính phủ (“chính phủ
biểu chúng tôi làm gì thì chúng tôi làm thế, giao hàng hóa như thế”); (ii) các
luật sư của nguyên đơn đưa ra các tội danh các tội danh như: “Tội ác chiến tranh, diệt chủng, chống nhân
lọai, tra tấn, hành hung, cố ý hay bất cẩn gây thống khổ tinh thần, bất cẩn gây
tử vong, làm giầu bất chính và làm tổn hại môi trường” là quá to lớn, chỉ
áp dụng cho các quốc gia chứ không thể áp dụng đối với các công ty. (Xem Tạ Văn
Tài, Vụ kiện Dioxin, có thắng được hay
không, nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/
ngày 13/6/2007).
Chừng ấy đủ để nói rằng tội ác thật sự nằm
ở đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!