Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

CHỈ THỊ KHÁNG CHIẾN KIẾN QUỐC ( 25 – 11 – 1945): NHỮNG VẤN ĐỀ CHIẾN LƯỢC, SÁCH LƯỢC TRONG BƯỚC CHUYỂN GIAI ĐOẠN CÁCH MẠNG


Chỉ thị Kháng chiến, kiến quốc



PGS,TS. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
 Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, thời kỳ từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946, Đảng CSĐD, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết thành công một loạt vấn đề có ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn chuyển từ giành chính quyền sang giữ chính quyền. Một trong số những vấn đề đó là việc xác định phương hướng, hình thành đường lối cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945 -1954) mà bản Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc ngày 25-11-1945 của BCHTƯ Đảng CSĐD là dấu mốc quan trọng trong quá trình này.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Việt Nam phải đối mặt với hoàn cảnh đầy phức tạp và chồng chất khó khăn, vận nước ở vào tình thế "nghìn cân treo sợi tóc".


Hơn lúc nào hết, giờ đây, giữa muôn trùng sóng gió, cần phải có những định hướng lớn để đưa con thuyền cách mạng tiếp tục đi tới. Với tầm nhìn chiến lược, với niềm tin vào sức mạnh của cả dân tộc quyết không trở lại kiếp nô lệ lầm than, Đảng CSĐD và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích toàn bộ diễn biến tình hình có liên quan, đề ra các chủ trương, chính sách lãnh đạo toàn dân, toàn quân kiên quyết bảo vệ nền tự do, độc lập, mà trước hết là giữ vững chính quyền trước sự tấn công của các lực lượng chống đối khác nhau cả trong và ngoài nước. Trong bối cảnh đó, BCHTƯ Đảng CSĐD ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc, nêu rõ chủ trương chỉ đạo chuyển hướng chiến lược và sách lược của Đảng trong tình hình mới.
Trên cơ sở phân tích những thay đổi căn bản về tình hình quốc tế, khu vực và trong nước sau Chiến tranh thế giới thứ II, chỉ ra những âm mưu của các thế lực đế quốc phản động đối với nhau và đối với cách mạng Việt Nam, Đảng CSĐD nhận định:
“a. Cuộc đấu tranh của nhân loại cần lao và tiến bộ trên thế giới hiện nay là tranh đấu cho hoà bình, tự do, hạnh phúc.
b. Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng...

c. Nhiệm vụ cứu nước của giai cấp vô sản chưa xong. Giai cấp vô sản vẫn phải hăng hái, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng ấy. Khẩu hiệu vẫn là "Dân tộc trên hết. Tổ quốc trên hết".
d. Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng.
e. Chiến thuật của ta lúc này là lập Mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược. Mở rộng Việt Minh cho nó bao gồm mọi tầng lớp nhân dân (chú trọng: kéo địa chủ, phong kiến và đồng bào Công giáo, v.v.)
g. Thống nhất mặt trận Việt - Miên - Lào chống Pháp xâm lược. Kiên quyết giành độc lập - tự do - hạnh phúc dân tộc. Độc lập về chính trị, thực hiện chế độ dân chủ cộng hoà; cải thiện đời sống cho nhân dân”[1].
Từ những nhận định và chủ trương đó, bản Chỉ thị xác định nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn trước mắt, đặt những nhiệm vụ đó trong mối liên hệ với nhiệm vụ chung của giai cấp vô sản toàn thế giới. Theo đó, phải đoàn kết với giai cấp vô sản và nhân dân các dân tộc, “tranh đấu để thực hiện triệt để hiến chương các nước liên hiệp, ủng hộ Liên Xô, xây dựng hoà bình thế giới, mở rộng chế độ dân chủ ra các nước, giải phóng cho các dân tộc thuộc địa”.
Ở trong nước, nhiệm vụ cần kíp là “củng cố chính quyền chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống cho nhân dân”. Trong đó nhiệm vụ bao trùm là bảo vệ và củng cố chính quyền. Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn phức tạp, để thực hiện, cần phải có những biện pháp cơ bản, toàn diện.
Về chính trị, phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân chống thực dân Pháp xâm lược và xây dựng đất nước bằng cách củng cố và mở rộng Mặt trận Việt Minh, phát triển các tổ chức cứu quốc, củng cố chính quyền nhân dân, xúc tiến việc tổng tuyển cử bầu Quốc hội để quy định Hiến pháp, lập Chính phủ chính thức...
Về quân sự, phải động viên lực lượng toàn dân kiên trì kháng chiến, tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến lâu dài; phối hợp chiến thuật du kích với phương pháp bất hợp tác đến triệt để.
Về ngoại giao, kiên trì chủ trương ngoại giao với các nước theo nguyên tắc “bình đẳng và tương trợ”; phải đặc biệt nắm vững hai nguyên tắc thêm bạn bớt thù và biểu dương thực lực. Đối với Tưởng Giới Thạch, Việt Nam chủ trương “Hoa - Việt thân thiện”; với Pháp, thực hành độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế.
Về tuyên truyền, kêu gọi đoàn kết, chống chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược. Phản đối chia rẽ nhưng chống sự thống nhất vô nguyên tắc với bọn phản quốc, phản đối chủ nghĩa thất bại, đặc biệt chống mọi mưu mô phá hoại chia rẽ của bọn Tờrốtxkít, Đại Việt, Việt Nam Quốc dân đảng và nâng cao sự tin tưởng của quốc dân vào thắng lợi cuối cùng, khêu gợi chí căm thù chống thực dân Pháp.
Về kinh tế, tài chính, khôi phục sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, khuyến khích các giới công thương kinh doanh, khuyến nông sửa chữa đê điều, lập Quốc gia ngân hàng, phát hành giấy bạc, định lại các ngạch thuế, lập ngân quỹ toàn quốc, các xứ, các tỉnh.
Về cứu tế, kêu gọi lòng yêu nước thương nòi của các giới đồng bào, lập quỹ cứu tế, lập kho thóc cứu tế; động viên thanh niên nam, nữ tổ chức thành các đoàn “cứu đói”, các “đội quân trừ giặc đói” để khai hoang, tăng gia sản xuất... giải quyết nhu cầu lương thực cấp bách cho dân nghèo.
Về văn hoá - xã hội, chống nạn mù chữ, mở đại học và trung học, cải cách việc học theo tinh thần mới, cổ động văn hoá cứu quốc, kiến thiết nền văn hoá mới theo nguyên tắc: khoa học hoá, đại chúng hoá, dân tộc hoá.
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên đây, điều có ý nghĩa quyết định hàng đầu là Đảng và Mặt trận Việt Minh phải được củng cố và phát triển. Chính vì vậy, bản Chỉ thị dành hẳn hai phần để trình bày cụ thể về các vấn đề này.
Về Đảng, phải duy trì hệ thống tổ chức bí mật hay bán công khai[2][i], tuyển thêm đảng viên mới, chú trọng gây thêm cơ sở Đảng trong các xí nghiệp, mở rộng các tổ chức nghiên cứu chủ nghĩa Mác bao gồm những ai có khuynh hướng cộng sản hay có cảm tình với cộng sản, nhưng tổ chức phải do những người cộng sản điều khiển. Trong việc phát triển đảng viên, tăng cường tổ chức Đảng, bản Chỉ thị chỉ rõ, phải “tránh cả hai khuynh hướng: Chỗ thì tổ chức Đảng hẹp quá, chậm quá, và chưa bỏ được cái bệnh hẹp hòi câu chấp của thời kỳ hoạt động hoàn toàn bí mật (ví dụ Quảng Ngãi và nhiều tỉnh ở Bắc Bộ), chỗ thì tổ chức Đảng rộng quá, nhanh quá khiến cho những phần tử phức tạp có thể len vào Đảng (ví dụ Hà Tĩnh và nhiều tỉnh ở Nam Bộ)”. Đồng thời, Chỉ thị cũng nêu rõ: Các tổ chức Đảng phải giữ vững và duy trì sinh hoạt đều đặn, xây dựng, củng cố các chi bộ Đảng trong các cơ quan hành chính hay các hội hợp pháp; thành lập chi bộ trong quân đội, phối hợp sự hoạt động bí mật với hoạt động công khai, trong đó, hoạt động bí mật phải được đặc biệt coi trọng và không để cho các cơ quan bí mật trở thành xung đột hoặc đối lập với cơ quan công khai.
Về Mặt trận Việt Minh, phải ra sức phát triển các tổ chức cứu quốc, thống nhất các tổ chức ấy trên toàn kỳ, toàn quốc; sửa chữa lại điều lệ của các đoàn thể cứu quốc cho thích hợp với hoàn cảnh mới. Bản Chỉ thị đề ra nhiệm vụ “giúp cho “Việt Nam Dân chủ Đảng” thống nhất và phát triển để thu hút vào Mặt trận những tầng lớp tư sản, địa chủ yêu nước và tiến bộ. Giúp “Việt Nam Nông gia cứu quốc hội” phát triển và bành trướng thế lực”. Trước sự xích mích, tranh giành ảnh hưỏng giữa một số tổ chức trong nội bộ Mặt trận Việt Minh, bản Chỉ thị chỉ rõ: Cần "san phẳng những xung đột xích mích giữa các đoàn thể trong mặt trận nhất là giữa các hội cứu quốc và Việt Nam Dân chủ Đảng. San phẳng những mâu thuẫn giữa Uỷ ban nhàn dân và Uỷ ban Việt Minh, trừ diệt hiện tượng hai chính quyền cạnh tranh: “chính quyền” uỷ ban nhân dân và chính quyền “Uỷ ban Việt Minh”... khẩn trương củng cố các đảng đoàn trong các đoàn thể mặt trận và do đó duy trì và củng cố quyền lãnh đạo mặt trận của Đảng.
Nhận rõ tình hình chiến sự trên các mặt trận Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Lào, bản Chỉ thị xác định: “Nhiệm vụ chiến thuật của ta ở Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ là cắt đứt dây liên lạc giữa các thành phố đã lọt vào tay địch, phong toả những thành phố ấy về kinh tế, bao vây về chính trị, nhiễu loạn về quân sự”. Còn đối với Lào, “nhiệm vụ chiến thuật là phải tăng gia công việc võ trang tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân Lào ở thôn quê làm cho Mặt trận thống nhất kháng Pháp của Lào - Việt lan rộng và chiến tranh du kích nảy nở ở thôn quê”. Với Campuchia, phải thành lập ngay liên quân Miên - Việt và làm cho chiến tranh du kích lan rộng trên đất Miên.
Bản Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, nhãn quan chính trị của một chính Đảng mới ra hoạt động công khai chưa bao lâu trên một loạt vấn đề liên quan trực tiếp tới sự nghiệp bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, bảo vệ Nhà nước dân chủ nhân dân - thành quả cao nhất của Cách mạng tháng Tám 1945, tạo tiền đề cơ bản đưa cách mạng Việt Nam tiến lên. Đó là việc xác định rõ tính chất và nhiệm vụ chiến lược của giai đoạn cách mạng từ sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám; xác định và phân loại chính xác kẻ thù; phương hướng cơ bản vừa kháng chiến vừa kiến quốc; một loạt giải pháp nhằm xây dựng và tăng cường thực lực cho cuộc kháng chiến; những quan điểm cơ bản về chỉ đạo chiến tranh và những nội dung chính của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh... Trong tình hình “nước sôi lửa bỏng” lúc bấy giờ, những chiến lược và sách lược được thể hiện trong bản Chỉ thị lịch sử Kháng chiến kiến quốc của Đảng CSĐD thực sự là ánh sáng soi đường cho toàn dân, toàn quân trong cuộc chiến đấu nhằm bảo vệ sự sống còn của dân tộc.


Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Đã đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng, số 12/2001 (dưới tiêu đề: CHỈ THỊ KHÁNG CHIẾN KIẾN QUỐC NGÀY 25 – 11 – 1945: TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG)




[1]Chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương về Kháng chiến kiến quốc, ngày 25-11-1945, Văn kiện Đảng Toàn tập, CTQG, T.8, H, 2000. Những trích dẫn trong bài đều ở bản Chỉ thị này.

[2] Trước đó, để có lợi cho cách mạng, cho quyền lợi dân tộc mà vẫn đảm bảo được sự lãnh đạo của Đảng trong những điều kiện khó khăn lúc bấy giờ, Đảng ta ra thông cáo tuyên bố "tự giải tán" mà thực chất là rút lui vào hoạt động bí mật.










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!