Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

VÀI NÉT VỀ VẤN ĐỀ TỔ CHỨC VÀ SỬ DỤNG LỰC LƯỢNG TRONG KHỞI NGHĨA BA ĐÌNH



HẢI DƯƠNG – HỒ KHANG
Viện Lịch sử quân sự
          100 năm đã trôi qua, nhưng khởi nghĩa Ba Đình càng khẳng định ý nghĩa lịch sử và tầm vóc to lớn đối với phong trào Cần Vương chống Pháp của nhân dân Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XIX. Vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa Ba Đình một cách toàn diện hơn, sâu sắc hơn vẫn là một trong những vấn đề khoa học hết sức cần thiết. Trong bài viết này với góc độ của những người làm công tác lịch sử quân sự. Chúng tôi trình bày về vấn đề tổ chức và sử dụng lực lượng trong khởi nghĩa Ba Đình.

          Vào những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XIX, khi nhân dân cả nước không ngừng đứng lên chống Pháp, thì trong nội bộ giai cấp phong kiến Việt Nam đã diễn ra sự phân hóa vô cùng gay gắt. Biểu hiện tập trung của sự phân hóa đó là cuộc nổi dậy ở kinh thành Huế. Cuộc nổi dậy không thành: Tôn Thất Thuyết cùng vua Hàm Nghi chạy lên Sơn Phòng (Quảng Trị), kêu gọi nhân dân phò vua, cứu nước: Hàm Nghi đã ban chiếu Cần Vương.
          Hưởng ứng chiếu Cần Vương, khắp nơi trong cả nước phong trào chiến đấu chống Pháp càng sôi nổi, quyết liệt. Linh hồn của phong trào Cần Vương của các cuộc khởi nghĩa đã chuyển về các văn thân, sĩ phu có lòng yêu nước, thương dân.
          Tại Thanh Hóa, nơi có truyền thống chống xâm lăng, mảnh đất sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt – điểm tiếp nối giữa miền Trung và miền Bắc, từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, phong trào đấu tranh chống Pháp phát triển mạnh mẽ và tương đối liên tục. Kể cả khi hưởng ứng phong trào Cần Vương, cuộc chiến đấu chống Pháp ở Thanh Hóa ngày càng phát triển sâu rộng và quyết liệt hơn. Đó là cơ sở và điều kiện dẫn tới những cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp có ý nghĩa lịch sử to lớn, mà một trong những đỉnh cao là khởi nghĩa Ba Đình.
          Ba Đình gồm ba làng: Mậu Thịnh, Thượng Thọ, Mỹ Khê ở phía tây huyện Nga Sơn, cách tỉnh lỵ Thanh Hóa khoảng 40 km, về phía Tây Bắc, là một vị trí khá xung yếu ở vùng này. Phía đông, Ba Đình có thể khống chế con sông đào lên Ninh Bình; phía tây, Ba Đình có thể theo dõi, kiểm soát được con đường giao thông quan trọng từ Ninh Bình vào Thanh Hóa và các tỉnh miền Trung; Ba Đình còn có đường xuôi ra biển và ngược lên miền thượng du bằng Sông Mã. Ngoài ra, Ba Đình còn có những tuyến đường bộ nối với các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Hà Trung, Vĩnh Lộc… Dựa vào vị trí thiên hiếm này và phong trào đấu tranh chống Pháp sôi nổi của nhân dân, các văn thân và sĩ phu yêu nước đã chọn Ba Đình làm một trong những vị trí xây dựng căn cứ chống Pháp.
          Với sự ủng hộ to lớn của nhân dân, nhất là nhân dân hai huyện Nga Sơn và Tống Sơn, chỉ trong một thời gian tương đối ngắn Ba Đình đã được xây dựng thành một cụm cứ điểm chiến đấu hết sức kiên cố. Bằng cách triệt để lợi dụng địa hình, địa vật, nghĩa quân Ba Đình đã cấu trúc một hệ thống công sự hầm, hào, với thế trận được bố trí chặt chẽ, liên hoàn, tập trung hỏa lực, phân tán binh lực, rất bí mật, bất ngờ. Cụ thể là, ngoài cùng, lợi dụng ruộng nước và bùn lầy, nghĩa quân đã cho cắm các lớp chông tre cứng nhọn và chông chà bùng nhùng nhằm cản phá sự tiếp cận căn cứ của kẻ thù. Tiếp đó, dựa vào lũy tre ken kín bao quanh làng, nghĩa quân đã đào một con hào có công sự chiến đấu. “Hào rộng 4 thước sâu 3 thước, lấy đất dưới hào, đê đắp lên thành… tường thành dầy từ 8 đến 11 thước, ngoài mặt thành cắm chông”[1]. Trên mặt thành, nghĩa quân xếp những sọt tre lớn nhồi đầy bùn và rơm rạ, trong thành là những công sự chiến đấu có nắp. Các hào giao thông và các công sự chiến đấu đều được nối liền với nhau, bảm đảm sự vận động nhanh chóng tới các vị trí chiến đấu của nghĩa quân, đảm bảo cho nghĩa quân tác chiến có hiệu quả và thay đổi vị trí chiến đấu kịp thời trong mọi tình huống, mọi thời tiết và trong một thời gian tương đối dài. Ngoài ra, Ba Đình còn được hỗ trợ từ xa như Mã Cao (Yên Định), Quảng Hóa (Vĩnh Lộc), Phi Lai (Hà Trung) v.v… Rõ ràng căn cứ Ba Đình là một hệ thống phòng ngự mạnh và tương đối hoàn chỉnh, nó có thể phát huy được tối đa của đội quân có số lượng ít, trang bị vũ khí thô sơ nhưng có tinh thần chiến đấu ngoan cường và được tổ chức chặt chẽ, chu đáo. 
 Để có được một căn cứ như vậy, nghĩa quân Ba Đình đã phải hoàn thành một khối lượng công việc hết sức to lớn. Điều đó chẳng những khẳng định quyết tâm sắt đá của nghĩa quân mà còn chỉ rõ vai trò to lớn, quyết liệt của nhân dân địa phương. Chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, với sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, hàng ngàn cây tre, sọt tre, lương thực, thực phẩm và ngay cả nước uống đã được huy động và cất giấu cẩn thận. Mọi kinh nghiệm quý báu của nhân dân được phát huy. Việc bảo đảm bí mật được tuyệt đối giữ vững. Điều đáng lưu ý là, ý thức được tính chất gay go, ác liệt của cuộc chiến đấu sắp tới, nghĩa quân đã tổ chức cho người già và trẻ em sơ tán sang những làng phụ cận nhằm tránh cho nhân dân những tổn thất không cần thiết.
          Cùng với việc xây thành đắp lũy, kêu gọi nhân dân hưởng ứng, giúp đỡ xây dựng căn cứ, vấn đề tổ chức, biên chế và huấn luyện chiến đấu được nghĩa quân Ba Đình hết sức chú ý. Đội ngũ chiến đấu được tuyển chọn kỹ lưỡng từ những người trai tráng ở tại chỗ và nhiều nơi khác. Theo tài liệu ghi lại, đội ngũ đó trên dưới 300 người, biên chế thành 10 cơ đội, mỗi cơ đội có 30 tráng binh do một hiệp quản và một Tắc vị phụ trách. Mỗi cơ đội gồm 3 toán, mỗi toán 10 tráng binh do một suất đội chỉ huy. Tùy theo tình hình và ý đồ tác chiến của bộ chỉ huy, các cơ đội và các toán được phân công đảm nhiệm các nhiệm vụ trên các hướng khác nhau, sẵn sàng chiến đấu hoặc chi viện cho nhau. Ngoài lực lượng chính kể trên, hàng trăm người khác, trong đó có nhiều phụ nữ, thiếu niên làm công tác hậu cần, liên lạc theo dõi tình hình, truyền đạt tin tức, mệnh lệnh trong hàng ngũ nghĩa quân và các mặt đảm bảo chiến đấu khác.
          Để có sức chiến đấu cao, vấn đề kỷ luật được nghĩa quân thực hiện nghiêm túc. Người chỉ huy kịp thời thưởng phạt nghiêm minh. Kỷ luật quan hệ với nhân dân luôn luôn được nhắc nhở và đề cao. Chính vì vậy, nhân dân đã đoàn kết, tin tưởng và hết lòng ủng hộ nghĩa quân. Bên cạnh đó, nghĩa quân luôn luôn được rèn luyện, tập dượt về chiến thuật và kỷ luật chiến đấu. Các loại vũ khí như súng hỏa mai, súng thần công, súng trường, cung nỏ, giáo mác… được nghĩa quân sử dụng thành thạo và có hiệu quả. Tinh thần thượng võ truyền thống của dân tộc được cổ vũ, phát triển như vật, côn, quyền…
          Với ý đồ chiến đấu trong một thời gian tương đối dài nhằm thu hút và tiêu hao sinh lực địch, đồng thời cổ vũ phong trào chống Pháp đang bùng nổ mạnh mẽ trong cả nước, nghĩa quân đã thực hiện một phương thức tác chiến đúng đắn, bố trí trận địa và điều động binh lực tích cực, linh hoạt. Nghĩa quân chọn Mậu Thịnh làm địa điểm đóng sở chỉ huy, đồn Trung được đặt ở đây; do Đinh Công Tráng trực tiếp chỉ huy. Đồn Thượng đặt ở Thượng Thọ và đồn Hạ ở Mỹ Khê. Từ các đồn binh quan trọng đó, một hệ thống hào giao thông tỏa ra các công sự trong và ngoài chiến lũy. Lúc thường, nghĩa quân đóng thành các cụm được quy định. Khi địch đến, theo hệ thống hào chiến đấu, các toán và các cơ đội nhanh chóng vận động chiếm lĩnh trận địa, sẵn sàng tác chiến. Một vòng đai gồm nhiều tiền đồn, và các trạm quan sát được bố trí vùng ngoại vi Ba Đình nhằm đánh địch từ xa; quan sát, theo dõi và nắm vững tình hình. Khi cần thiết, các đồn có thể dùng tín hiệu trống, mõ (ban ngày), ánh lửa (ban đêm) để thông báo về chỉ huy sở.
          Như vậy, với lòng căm thù giặc sâu sắc, biết dựa vào sự ủng hộ to lớn của nhân dân, nghĩa quân Ba Đình đã xây dựng được một cụm căn cứ bao gồm hệ thống công sự và trận địa chiến đấu vững chắc. Đồng thời, bằng việc xây dựng, tổ chức lực lượng và bố trí binh lực, nghĩa quân đã hình thành chiến thuật đánh địch linh hoạt, hợp lý, và có khả năng đạt hiệu quả chiến đấu cao. Căn cứ Ba Đình chẳng những là thành quả to lớn của đông đảo nhân dân, của các lực lượng nghĩa quân mà còn thể hiện vai trò tổ chức, chỉ huy của bộ máy tướng lĩnh như Phạm Bành, Đinh Công Tráng, cùng nhiều lãnh tụ nghĩa quân khác. Chính vậy, căn cứ Ba Đình mới có khả năng chặn đứng và bẻ gãy những đợt tiến công với quy mô ngày càng lớn, ngày càng quyết liệt, với những thủ đoạn ngày càng thâm độc của kẻ thù xâm lược.
***
          Khi biết tin căn cứ Ba Đình được xây dựng, lực lượng Ba Đình được tổ chức, thực dân Pháp ở Đông Dương vô cùng lo lắng. Thực dân Pháp coi Ba Đình là “cục bướu” vô cùng nguy hiểm trong kế hoạch xâm lăng, bình định Việt Nam; vì vậy, lập tức tập trung binh lực và các phương tiện chiến tranh, với các thủ đoạn khác nhau, quyết tâm tiêu diệt bằng được Ba Đình. Cuộc chiến đấu gay go, ác liệt nhưng vô cùng oanh liệt của nghĩa quân Ba Đình chống thực dân Pháp xâm lược bắt đầu.
          Đợt thứ nhất, 500 lính Pháp do trung tá Mét-đanh-de và Đốt chỉ huy, có pháo binh yểm trợ, tiến hành bao vây và tiến đánh Ba Đình. Mục tiêu tiến công là Thượng Thọ (hướng Đông Bắc) và Mỹ Khê (Tây Nam). Bình tĩnh, bí mật, nghĩa quân chờ cho địch tiến sát tầm hỏa lực mới bất ngờ nổ súng. Lính Pháp phải trả giá đắt mới chiếm được mấy làng nhỏ tại phòng tuyến thứ nhất và một đồn tiền tiêu ở Thượng Thọ. Dù địch sau đó tập trung hỏa lực nhưng không tiến thêm được nữa. Có lúc địch đã chiếm được một số đoạn hào, nhưng nghĩa quân chiến đấu kiên cường, hất địch trả lại và kịp thời rời công sự xuất kích tiêu diệt địch. Pháo binh địch buộc phải yểm trợ cho quân Pháp rút lui.
          Tình hình trở về trạng thái như cũ. Hai bên ra sức tổ chức, củng cố lại lực lượng. Về phía địch, Pháp điều thêm quân cho mặt trận Ba Đình và thay đổi chiến thuật. Quân số địch từ 500 đã lên tới 2488 tên, 5000 phu phục vụ chiến đấu, 20 khẩu đại bác, 4 khẩu thần công và 4 hạm tầu chiến đấu. Với lực lượng gấp 10 nghĩa quân, lại được bọn việt gian phản quốc bầy mưu mách kế, được hỏa lực của pháo binh yểm trợ tối đa, 3 cánh quân của địch bắt đầu tổ chức tấn công vào Mỹ Khê. Trận địa vẫn im lặng và bí ẩn đối với quân thù. Nghĩa quân theo dõi chặt quân địch, chờ cho chúng tiến tới thật gần (có nơi địch chỉ còn cách công sự trận địa của nghĩa quân trên dưới 20 mét) mới bất ngờ nổ súng. Dưới những làn đạn bắn chéo cánh sẻ, đội hình tấn công của địch bị chặn lại. Những tên lính công binh mang theo chất nổ hòng đánh vào chiến lũy, mở đột phá khẩu, đã bị nghĩa quân dùng lối bắn tỉa chính xác tiêu diệt. Trên hướng tấn công chính (cánh giữa), nghĩa quân đã để địch vào sâu trong trận địa phục kích rồi bất ngờ từ 3 hướng nổ súng tiêu diệt địch, ghìm đội hình của địch dưới các chân ruộng lầy bùn. Địch phải dùng toàn bộ lực lượng của đại quân Bắc Kỳ thứ 4 do Gơ-sinh chỉ huy yểm trợ cho cuộc rút lui của cánh quân này. Pháo binh địch lại một lần nữa buộc phải hoạt động để chặn nghĩa quân truy kích.
          Bị thất bại nặng nề, quân Pháp buộc phải thay đổi chiến thuật, tiến hành vây hãm Ba Đình bằng 2 phòng tuyến. Tuyến trong có nhiệm vụ thít chặt vòng vây đối với nghĩa quân Ba Đình, tuyến ngoài sẵn sàng chiến đấu chống các cuộc tập kích hỗ trợ cho Ba Đình. Ngày 15-1-1887, 3 cánh quân của địch bắt đầu tiến công vào Thượng Thọ và Mậu Thịnh. Đứng trong chiến hào, qua những lỗ châu mai được bố trí kín đáo, nghĩa quân cơ động nhanh chóng, linh hoạt, nổ súng vào đội hình tiến công của địch. Trước sự phòng thủ kiên cường của nghĩa quân, quân thù bị chặn đứng. Đến lúc này, địch vẫn không nắm được tình hình bố trí binh lực, cấu trúc công sự và hầm hào chiến đấu của nghĩa quân, nhưng chúng nhận ra Thượng Thọ là vị trí có thể đột kích hiệu quả. Ngày 20-1-1887, sau khi cho pháo binh bắn phá dữ dội vào trận địa của nghĩa quân, bộ binh và công binh địch liều chết tiếp cận sát chân chiến lũy. Nghĩa quân tổ chức đánh trả kịch liệt. Địch không sao mở được mũi đột kích thọc sâu. Trong một cố gắng cao nhất, công binh địch dùng vòi rồng phun dầu đốt cháy lũy tre; đồng thời, đạn lửa của địch tới tấp bắn vào thiêu hủy nhà cửa trong làng. Vừa tổ chức dập lửa, nghĩa quân vừa lùi sâu hơn, tiếp tục tổ chức phòng ngự. Nhưng rõ ràng việc địch phá vỡ một đoạn phòng tuyến đã đặt nghĩa quân vào một tình thế bất lợi. Để đảm bảo lực lượng, tiếp tục sự nghiệp chiến đấu chống kẻ thù, Đinh Công Tráng và các tướng lĩnh nghĩa quân đã khẩn trương tổ chức cuộc rút lui khỏi vòng vây của địch.
***
          Như vậy, với hệ thống trận địa được xây dựng kiên cố và bố trí hợp lý, bằng phương thức tác chiến, linh hoạt và cơ động, nghĩa quân Ba Đình đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu suốt 32 ngày đêm, đập tan nhiều đợt tiến công của kẻ thù có ưu thế về binh lực và hỏa lực, gây cho chúng những tổn thất nặng nề. Cuộc khởi nghĩa đã thu hút một phần quan trọng lực lượng quân đội địch, tiêu hao, tiêu diệt một phần đáng kể sinh lực của chúng, giáng một đòn mạnh vào bộ máy của những kẻ xâm lược, khiến cho đối phương vô cùng hoang mang, lo sợ. Khởi nghĩa Ba Đình là điểm khởi đầu buộc thực dân Pháp phải từ bỏ ý đồ và kế hoạch tập trung binh lực, chuyển sang hình thức thiết lập đồn bốt, tổ chức các vị trí nhỏ ở khắp nơi nhằm chống lại phong trào chống Pháp ở mọi nơi mọi lúc của nhân dân Việt Nam.
          Mặc dù không thành công, nhưng khởi nghĩa Ba Đình vừa là tiêu điểm, vừa là sự cổ vũ to lớn đối với phong trào Cần Vương chống Pháp trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XIX.
          Tinh thần quật cường của nghĩa quân Ba Đình sống mãi.


Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ



[1] Trần Văn Giầu, Chống xâm lăng, quyển thứ 3 – Phong trào Cần Vương, H, 1957, tr.115.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!