Viện Lịch sử quân sự
Việt Nam
1. Tháng 12-1982, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số
07 “Về việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế
lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, sự nghiệp quốc phòng và
thực hiện chế độ một người chỉ huy trong quân đội” với mục tiêu bảo đảm sự lãnh đạo vững
chắc của Đảng trong mọi tình huống, phát huy cao độ trách nhiệm của người chỉ
huy, không ngừng nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng và sức mạnh chiến đấu của
quân đội.
Nghị quyết 07 chỉ rõ: Đảng lãnh đạo trực tiếp,
tập trung, thống nhất các lực lượng vũ trang cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức,
không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân của quân đội, làm cho quân đội
trung thành vô hạn với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội.
Quân đội
đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhân dân lao động, tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo
của Đảng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc Tổ quốc
xã hội chủ nghĩa, hăng hái lao động xây dựng đất nước và làm tròn nghĩa vụ quốc
tế. Để Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn thành tốt trọng trách nặng nề đó, thực
hiện chế độ một người chỉ huy là nguyên tắc tổ chức rất quan trọng
trong công cuộc xây dựng và chiến đấu của quân đội. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp,
tập trung, thống nhất về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, chế độ này bảo đảm
phát huy cao độ trách nhiệm của người chỉ huy các cấp, giữ vững tính kiên quyết
và tính linh hoạt trong chỉ huy tác chiến hiện đại, tính kỷ luật nghiêm minh,
tính tổ chức chặt chẽ trong xây dựng, quản lý và chỉ huy bộ đội chấp hành nhiệm
vụ.
Trải
qua ba năm thực hiện, Nghị quyết 07 đã phát huy tác dụng, củng cố sức mạnh tổ
chức Đảng trong Quân đội, phát huy tốt cơ chế một người chỉ huy; Quân đội có những bước phát triển, tiến bộ mới, đóng
góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhằm tiếp tục kiện toàn cơ
chế lãnh đạo của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo vững chắc của Đảng trong mọi tình huống,
giữ vững nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phát huy cao độ trách nhiệm của người chỉ
huy và hiệu lực công tác đảng - công tác chính trị, không ngừng nâng cao sức mạnh
chiến đấu của quân đội, tháng 7-1985, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 27 “Về việc tiếp tục kiện toàn cơ chế lãnh đạo của
Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam và sự nghiệp quốc phòng”.
Cuối
năm 1985, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tập huấn quán triệt tinh thần Nghị quyết
07 và Nghị quyết 27 cho các chủ nhiệm chính trị và cán bộ chính trị toàn quân.
Tại Hội nghị, Đại tướng Chu Huy Mân phát biểu về vấn đề “Nâng cao phẩm chất cộng
sản của người đảng viên, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của Đảng trong giai đoạn mới”.
Tác phẩm “Nâng cao phẩm cộng sản của đảng
viên” ra đời trong hoàn cảnh đó. Đây là tác phẩm thể hiện những suy nghĩ,
trăn trở, tâm huyết, mong muốn của Đại tướng Chu Huy Mân hướng tới xây dựng một
đội ngũ đảng viên trong sạch, vững mạnh, có đủ tài – lực đóng góp cho sự phát
triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần xứng đáng để Quân đội thực hiện,
hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Tác phẩm có giá trị soi rọi quan trọng trong xây dựng
Đảng, xây dựng quân đội những năm tháng trước đây và đặc biệt hiện nay, khi cuộc
vận động, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) trở
thành cuộc vận động sâu rộng trong các tổ chức Đảng trong và ngoài quân đội.
2. Theo Đại tướng Chu Huy Mân, trên quan điểm:
Con người, “xét cho cùng vẫn là nhân tố quyết định thắng lợi của chủ nghĩa xã hội”[1], vấn
đề nâng cao tính giai cấp công nhân, tính tiên phong của người đảng viên, nâng
cao chất lượng đảng viên trở thành yêu cầu cấp bách. Đáp ứng yêu cầu đó, “thúc
đẩy mạnh mẽ và đúng hướng việc học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất cộng sản của
Đng viên”[2] là
khâu then chốt, là một trong những nhiệm vụ cơ bản, cần được làm rõ, hiểu đúng
và thực hiện, nhằm khắc phục các hiện tượng tiêu cực, góp phần thiết thực nâng
cao chất lượng, sức chiến đấu của Đảng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội,
đảm bảo cho đường lối của Đảng luôn đúng đắn, sáng tạo, được thực hiện thắng lợi.
Ý nghĩa quan trọng của việc học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất cộng sản của
đảng viên quy định bởi “mối quan hệ giữa phẩm chất, năng lực người đảng viên với
bản chất giai cấp công nhân và đường lối cách mạng của Đảng”[3].
Tác phẩm “Nâng
cao phẩm cộng sản của đảng viên” khẳng định rằng, nói đến bản chất giai cấp
công nhân của Đảng không chỉ đơn thuần đề cập đến vấn đề lý luận, mà điều quan
trọng là bản chất ấy phải được phản ánh đúng đắn trong thực tiễn, trong hành
động của Đảng. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng không trừu tượng, nó được
thể hiện trước hết ở hệ tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, ở lý tưởng
và mục tiêu của Đảng là phấn đấu bền bỉ cho độc lập, tự do của Tổ quốc, của dân
tộc, cho việc xây dựng một xã hội văn minh, giàu mạnh. Lý tưởng và mục tiêu đó
phải được cụ thể hóa từng bước thành đường lối và chính sách của Đảng, bằng
“phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ đảng viên lớp lớp kế tiếp nhau chiến
đấu kiên cường, đấu tranh không khoan nhượng, không mệt mỏi để thực hiện thắng
lợi đường lối của Đảng”[4].
Vì thế, bản chất giai cấp công nhân của Đảng là “cơ sở đảm bảo cho Đảng đề ra
đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo”[5].
Bên cạnh đó, bản chất giai cấp công nhân và đường lối cách mạng của Đảng “là
những cơ sở quyết định yêu cầu, nội dung, phẩm chất năng lực của đội ngũ cán bộ
đảng viên”[6].
Như vậy, mấu chốt của vấn đề là ở chỗ: Sau khi có đường lối cách mạng đúng đắn,
Đảng phải có đội ngũ cán bộ đảng viên có phẩm chất và năng lực tiêu biểu cho
bản chất giai cấp công nhân và đường lối cách mạng của Đảng, có ý chí và nghị
lực cách mạng cao, vững vàng trước mọi thử thách, có đủ năng lực, kiến thức
lãnh đạo quần chúng[7]. Nói
cách khác, chất lượng cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ đảng viên giữ vị trí
lãnh đạo có ý nghĩa to lớn, quyết định đến năng lực lãnh đạo của Đảng. Lịch sử
đã chứng minh rằng,“chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu
nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh đạo chính trị,
những đại biểu tiền phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào”[8]. Thực
tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới cho thấy: Không có đội ngũ cán bộ tốt thì
đường lối, nhiệm vụ chính trị đúng cũng không thể đến được với quần chúng nhân
dân, cũng không phát huy tác dụng và trở thành hiện thực. Như vậy, chất lượng
cán bộ đảng viên có ý nghĩa quyết định hàng đầu đối với thành bại của sự nghiệp
cách mạng, đối với sự vững mạnh, sức chiến đấu của Đảng. Nâng cao chất lượng
đảng viên là yêu cầu sống còn của Đảng trong mọi giai đoạn, mọi thời kỳ cách
mạng.
Chất
lượng cán bộ đảng viên “là sự thống nhất giữa phẩm chất và năng lực cách mạng
được thể hiện ra ở kết quả hoàn thành nhiệm vụ”[9].
Trên tinh thần coi trọng cả hai mặt phẩm chất và năng lực, coi hai mặt này “có
mối quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể đối lập, hoặc coi nhẹ một mặt nào”[10],
tác phẩm “Nâng cao phẩm cộng sản của đảng
viên” đi sâu bàn về vấn đề phẩm chất.
Theo Đại tướng Chu Huy Mân, phẩm chất của người đảng viên là sự tổng hợp và thể
hiện hài hòa những tiêu chí đạo đức trong các mối
quan hệ với Đảng, Nhà nước, giai cấp, nhân dân và dân tộc. Đó là những phẩm chất:
Trung với nước, hiếu với dân; cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Những phẩm
chất ấy là những điều kiện cơ bản, những tiêu chí chính yếu để đội ngũ cán bộ,
đảng viên thực sự là những “công bộc” của nhân dân. Những tiêu chí đạo đức nêu
trên là những giá trị đạo đức cơ bản, quan trọng
của mỗi cán bộ đảng viên, nó loại bỏ sự thấp hèn, vị kỷ, hẹp hòi, xấu xa, hướng
cán bộ đảng viên đi tới cái tốt đẹp, cái thiện và cái tiến bộ, thể hiện quan niệm:
Cán bộ đảng viên sống, làm việc vì lợi ích chung, sử dụng địa vị công tác làm lợi,
làm giàu cho đất nước, không biến quyền lực, vị trí công tác thành phương tiện
vụ lợi. Đó chính là phẩm chất cộng sản.
Phẩm chất đó không tự nhiên mà có, “phải trải qua đấu tranh, học tập và rèn luyện
trong suốt cuộc đời”[11]
như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[12].
3. Người chỉ huy
trong quân đội được Đảng và Nhà nước giao cho những quyền hạn đầy đủ trong phạm
vi được phân công phụ trách, chịu trách nhiệm cá nhân trước Đảng, Nhà nước và
người chỉ huy cấp trên
về chỉ huy chiến đấu, xây dựng và quản lý bộ đội, chấp hành các chủ trương,
chính sách của Đảng, Nhà nước và các nhiệm vụ của đơn vị trong mọi hoàn cảnh. Người chỉ huy phải
tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với lý tưởng của Đảng Cộng sản,
có năng lực và phẩm chất tương xứng với nhiệm vụ. Người chỉ huy không những phải
có trình độ nghiệp vụ giỏi mà phải nắm vững đường lối, quan điểm, chủ trương,
chính sách của Đảng, có đảng tính cao, có năng lực tổ chức thực hiện và tác
phong công tác tốt. Với
chế độ một người chỉ huy, yêu cầu đối với người chỉ huy với tư cách chỉ huy
và đảng viên là rất cao cả về năng lực lẫn phẩm chất đạo đức. Các cấp ủy
Đảng, các cấp lãnh đạo trong quân đội cần hết sức chú trọng xây dựng, rèn luyện
cho người cán bộ chỉ huy những phẩm chất đạo đức cơ bản, chủ yếu sau:
Một là, yêu nước,
trung thành tuyệt đối với Tổ quốc.
Yêu nước là một trong những phẩm chất đạo
đức hàng đầu của người chỉ huy, là "tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của
các giá trị"[13],
là động lực lớn lao để người chỉ huy phục vụ quân đội, lao động và cống hiến.
Đó cũng là nấc thang cao nhất trong hệ thống giá trị đạo đức của người đảng
viên – cán bộ chỉ huy. Yêu nước là đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên
trên hết, sẵn sàng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, xây dựng quê hương, đất
nước. Yêu nước không tách rời trung thành
với Tổ quốc. Yêu nước là cơ sở, nền tảng, tiền đề của sự trung thành với Tổ quốc.
Ngược lại, trung thành với Tổ quốc là biểu hiện cao nhất, tập trung nhất, đầy đủ
nhất của lòng yêu nước. Trung thành với Tổ quốc chính là sự kiên định cách mạng, không ngần ngại chấp nhận hy sinh
để bảo vệ đồng
đội, bảo vệ nhân dân, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, đấu tranh bảo vệ
cái đúng, chống lại cái sai, không vì lợi ích, địa vị cá nhân, không sợ hãi trước
bất cứ sự ép buộc, hoặc áp đặt cá nhân độc đoán.
Thứ hai, có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm,
liên hệ mật thiết,
lắng nghe những ý kiến của với cán
bộ, chiến sĩ.
Người cán bộ chỉ huy phải là người có ý thức tổ chức kỷ luật cao, không độc đoán cá
nhân, không tự
cho phép mình cao hơn tổ chức, không tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật. Ý thức tổ chức kỷ luật
của người cán bộ chỉ huy phải
được thể hiện cả trong suy nghĩ lẫn trong hành động, cả trong cách nói năng lẫn
trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày với đồng đội; đồng thời, phải được thể hiện ở ý thức tự phê bình
và phê bình cao. Có như vậy, người cán bộ chỉ huy mới đảm đương tốt nhiệm vụ, trọng
trách được giao, làm cho đơn vị mình phụ trách trở thành một khối thống nhất về tư tưởng, quan điểm, về tổ chức và hành động.
Thứ ba, gương mẫu, trung thực trong công
tác, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô
tư.
Đối với người cán bộ chỉ huy, những tiêu chí này được thể hiện cụ thể như sau: 1- Cần cù trong công tác, khuyến khích và giúp đỡ đồng đội làm tốt công việc, tích cực, chủ động, sáng tạo trong công việc được giao; 2- Không hoang phí thời gian, của cải của mình, của quân đội và của nhân dân, tránh xa hoa, lãng phí; 3- Không tham ô, không móc ngoặc, hối lộ, tư lợi; 4- Thẳng thắn, trung thực, làm theo lẽ phải, đấu tranh chống sự giả dối, cơ hội, lợi dụng chức quyền làm việc bất minh; 5- Lấy lợi ích chung của đơn vị, quân đội, của quốc gia, của dân tộc làm trọng, đặt lên trên lợi ích cá nhân.
Thứ tư, yêu thương đồng đội, yêu thương con người.
Đó là lấy thương yêu, bao dung, độ lượng làm cơ sở cho cách xử thế với đồng đội, với nhân dân, coi đó là triết lý sống thường nhật. Yêu thương đồng đội, yêu thương con người là “thương người như thể thương thân", dung hòa, độ lượng với những sai lầm, khuyết điểm của đồng đội, giúp đỡ cùng sửa chữa, khắc phục. Yêu thương đồng đội, yêu thương con người là "chín bỏ làm mười", tin tưởng ở sức mạnh tiến bộ, sự hướng thiện của con người, của đồng đội, tin tưởng ở sự thắng lợi của chính nghĩa, của cái đẹp, cái thiện, cái đúng, luôn hướng tới sự gắn bó, tin tưởng lâu dài, xây dựng đơn vị, tập thể đoàn kết, vững mạnh.
Một cách tổng quát, phẩm chất đạo đức của người cán bộ chỉ huy thực chất và trước hết là tình cảm đối với đất nước, đối với quân đội, đối với nhân dân, là ý chí, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, là trách nhiệm đem lại lợi ích cho cho đơn vị, cho đất nước, cho nhân dân. Đạo đức đó được thể hiện trong điều hành, thực hiện công vụ, trong giải quyết các vấn đề công tác một cách khoa học, trung thực khách quan; trong đấu tranh khắc phục mọi sự tha hoá để thực hiện kỷ luật nghiêm minh, dân chủ, lành mạnh hoá các quan hệ công tác. Với nhận thức, quan điểm đó, trong điều kiện hiện nay, những giá trị lý luận, thực tiễn tác phẩm “Nâng cao phẩm cộng sản của đảng viên” của Đại tướng Chu Huy Mân – người cho đến những ngày cuối đời, “vẫn suy nghĩ, lo lắng nhiều đến nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng”[1], một lần nữa cần được quán triệt, học tập nghiêm túc và làm theo.
Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
[1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Mãi mãi nhớ tiếc Đại tướng Chu Huy Mân,
Tienphong Online, 6-7-2006.
[1] Đại tướng Chu Huy Mân: Nâng cao phẩm chất cộng sản của người đảng
viên, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr.7.
[2] Đại tướng Chu Huy Mân: Nâng cao phẩm chất cộng sản của người đảng
viên, Sđd, tr.7.
[3] Đại tướng Chu Huy Mân: Nâng cao phẩm chất cộng sản của người đảng viên,
Sđd, tr.8.
[4] Đại tướng Chu Huy Mân: Nâng cao phẩm chất cộng sản của người đảng
viên, Sđd, tr.10.
[5] Đại tướng Chu Huy Mân: Nâng cao phẩm chất cộng sản của người đảng
viên, Sđd, tr.10.
[6] Đại tướng Chu Huy Mân: Nâng cao phẩm chất cộng sản của người đảng
viên, Sđd, tr.11.
[7] Đại tướng Chu Huy Mân: Nâng cao phẩm chất cộng sản của người đảng
viên, Sđd, tr.11.
[8] V.I.Lênin: Toàn tập,
tập 4, Nxb. Tiến bộ, Macxcơva, 1980, tr.473.
[9] Đại tướng Chu Huy Mân: Nâng cao phẩm chất cộng sản của người đảng
viên, Sđd, tr.14.
[10] Đại tướng Chu Huy Mân: Nâng cao phẩm chất cộng sản của người đảng
viên, Sđd, tr.15.
[11] Đại tướng
Chu Huy Mân: Nâng cao phẩm chất cộng sản
của người đảng viên, Sđd, tr.63.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2000, tr. 13.
[13] Trần Văn Giàu: Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc
Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980, tr. 94
[14] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Mãi mãi nhớ tiếc Đại tướng Chu Huy Mân,
Tienphong Online, 6-7-2006.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!