PGS, TS. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự
Việt Nam
Cùng nằm
trên bán đảo Đông Dương, cùng uống chung dòng nước ngọt ngào của sông Mê Kông,
cùng tựa lưng vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, có những
nét lịch sử - văn hóa tương đồng, Việt Nam và Campuchia sớm có mối quan hệ mật
thiết, máu thịt. Hình thành trong những năm tháng gian nan dựng nước và giữ nước,
trải qua những thăng trầm lịch sử, như “lửa đã thử vàng”, quan hệ Việt Nam –
Campuchia là mối quan hệ chiến lược, gắn bó bền chặt một cách tự nhiên.
1. Do vị trí địa lý đặc thù, cùng là mục tiêu xâm lược, nhòm
ngó của nhiều kẻ thù từ bên ngoài, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau vừa là nghĩa vụ,
vừa là trách nhiệm lương tâm của hai dân tộc Việt, Miên. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong điều kiện Đông Dương là một chiến trường, nhân dân hai nước Việt Nam, Campuchia đã sát cánh cùng nhau chung một chiến
hào để bảo vệ nền độc lập vô giá. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
và đế quốc Mỹ xâm lược, Chính phủ Việt Nam đặc biệt chú
trọng đoàn kết với nhân dân Campuchia. Trên quan điểm “giúp bạn là tự giúp
mình”, Đảng Lao động Việt Nam chủ trương củng cố liên minh chiến đấu với nhân
dân Campuchia để kháng chiến giành độc lập và thống nhất thật sự[1], đứng trên
lập trường lợi ích chung mà hợp tác lâu dài
trong kháng chiến và sau kháng chiến[2].
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và
việc ký kết Hiệp định Geneve không chỉ mở ra vận hội mới đối với cả hai dân tộc
Việt, Miên, mà còn là dấu mốc quan trọng trong quá trình củng cố, phát triển
quan hệ Việt Nam- Campuchia. Thực hiện chính sách hòa bình, mở rộng quan hệ đối ngoại
với các nước láng giềng, năm 1960, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố:
“Chúng ta hoan nghênh và ủng hộ đường
lối hòa bình trung lập của Campuchia và sẽ
tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị với Vương
quốc Campuchia”[3]. Trên
thực tế, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn ủng hộ sự lựa chọn con đường trung lập
và cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập của Vương Quốc Campuchia do Cựu Quốc Vương
Norodom Shihanouk đứng đầu.
Đáp lại thiện chí và tình cảm của nhân dân Việt
Nam, tháng 3-1964, Chính phủ Campuchia tuyên bố cắt đứt các quan hệ ngoại giao
với Chính quyền Sài Gòn. Tiếp đó, tháng 6-1967, Chính phủ Campuchia nâng cấp đại
diện thường trực Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành cơ quan Đại sứ quán.
Đây là sự ủng hộ có ý nghĩa to lớn, quan trọng của Campuchia đối với Nhà nước
và nhân dân Việt Nam đang gồng mình chiến đấu với đế quốc Mỹ. Từ năm 1970, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của
nhân dân Campuchia phát triển nhanh chóng, lực lượng vũ trang lớn mạnh, vùng giải
phóng không ngừng mở rộng, cùng hòa chung vào nhịp phát triển sôi động, mạnh mẽ
của cuộc đấu tranh giành độc lập trên bán đảo Đông Dương. Trước tình hình đó, Việt Nam ủng hộ, tiếp sức cho Đảng Nhân dân Campuchia đấu
tranh chống đế quốc Mỹ, chống chính quyền Lon Non, giành vị trí hợp pháp. Sự cố gắng nỗ lực và
hy sinh xương máu của nhân dân Đông Dương đã được đền đáp xứng đáng: Mùa Xuân
1975, Đông Dương được hoàn toàn giải phóng. Đây là “thắng lợi của tình đoàn kết
chiến đấu không gì lay chuyển nổi của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và
Campuchia, của mối quan hệ đặc biệt đã có từ lâu trong lịch sử và được thử
thách trong ngọn lửa cách mạng”[4].
2- Bước
ra khỏi khói lửa chiến tranh, các dân tộc trên bán đảo Đông Dương có cùng mục
tiêu tiến lên trên con đường xây dựng đất nước, xây dựng Đông Dương hòa bình, tiến
bộ và thịnh vượng. Trong bối cảnh lịch sử mới, Đảng, Nhà nước Việt Nam khẳng
định quyết tâm “làm cho ba nước Đông Dương vốn đã gắn
bó với nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sẽ mãi mãi gắn bó với nhau
trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vì độc lập và phồn vinh mỗi nước”[5]. Tuy
nhiên, khi cơ hội và khả năng phát triển đang mở ra trước các dân tộc
Đông Dương, nhân dân Campuchia lại phải hứng chịu những thử thách khắc nghiệt: Tập đoàn Polpot - Iengxari dựng lên
một chế độ diệt chủng kỳ quái, phi nhân tính có một không hai trong lịch sử,
lạnh lùng biến ốc đảo thanh bình với nền văn minh Ăngko rực rỡ thành đống đổ
nát, hoang tàn, u ám, chết chóc. Dưới bàn tay tàn bạo của tập đoàn Polpot –
Iengxari, dấu ấn của một đất nước hiền hòa, thân thiện đã hoàn toàn biến mất. Đất
nước Chùa Tháp xinh xắn bị biến thành một trại khổ sai khổng lồ,
biệt lập, đầy rẫy những hố chôn người với những khuôn mặt câm lặng, hóa đá vì
sợ hãi.
Không chỉ hành xử man rợ với đồng bào mình, dân tộc mình, tập đoàn Polpot -
Iengxari còn hết sức hiếu chiến. Với nước láng giềng Việt Nam đã từng "sớm
tối có nhau", Chính quyền Polpot tiến hành các cuộc xâm lấn,
đánh chiếm biên giới trong thời gian dài với cường độ, tần suất ngày càng gia
tăng. Hàng loạt các cuộc tàn
sát, thảm sát dọc biên giới Việt Nam – Campuchia do tập đoàn Polpot gây nên không chỉ để lại một vết đen trong quá khứ đau thương của nhân dân
Campuchia, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định trên toàn cõi Đông
Dương cũng như trong khu vực.
Dù
mọi hành động của Chính quyền Polpot đã vượt quá giới hạn, song
vì mục tiêu gìn giữ hòa bình, gìn giữ quan hệ láng giềng hòa hiếu, gìn giữ tình
hữu nghị Việt –Miên, khi xung đột biên
giới xảy ra, Đảng, Nhà nước Việt Nam không dưới một lần đề nghị phía Campuchia
thực hiện nguyên tắc “bình đẳng, tôn trọng
độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng
của nhau”[6],
đàm phán, giải quyết bằng con đường thương lượng hòa bình. Đảng, Nhà
nước Việt Nam mong muốn “hai bên gặp nhau càng sớm
càng tốt, ở bất cứ cấp nào để cùng nhau trên tinh thần hữu nghị anh em giải
quyết vấn đề biên giới giữa hai nước”[7], song mọi nỗ lực của Việt Nam đều rơi vào vô
vọng. Chính quyền Polpot liên tục khước từ và không ngừng mở rộng phạm vi đánh
phá, tấn công các điểm dân cư dọc biên giới hai nước. Ngày 31-12-1977, Chính quyền Polpot chính thức cắt quan
hệ ngoại giao với Việt Nam, rút Đại sứ quán Campuchia ở Hà Nội và yêu cầu tất
cả cán bộ ngoại giao của Việt Nam ở Phnôm Pênh về nước.
Cùng lúc, ở
Campuchia, trước sự áp bức tàn bạo của Khơ me đỏ, nhân dân Campuchia đã không
thể ngồi im chờ chết, nổi dậy hành động quyết liệt, bạo lực giáng trả bằng bạo lực.
Các cuộc phản kháng nổ ra ở nhiều vùng miền và trước đòi hỏi cấp bách của tình
thế, tháng 12-1978, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra đời. Đại
hội thành lập Mặt trận thông qua Cương lĩnh chính trị 11 điểm, ra lời kêu gọi
nhân dân Campuchia đoàn kết đấu tranh đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Ngày
26-12-1978, Bộ Chỉ huy Quân đội cách mạng, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước
Campuchia quyết định phát động phong trào nổi dậy của quần chúng, đồng thời kêu
gọi nhân dân Việt Nam giúp đỡ tiêu diệt chế độ diệt chủng. Đáp lời kêu gọi của
Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia – lời kêu gọi cứu giúp của một dân
tộc, quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ
với các lực lượng vũ trang của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tiến hành các chiến dịch quân sự, đánh tan lực
lượng của chính quyền Pôn Pốt. Ngày 7-1-1979, Thủ đô Phnôm Pênh được
giải phóng, nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, đất nước Campuchia
được sinh ra lần thứ hai. Bằng thắng lợi của mình, “nhân dân Campuchia góp phần
thủ tiêu họa xâm lăng từ đất Campuchia; thiết thực góp phần giúp đỡ nhân dân
Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”[8].
3-
Sự kiện lịch sử 7-1-1979 có ý nghĩa đặc biệt to lớn đối với nhân dân và vận mệnh
đất nước Campuchia. Cuộc “cách mạng làm lại” đã chính thức khép lại một trang
bi thương đầy máu và nước mắt trong lịch sử dân tộc Campuchia. Thắng lợi ngày 7-1-1979
một lần nữa thể hiện sự gắn bó, thủy chung nghĩa tình giữa hai dân tộc “tối lửa
tắt đèn” có nhau, mở ra thời kỳ mới của quan hệ đoàn kết Việt Nam – Campuchia,
thời kỳ của tình hữu nghị và hợp tác toàn diện. Thắng lợi ấy khẳng định
một tất yếu khách quan: Củng cố,
tăng cường quan hệ đặc biệt Việt Nam – Campuchia là đảm bảo chắc chắn cho sự tồn tại của hai nước, là quy luật phát triển của hai dân tộc. Đó
cũng là là nhân tố đảm bảo cho việc
giữ gìn độc lập của Việt Nam và Campuchia, đồng thời, cũng là nhân tố đảm bảo
hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á.
Sau khi tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt bị đập tan, Mặt
trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia thành
lập nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia, quan hệ Việt Nam –
Campuchia bước vào giai đoạn phát triển mới. Ngày
18-2-1979, Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và
hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và Campuchia được ký kết với tinh thần cốt
yếu: “Cam kết làm hết sức mình để bảo vệ và phát triển không ngừng truyền thống
đoàn kết chiến đấu, quan hệ hữu nghị hợp tác anh em Việt Nam – Campuchia”[9].
Mặc dù thất bại, nhưng lực lượng tàn quân Polpot vẫn không
chịu hạ vũ khí, không chịu từ bỏ ảo mộng (giấc mộng) quyền lực, tiếp tục tiến
hành chiến tranh du kích. Thực hiện cam kết “hết
lòng và ủng hộ lẫn nhau về mọi mặt và bằng mọi hình thức cần thiết nhằm tăng
cường khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và công
việc lao động hòa bình của nhân dân mỗi nước”[10],
sau khi giúp Campuchia giải thoát khỏi họa diệt vong, nhân dân Việt Nam tiếp
tục “chung lưng đấu cật” với nhân dân Campuchia trong những thử thách mới, gửi
quân đội tình nguyện và chuyên gia dân sự giúp bảo vệ thành quả cách mạng, xây
dựng đất nước.
Những cuộc tiến công dồn dập của quân dân Campuchia phối
hợp với quân tình nguyện Việt Nam đã nhanh chóng đẩy tàn quân Pôn Pốt vào thế
khó khăn, chứng minh cho những cố gắng sử dụng kết quả của cuộc bỏ phiếu ở Liên
hợp quốc về vấn đề Campuchia để hợp pháp hóa hoạt của lực lượng Pôn Pốt là hết
sức bất hợp lý, đi ngược lại thực tế và nguyện vọng chân chính của nhân dân
Campuchia.
Vượt qua những thử thách, gian lao, trằn mình nếm mật, nằm
gai cùng với cán bộ, chiến sĩ nhân dân Campuchia, đại đa số chuyên gia Việt Nam
đã sống mẫu mực, chiến đấu dũng cảm, không quản ngại hy sinh, gian khó, chia
ngọt sẻ bùi với đất nước Campuchia. Chuyên gia Việt Nam có mặt tại các vùng tàn
quân Pôn Pốt hoạt động, giúp cán bộ Campuchia nắm tình hình, kịp thời tư vấn,
đề xuất các ý kiến phục vụ thiết thực việc xây dựng các tổ chức quần chúng, mạng
lưới cơ sở của Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, xây dựng lực lượng an ninh –
quốc phòng và ổn định sản xuất. Với sự nỗ lực cao độ, với sự giúp đỡ của Việt
Nam và cộng đồng quốc tế, từ tro tàn, đổ nát, từ những “cánh đồng chết”, nhân
dân Campuchia đã nhanh chóng xây dựng lại đất nước. Cũng như những năm tháng
trước đây, trong công cuộc hồi sinh, trong từng ngày từng giờ đất nước Campuchia
thay da, đổi thịt, bên cạnh nhân dân Campuchia luôn có nhân dân Việt Nam kề
vai, sát cánh, “miếng cơm sẻ nửa, hạt muối cắn đôi”. Lúc này, dù nhân dân Việt
Nam đang hết sức khó khăn, nhiều nhu cầu tối
thiểu như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu thiếu thốn trầm trọng,
song những chuyến hàng viện trợ nặng ân tình từ Việt Nam vẫn ngày đêm nối đuôi
nhau đến với nhân dân Campuchia, hy vọng san đỡ những khó khăn, sẻ chia những
nhọc nhằn, bù trừ phần nào những mất mát.
4- Sự kiện 7-1-1979 đã
lùi xa vào lịch sử và xung quanh sự kiện này đã có và hiện có những quan điểm,
những ý kiến đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Thế giới đang đổi
thay nhanh chóng, lịch sử đầy ắp các sự kiện, các thăng trầm khó đoán định
trước, tuy nhiên, lịch sử luôn có điểm khởi nguồn và hệ quả; đồng thời hết sức
khách quan và công bằng. Trong dòng chảy liên tục của lịch sử, hiện thực thoát
khỏi lưỡi hái tử thần, hồi sinh, phát triển của dân tộc, của đất nước Campuchia
có điểm bắt đầu và là kết quả của những giá trị đích thực, chân chính không dễ gì phủ nhận – kết quả của
tình đoàn kết gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau Việt Nam – Campuchia.
Chủ tịch Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia
Heng Sam Rin từng phát biểu: “Chúng tôi đánh giá
cao thái độ trung thành, hết tình hết nghĩa của Việt Nam,
luôn lấy tình hữu nghị lâu dài giữa nhân dân hai nước làm trọng”[11].
Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia
Campuchia Samdech Hun Sen khẳng định: “Nếu không có ngày 7-1-1979,
nhân dân Campuchia chúng tôi cũng không thể có được những gì trong ngày hôm
nay. Đây là chân lý lịch sử không một thế lực phản động nào có thể phủ nhận”[12].
35 năm
đã trôi qua, nhìn lại sự kiện lịch sử 7-1-1979 để khẳng định những chân giá trị,
củng cố niềm tin và có thêm sức mạnh xây dựng hiện tại– xây dựng, phát triển
quan hệ Việt Nam – Campuchia ổn định, lâu dài trên cơ sở những truyền thống tốt
đẹp và trên nguyên tắc mới, phù hợp với lợi ích chính đáng của nhân dân mỗi nước
cũng như sự ổn định, hoà bình trong khu vực và trên thế giới. Trân trọng quá khứ,
trân trọng lịch sử, nhân dân hai nước Việt Nam, Campuchia có đầy đủ những điều
kiện để cùng nhau đi tiếp và đi tới một tương lai tốt đẹp, bền vững.
Tải
bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội, 2001, t.12, tr 148.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.12, tr
.441-442.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.21, tr
.940.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần IV,
Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977; tr. 11.
[5] Đảng Cộng sản
Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban chấp
hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Sđd,
tr.76-77.
[6] Đảng Cộng sản
Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban chấp
hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Sđd, tr.
113.
[7] Dẫn theo Lưu Văn Lợi: Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam, tập II (1975 - 1995), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1998, tr.110.
[8] Trường Chinh: “Vấn đề Campuchia”, Báo Quân đội nhân dân, tháng 12-1979.
[9] Học viện Quan hệ quốc tế: Thắng lợi có tính thời đại và cuộc đấu tranh
trên mặt trận đối ngoại của nhân dân ta, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.106.
[10] Kỷ
nguyên mới của đoàn kết hợp tác Việt Nam – Campuchia, Nxb. Sự thật, Hà Nội,
1979. tr.43.
[11] Kỷ
nguyên mới của đoàn kết hợp tác Việt Nam – Campuchia, Sđd, tr.12.
[12] Diễn văn của Xăm-đéc Hun Sen, Thủ tướng Chính
phủ Hoàng gia Campuchia tại buổi chiêu đãi của Thủ tướng Phan Văn Khải (10-10-2005), http://www.vietnamembassy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!