Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA HOÀNG KẾ VIÊM TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC NỬA CUỐI THẾ KỶ XIX



PGS, TS HỒ KHANGThS. TRẦN ANH TUẤN
Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia nửa cuối thế kỷ XIX, Hoàng Kế Viêm được biết đến là một trọng thần đức độ, một danh tướng tài năng, giàu lòng yêu nước, kiên quyết chiến đấu chống giặc ngoại xâm tới cùng vì nền độc lập thiêng liêng của dân tộc. Tài năng, đức độ cùng những cống hiến xuất sắc của ông đối với đất nước mãi mãi là niềm tự hào và là bài học giáo dục sâu sắc cho các thế hệ. Càng tự hào và trân trọng danh nhân Hoàng Kế Viêm, càng cần ra sức khai thác, phát huy di sản tinh thần vô giá đó vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Hoàng Kế Viêm còn có tên là Hoàng Tá Viêm, tự Nhật Trường, sinh năm 1820, quê làng Văn La, tổng Văn Đại, phủ Quảng Ninh (nay thuộc huyện Quảng Ninh), tỉnh Quảng Bình. Thân phụ của ông là Hoàng Kim Xán, làm Bố chánh tỉnh Khánh Hoà. Sinh ra và lớn lên bên tả ngạn dòng Nhật Lệ trong xanh – hợp lưu của hai con sông Kiến Giang, Long Đại đầy sự tích anh hùng, lại được hấp thụ tinh hoa truyền thống của "Quảng Bình Bát cảnh"(1) và thừa hưởng tư chất thông minh, ham học hỏi của bậc sinh thành, Hoàng Kế Viêm sớm trưởng thành trên đường lập thân. Năm 23 tuổi, Hoàng Kế Viêm thi đậu cử nhân và được bổ chức Tư Vụ, hàm Quang Lộc tự khanh. Ông kết duyên với người con gái thứ năm của vua Minh Mạng là công chúa Hương La, nhưng chưa được bao lâu thì công chúa qua đời. Năm 1846, thời vua Thiệu Trị, Hoàng Kế Viêm được phong chức Lang trung Bộ Lại. Dưới thời vua Tự Đức, ông được sung chức Án sát tỉnh Ninh Bình (1852), rồi Bố chính tỉnh Thanh Hoá (1854), Bố chính kiêm Tuần phủ Hưng Yên (1859), Tổng đốc An Tĩnh (1863). Suốt thời gian phò vua trị nước, Hoàng Kế Viêm có nhiều công lao trong việc mở mang kinh tế, phát triển giao thông, thủy lợi; giữ vững trật tự an ninh xã hội.
Vào những năm 60 của thế kỷ XIX, trong khi thực dân Pháp đang mở rộng đánh chiếm các tỉnh Nam Kỳ, thì ở Bắc Kỳ, tình hình ngày càng phức tạp bởi sự có mặt của các toán phỉ ở nhiều địa phương và tàn quân "Thái Bình Thiên Quốc" từ Trung Quốc tràn sang. Dọc theo miền duyên hải, bọn giặc biển cũng ngang nhiên hoành hành, cướp phá. Các lực lượng này thường xuyên quấy phá, cướp bóc, tranh giành địa bàn hoạt động, khiến cuộc sống nhân dân càng thêm khổ cực. Quan quân triều Nguyễn nhiều lần tổ chức đánh dẹp nhưng không đạt kết quả mà còn bị hao tổn nhiều binh tướng. Năm 1868, tên cầm đầu Ngô Côn bị tiêu diệt, nhưng dư đảng của y chia thành 3 toán, với hiệu cờ khác nhau: Cờ Vàng, Cờ Trắng, Cờ Đen(2). Lực lượng này thường đánh lẫn nhau để tranh giành ảnh hưởng và quấy nhiễu các vùng Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên,... khiến cho đời sống nhân dân hết sức khốn đốn.
Trước tình hình đó, năm 1870, triều đình Huế phong Hoàng Kế Viêm làm Thống đốc quân vụ đại thần bốn tỉnh Lạng - Bình - Ninh - Thái, cùng với Tán tương quân vụ Tôn Thất Thuyết ra Bắc lo việc đánh dẹp. Trên cương vị được giao, Hoàng Kế Viêm đã đi thị sát nhiều địa phương để tìm hiểu điều kiện sinh hoạt, đời sống của nhân dân; đồng thời nghiên cứu, tìm hiểu thủ đoạn và qui luật hoạt động của giặc phỉ để tìm cách đốỉ phó. Suốt 4 năm cầm quân tiễu phỉ (1870 - 1873), ông đã chỉ huy quân sĩ hành quân qua nhiều địa phương, đánh thắng nhiều trận lớn, lần lượt tiễu trừ các băng đảng Cờ Vàng, Cờ Trắng, Cờ Đen ở Sơn Tây, Hưng Hoá, Tuyên Quang, Thái Nguyên... góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Đặc biệt, với tài kết hợp giữa đánh và dụ hàng, Hoàng Kế Viêm đã cảm hoá và thu phục được thủ lĩnh quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc. Cùng với việc truy quét giặc cướp, giữ yên trật tự trị an, ông còn hết sức chăm lo phát triển thuỷ lợi, mở mang nông nghiệp, giúp nhân dân cải thiện cuộc sống; gặp lúc thiên tai, mất mùa, ông đều dâng sớ xin triều đình cứu đói cho dân.
Với công lao đánh tan được giặc Cờ Vàng, Cờ Trắng và thu phục được quân Cờ Đen, Hoàng Kế Viêm được triều đình phong Đại học sĩ, giữ chức Thống đốc Tam Tuyên, rồi Tiết chế quân vụ Bắc Kì.
Tháng 11 năm 1873, thực dân Pháp tấn công thành Hà Nội, mở đầu chinh phục Bắc Kỳ lần thứ nhất. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, quân triều đình đã kiên cường chiến đấu, nhưng cuối cùng thành Hà Nội thất thủ; một bộ phận lực lượng quân triều đình bí mật rút lên Sơn Tây, gia nhập quân của Thống đốc Hoàng Kế Viêm. Sau khi chiếm được thành Hà Nội, giặc Pháp nhanh chóng mở rộng đánh chiếm các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định... Trước hành động xâm lược của thực dân Pháp, mặc dù chưa có lệnh của triều đình, nhưng Hoàng Kế Viêm và Tôn Thất Thuyết đã chủ động kéo quân từ Sơn Tây về phối hợp với quân của Trương Quang Đán đóng ở Bắc Ninh để tấn công Hà Nội. Đi theo cánh quân của Hoàng Kế Viêm lúc đó còn có đội quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc. Vòng vây của quân triều đình ngày càng khép chặt xung quanh Hà Nội, khiến cho Gácniê (Garnier) phải vội vã kéo quân từ Nam Định về.
Sáng 21-12-1873, Hoàng Kế Viêm phái Lưu Vĩnh Phúc kéo quân sát thành Hà Nội để khiêu chiến, nhử đối phương. Gácniê chủ quan thúc quân đuổi theo trên đường đi phủ Hoài Đức (Sơn Tây), nhưng đến Cầu Giấy thì bị rơi vào trận địa phục kích. Quân triều đình tiêu diệt khá nhiều giặc, trong đó có đại úy Phrăngxi Gácniê (Francis Garnier). Trận đánh đó làm cho quân Pháp hết sức hoang mang, dao động. Nhân đà thắng lợi ấy, nhân dân các địa phương nổi dậy khắp nơi.
Do lo ngại Pháp phản ứng, gây khó khăn trong việc thương lượng, triều đình Huế không những đã không kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp mà còn vội cử người đi gấp từ Huế ra, buộc Hoàng Kế Viêm và Tôn Thất Thuyết phải rút quân. Triều đình một mặt xuống dụ khen Hoàng Kế Viêm và Tôn Thất Thuyết là "biết cổ động cho quân đội hăng hái, giương thanh thế trước cho quân địch phải sợ, đại cục nhân đấy mà thoả thuận”(3); nhưng mặt khác, lại truyền dụ cho Hoàng Kế Viêm và Tôn Thất Thuyết "phải đóng quân ở tỉnh Sơn Tây, nuôi uy thế, chứa sức mạnh"(4)... Thực chất thái độ này của triều đình nhà Nguyễn là buộc hai ông phải "án binh bất động". Trước yêu cầu của triều đình, Hoàng Kế Viêm và Tôn ThấtThuyết vẫn một mực không theo và trả lời: "Chưa được dụ chỉ rút lui, tướng ở ngoài chỉ lo việc đánh giặc, nếu quả có dụ chuẩn cho giảng giải, nên phái ngay viên đi đến quan thứ bảo cho biết rõ, mới dám cậy"(5). Phái viên của triều đình là Nguyễn Trọng Hợp và Trương Gia Hội phải đến quân thứ bàn bạc, thuyết phục hai ông mới chịu chấp thuận. Hoàng Kế Viêm, Tôn Thất Thuyết và Lưu Vĩnh Phúc buộc phải rút về phòng thủ ở quân thứ Tam Tuyên chờ lệnh mới.
Như vậy, qua các sự kiện trên cho thấy, ngay từ đầu, Hoàng Kế Viêm đã tỏ rõ tư tưởng và quyết tâm chống Pháp. Nhưng sự ngăn cản của triều đình lúc bấy giờ đã khiến ông chưa thực hiện được tâm nguyện đó.
Sau trận Cầu Giấy lần thứ nhất (12-1873), thực dân Pháp biết rằng chưa thể chiếm được Bắc Kỳ, nên tạm "xuống thang" tranh thủ ký với triều đình Huế hiệp ước Giáp Tuất (15-3-1874). Theo nội dung hiệp ước, quân Pháp rút đại bộ phận về Nam, chỉ để lại một lực lượng nhỏ ở Hải Phòng. Phản ứng với triều đình, Nguyễn Mậu Kiến - một chí sĩ yêu nước ở vùng Nam Định không chịu bãi binh, quyết duy trì lực lượng chống Pháp, bị triều đình giáng chức, sung làm lính ở quân thứ Thái Nguyên. Khâm phục tinh thần quyết tâm chống Pháp và trọng tài năng của Nguyễn Mậu Kiến, Thống đốc quân vụ Bắc Kỳ Hoàng Kế Viêm làm sớ dâng về Kinh xin cho Nguyễn Mậu Kiến về cộng tác với mình ở Sơn phòng Hưng Hoá lo liệu việc luyện tập binh mã, khai khẩn ruộng nương, tích trữ lương thảo làm kế sách kháng chiến lâu dài. Được sự cộng tác của Nguyễn Mậu Kiến và các đồng sự, Hoàng Kế Viêm đã xây dựng Sơn phòng Hưng Hoá thành một trung tâm kháng chiến mạnh ở Bắc Kỳ. Binh thế của Hoàng Kế Viêm ngày càng thêm mạnh.
Năm 1882, thực dân Pháp đánh thành Hà Nội, mở đầu cuộc đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai. Năm sau, Pháp tăng cường lực lượng tiếp tục đánh chiếm các tỉnh Quảng Yên, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh... Trước sức ép quân sự của thực dân Pháp, triều đình Huế buộc phải kí hiệp ước với Pháp, ra lệnh triệt binh trên toàn cõi Bắc Kỳ. Nhưng với truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, quân dân Bắc Kỳ vẫn quyết tâm đứng lên kháng chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc. Một phong trào phản đối lệnh triệt binh của triều đình Huế dâng cao khắp các tỉnh. Rất đông quan lại ở các địa phương không chịu về Kinh theo lệnh triều đình mà kiên quyết ở lại chiêu mộ nghĩa dũng, dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp.
Ngày 25-4-1882, sau khi Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết trong cuộc chiến đấu anh dũng bảo vệ thành Hà Nội, chống lại sự tiến công xâm lược của giặc Pháp, vua Tự Đức lệnh cho Thống đốc Hoàng Kế Viêm phải lui quân về phủ Hoài Đức (nay thuộc Hà Nội); giải tán các đoàn hương dũng (tương tự như dân quân tự vệ ngày nay) ở các tỉnh Sơn Tây, Nam Định, Bắc Ninh. Hoàng Kế Viêm đã không thi hành lệnh của triều đình, vẫn cương quyết đóng quân tại Sơn Tây để lợi dụng địa hình chuẩn bị chống Pháp. Ông làm sớ dâng về Kinh đô rằng: "... Toàn hạt Bắc Kỳ chỉ có tỉnh Sơn Tây là chỗ thượng du, đường sông hơn nông, lòng dân còn chưa thuận, có thể làm chỗ chống giữ. Nay nếu tuân theo Chỉ (của Vua) đem quân đoàn ấy dời hết về Thái Nguyên, mà tôi về Thục Luyện, đến khi có việc sợ không thể đối phó ngay được”(6). Tự Đức khép ông vào tội: “Trái mệnh lệnh quyết không thể chối được”(7).
Để tiến công quân Pháp, Hoàng Kế Viêm đưa quân áp sát Hà Nội, tổ chức một đội quân, giao Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy đột nhập vào thành và cho dán yết thị thách thức Rivie (Rivière) ra vùng Hoài Đức quyết đấu; đồng thời khẩn trương bố trí sẵn trận địa ứng chiến ở Cầu Giấy. Ông chia lực lượng thành ba cánh, lập trận địa theo hình vòng cung từ làng Dịch Vọng Tiền sang Dịch Vọng Trung đến Hạ Yên Quyết, sẵn sàng đón đánh quân Pháp. Đúng như dự kiến, rạng sáng ngày 19 tháng 5 năm 1883, Ri vie hùng hổ dẫn hơn 500 quân, có đại bác yểm trợ, hành quân theo đường Cầu Giấy (Hà Nội) ra Hoài Đức. Chờ cho quân Pháp nằm gọn vào trận địa phục kích, quân triều đình bất ngờ xông ra chặn đánh quyết liệt. Sau hai giờ chiến đâu, quân triều đình đã tiêu diệt gần 100 sĩ quan và binh lính Pháp, trong đó có Tổng chỉ huy quân viễn chính Pháp ở Bắc Kì là Đại tá Rivie. Trong bối cảnh đó chỉ một cuộc tấn công nhò của quân và dân cũng có thể giải phóng được Hà Nội. Nhưng triều đình Huế không cho quân tiến vào Hà Nội mà vẫn hy vọng thu hồi Hà Nội bằng con đường thương thuyết như mười năm về trước. Thái độ chần chừ của triều đình, cộng với nước sông Hồng lên to, khiến cho các tướng Hoàng Kế Viêm, Trương Quang Đán không biết tranh thủ mở rộng chiến thắng, cùng nỗ lực vượt khó khăn phối hợp tiến công vào sào huyệt của giặc. Trương Quang Đán đóng quân bên kia sông chỉ bắt đại bác quan Đòn Thủy; Hoàng Kế Viêm buộc phải rút quân về Sơn Tây.
Tháng 7-1883, vua Tự Đức qua đời, lợi dụng triều đình Huế đang rối ren, quân Pháp quyết định mở rộng xâm lăng ở Bắc Kì. Trước những hoạt động ráo riết của địch, mặc dù không được lệnh triều đình nhưng dưới sự chỉ huy của Hoàng Kế Viêm, quan quân triều đình vẫn thắt chặt vòng vây quanh Hà Nội. Ngày 15-8-1883, để giành thế chủ động, Buê (Bouet) mới được cử làm Tổng chỉ huy quân đội Bắc Kì, đem gần 2.000 quân chia làm đạo, có nhiều đại bác và tàu chiến yểm hộ, đánh vào phòng tuyến bảo vệ con đường lên Sơn Tây. Nhưng cả ba đạo quân đều bị quân triều đình chặn đánh quyết liệt, suốt hai ngày 15 và 16, buộc phải bỏ dở cuộc hành quân kéo nhau chạy về Hà Nội.
Cùng với việc mở rộng cuộc tấn công lớn ở Bắc Kỳ, được nhiều tàu chiến từ Sài Gòn ra tăng viện, thực dân Pháp kéo vào uy hiếp Thuận An, cổ họng của kinh thành Huế. Sáng ngày 18-8-1883, Cuôcbê (Courbet) đưa tối hậu thư đòi triều đình Huế giao tất cả các pháo đài, rồi nổi súng đánh chiếm đồn trại của quân triều đình trên bờ. Cuộc chiến đấu ở Huế chỉ kéo dài được 4 ngày. Trên đà thắng thế, thực dân Pháp lấn tới, bắt ép triều đình ký Hòa ước Quí Mùi (25-8-1883), thừa nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, chấp nhận sự bảo hộ của Pháp đối với Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Ngay sau đó, triều đình Huế ra lệnh cho Hoàng Kế Viêm phải rút về Kinh. Hoàng Kế Viêm kháng chỉ, quyết tâm lại Sơn Tây. Trong thời gian này, mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng ông vẫn nỗ lực triển khai nhiều công việc, tích cực chuẩn bị mọi mặt để tiếp tục đánh Pháp.
Đầu tháng 12 năm 1883, được viện binh từ Pháp sang tăng viện, Cuôcbê (Courbet) chỉ huy một đạo quân lớn với gần 6.000 quân Pháp và quân đội Sài Gòn, có nhiều đại bác và tàu chiến yểm hộ, tiến đánh Sơn Tây. Tổng đốc Hoàng Kế Viêm và Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy quân triều đình chiến đấu anh dũng, ngăn chặn, tiêu hao nhiều sinh lực địch. Nhưng do tương quan lực lượng bất lợi, cuối cùng giặc Pháp đã chiếm được thành Sơn Tây. Hoàng Kế Viêm buộc phải rút quân về phía Hương Hóa. Cho đến khi các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa bị thất thủ, Hoàng Kế Viêm mới chịu quay về kinh thành Huế.
Hoàng Kế Viêm "phạm tội" kháng lệnh vua, nhưng do ông là rể của vua Minh Mạng, "Dượng" của vua Tự Đức, nên chỉ bị triều đình cách chức, quản thúc tại gia là phủ công chúa Hương La (vợ quá cố của ông), dưới sự kìm chế riết róng của bộ máy thực dân thống trị ở Trung Kỳ là tòa Khâm sứ Pháp. Trong cảnh "cá chậu chim lồng", ông vẫn giữ vững chí khí chiến đấu, luôn canh cánh trong lòng sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Trước mặt những tên trùm thực dân Pháp như toàn quyền Pôn Be (Paul Bert), trú sứ Đờ Sămpô (De Champeaux), ông vẫn hiên ngang tỏ rõ bản lĩnh không đội trời chung với giặc, khiến cho kẻ thù càng căm tức. Trong nhiều báo cáo gửi lên toàn quyền Pháp ở Đông Dương của trú sứ Pháp ở Trung Kỳ thường có những dòng riêng viết về Hoàng Kế Viêm như sau: "Hoàng Kế Viêm là một kẻ thù không thể tiêu diệt và không thể chế ngự", "là một trong những kẻ thù quyết tử nhất của chúng ta"...
Sau đó, mặc dù Hoàng Kế Viêm được triều đình Huế phong làm Thái tử Thiếu bảo, sung Đại thần viện Cơ Mật, song ông vẫn kiên định lập trường đứng về phe chủ chiến. Chẳng bao lâu sau, ông xin trí sĩ, nhưng không được triều đình chấp nhận. Năm 1885, khi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương chống Pháp, Hoàng Kế Viêm được triều đình Đồng Khánh cử ra Quảng Trị gặp và khuyên vua Hàm Nghi về Kinh(8): Nhưng khi gặp được vua, Hoàng Kế Viêm càng thêm khâm phục về tinh thần và quyết tâm chống Pháp của vị vua yêu nước này.
Mãi đến năm 1889 (đời vua Thành Thái), Hoàng Kế Viêm mới được nghỉ hưu. Năm 1909, ông mất, thọ 89 tuổi, được vua Duy Tân ban tên thụy là Văn Nghi.
Như vậy, trong cuộc đời hoạt động của mình, dù ở cương vị nào, Hoàng Kế Viêm cũng thể hiện một tấm lòng yêu nước mãnh liệt, tinh thần dũng cảm, tính chủ động, quyết tâm chiến đấu chống giặc ngoại xâm tới cùng để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Mặc dù còn có những hạn chế do yếu tố thời đại và thành phần xuất thân mà bản thân ông không thể vượt qua, nhưng với những chiến công xuất sắc trong công cuộc đánh giặc, giữ nước, Hoàng Kế Viêm đã trờ thành một danh nhân quân sự tiêu biểu và đóng vai trò to lớn trong phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân Việt Nam nửa cuốỉ thế kỷ XIX. Tên tuổi và những cống hiến của Hoàng Kế Viêm cho quê hương, đất nước mãi mãi được khắc ghi vào trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc như một biểu tượng ngời sáng về tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập tự do, ý chí tự cường và tinh thần dũng cảm trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, để lại nhiều bài học quí cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
In trong  Kỷ yếu Hội thảo Hoàng Kế Viêm trong tiến trình lịch sử cận đại Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình, Quảng Bình, 2010.

Download toàn văn bài viết tại:Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ



CHÚ THÍCH
1. Tám làng nổi tiếng ở Quảng Bình: Sơn (Lệ Sơn), Hà (La Hà), Cảnh (Cảnh Dương), Thổ (Thổ Ngọa), Văn (Văn La), Võ (Võ Xá), Cổ (Cổ Hiền), Kim (Kim Nại).
2. Cầm đầu ba nhóm này là Hoàng Sùng Anh (Cờ Vàng), Bàn Văn Nghị (Cờ Trắng) và Lưu Vĩnh Phúc (Cờ Đen).
3, 4. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch Viện sử học, NXB Giáo dục, H, 2007, tập bảy, tr 1422.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, sđd, tập bảy, tr 1423
6, 7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch Viện sử học, NXB Giáo dục, H, 2007, tập tám, tr 529.
8. Tôn Thất Bính, Kế chuyện chín chúa, mười ba vua triều Nguyễn, Nxb Đà Nẵng, 1996, tr.100.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!