Sự nghiệp
cứu nước và dựng nước của người anh hùng dân tộc Lê Lợi đến nay đã có nhiều người
tìm hiểu, nghiên cứu. Với những mức độ khác nhau, ở các thời đại khác nhau, các
công trình nghiên cứu nhìn chung đã khẳng định vị trí, vai trò và công lao của
Lê Lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của nhân
dân Việt Nam (những năm 1416 – 1433). Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tìm hiểu
về Lê Lợi với đội ngũ tướng lĩnh, một trong những nhân tố quan trọng đề giành
thắng lợi trong sự nghiệp cứu nước và dựng nước của nhân dân Việt Nam nửa đầu
thế kỷ XV.
I
Đầu
thế kỷ XV, đứng trước sự thất bại của phong trào đấu tranh yêu nước chống lại sự
xâm lược và đô hộ của nhà Minh, vấn đề vai trò lãnh đạo được đặt ra khẩn thiết
và gay gắt. Trong điều kiện của xã hội Việt Nam lúc đó, vai trò lãnh đạo vẫn
thuộc về giai cấp phong kiến. Tuy nhiên, tầng lớp quý tộc trong giai cấp này
lúc bấy giờ đã chứng tỏ sự bất lực trước nhiệm vụ lịch sử. Ngược lại, với sở
kinh tế và phương thức bóc lột tá điền căn bản vẫn còn tác dụng tích cực đối với
sự phát triền của lực lượng sản xuất, đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội,
tầng lớp địa chủ là lực lượng đang lên, tiêu biểu cho bộ phận tiến bộ nhất
trong giai cấp phong kiến hồi bấy giờ. Trước kẻ thù chung của đất nước, mâu thuẫn
giữa dân tộc Việt Nam với bọn xâm lược Minh đã nổi lên hàng đầu, tầng lớp địa
chủ cùng với nhân dân lao động cả nước có chung một mục đích cao nhất, một nguyện
vọng thiết tha là cầm vũ khí đánh đuổi kẻ thù giải phóng hoàn toàn đất nước.
Xuất
thân trong một gia đình địa chủ thứ dân, từ đời ông, cha và chính bản thân chỉ
là hào trưởng vùng Lam Sơn, lớn lên trong cảnh của người dân mất nước, Lê Lợi từng
trăn trở, suy nghĩ về con đường cứu nước, cứu dân. Không để quan tước của nhà
Minh cám dỗ, không để cho thế giặc bắt ép và không vì mưu mô của giặc mà núng
chí, ông “ẩn náu ở núi rừng, làm nghề cày cấy, lấy kinh sử làm vui, lại càng chuyên
tâm vào sách lược thao”[1], xét suy mọi lẽ hưng vong, nhận định thế
— thời, mong tìm ra con đường cứu dân, cứu nước. Tiếp đó, ông ra sức chuẩn bị mọi
mặt cho cuộc khởi nghĩa bằng cách tìm mời những người mưu trí, chiêu tập những dân
lưu li, thu nạp những người chống đối quân Minh, dốc của nhà để hậu đãi tân
khách, “bỏ của phát thóc giúp người cô bần, nhún lời hậu lễ đề thu hào kiệt”[2], mong thu phục, tập hợp, đoàn kết rộng
rãi lực lượng yêu nước để đánh đuổi giặc Minh giành lại độc lập, chủ quyền của
dân tộc.
Tiếng
tăm về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cùng uy tín, tài năng của Lê Lợi đã vang đi rất
xa, có sức thu phục rất lớn. Nhiều hào kiệt khắp nơi từ mọi miền đất nước tìm đến
Lam Sơn, ra mắt Lê Lợi, được Lê Lợi tin dùng và trở thành những người bạn chiến
đấu của ông. Đó là Nguyễn Trãi, một viên quan nhỏ của nhà Hồ, từ Đông Quan đến;
Bùi Quốc Hưng ở Cấm Khê, Hà Sơn Bình; Lưu Nhân Chú ở Đại Từ, Bắc Thái v.v. Tiếp
đó, ngày càng thêm nhiều hào kiệt đã tìm đến nguyện đứng dưới cờ chiến đấu do
Lê Lợi cầm đầu, dần dần đã hình thành một bộ tham mưu mà hạt nhân là 19 người
có mặt trong hội thề Lũng Nhai[3]. Đó là tập hợp những đại biểu ưu tú trong
các tầng lớp xã hội khác nhau, có cuộc sống và tâm tư không giống nhau, từ bốn
phương tìm về Lam Sơn tụ nghĩa, với nhiệt tình cứu nước, với quyết tâm “sống chết
cùng nhau”. Lời thề do Lê Lợi đọc trong buồi lễ trang nghiêm ở Lũng Nhai có thề
được xem như Cương lĩnh hành động của cuộc khởỉ nghĩa[4].
Đứng
đầu bộ tham mưu là Lê Lợi, người cỏ đầy đủ uy tín để chiêu tập lực lượng, trực
tiếp đứng ra tổ chức và xây dựng lực lượng đó, người có quyền quyết định tối
cao trong việc đề ra đường lối chiến lược và sách lược của cuộc kháng chiến,
người có toàn quyền và trực tiếp hạ mệnh lệnh, trao nhiệm vụ, điều hành đội ngũ
tướng lĩnh nhằm biến ý chí, quyết tâm và mọi kế hoạch mà ông cùng bộ tham mưu của
mình đề ra thành hiện thực.
Ngoài
ra, trong bộ tham mưu còn có nhiều tướng lĩnh xuất sắc khác. Bằng tài năng và
cương vị của mình, họ đều có những cống hiến quan trọng, góp phần tạo ra uy tín,
hiệu lực và sức mạnh của bộ tham mưu. Nhiều tướng lĩnh vừa là thành viên tham
gia bàn bạc trong bộ tham mưu, vừa trực tiếp cầm quân đánh giặc.
Trong
quá trình chiến đấu, đội ngũ tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã được bổ
sung ngày càng đông đảo. Vào những năm cuối của cuộc kháng chiến, đội ngũ tướng
lĩnh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã lên tới hơn 200 người. Hầu hết họ đều là
những tướng lĩnh trực tiếp cầm quân, xông pha trận mạc. Tuy nhiên, có một số tướng
lĩnh khác được Lê Lợi phân công đảm nhiệm những nhiệm vụ khác. Tướng Trương Chiến,
Võ Uy, Ngô B nh, Ngô Từ Lê Sao, Nguyễn Nhữ Lâm phụ trách việc sản xuất, tích trữ
binh lương, chế tạo chiến khí, đảm bảo an toàn hậu cứ. Đặc biệt, tướng Nguyễn
Công Chuân trong suốt mười năm khởi nghĩa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu cần,
cung cấp cho nghĩa quân hàng vạn thạch gạo, hàng trăm tấn muối và nhiều phương
tiện khác cho kháng chiến. Ngoài ra, còn một số tướng lĩnh được Lê Lợi phái đi
hoạt động ở những vùng tạm chiếm, nắm tình hình địch. Chẳng hạn, để chuẩn bị
chuyển hướng chiến lược vào Nghệ An, tướng Đinh Lễ và tướng Bùi Bị được phái
đi trước nhằm thu lượm tin tức về tình hình địch và bắt liên lạc với những người yêu nước ở đó. Tướng Đỗ Khuyển
những năm đầu khởi nghĩa chuyên hoạt động trong vùng địch chiếm, có lần ông bí
mật ra tận Đông Quan. Khi nghĩa quân đang ở Nghệ An, tướng Phan Liêu, Lộ Văn Luật
được Lê Lợi cử ra Bắc đề tuyên truyền, vận động nhân dân và móc nối với những
người yêu nước ở các lộ Gia Hưng, Quốc Oai, chuẩn bị cho đại quân thực hành tiến
công ra phía Bắc, mở rộng vùng giải phóng, tiêu hao sinh lực địch, chuẩn bị mở
những chiến dịch lớn nhằm tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.
Là
một đội quân mà những năm đầu khởi nghĩa, số lượng, trang bị kỹ thuật, cơ sở vật chất đảm bảo cho chiến đấu thua
xa địch, để “lấy yếu chống mạnh”, “lấy ít địch nhiều” (Đại cáo bình Ngô), cần
phải thấy rõ thế mạnh của bản thân, thế yếu của đối phương. Sức mạnh của nghĩa
quân bắt đầu từ lòng yêu nước, căm thù địch, từ sự ủng hộ của nhân dân và tinh
thần chiến đấu bền bỉ, dẻo dai của quân đội yêu nước. Vì thể, phải dựa vào dân
mà xây dựng lực lượng, phải chăm lo giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, kỷ
luật và trình độ tác chiến của nghĩa quân, trước hết của các tướng lĩnh.
Chiến
đấu “trừ bạo” nhằm để “yên dân” (Đại cáo bình Ngô) các tướng lĩnh nghĩa quân được
“hun đúc bằng những điều nhân nghĩa”[5]. Lê Lợi xem đó là phẩm chất căn bản của mỗi
tướng lĩnh nghĩa quân: “đạo làm tướng phải lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng giúp
thêm”[6]. Vì thé ông luôn luôn nhắc nhở các tướng
sĩ khi đi đến đâu cũng tuyệt đối không được sách nhiễu, xâm phạm tài sản của
nhân dân. Cũng vì thế, khi các tướng xin ông tiếp tục chiến đấu tiêu diệt bọn
xâm lược bấy giờ đang bị vây chật trong thành Đông Quan cho hả căm tức, ông đã
khuyên bảo: “Không ưa giết người, đó là bản tâm của kẻ nhân giả”[7]. Cuối cùng, cuộc chiến tranh đã kết thúc.
10 vạn quân xâm lược được đảm bảo rút về nước. Ông giải thích cho tướng sĩ và
nhân dân: “Việc dùng binh lấy toàn quân là hơn cả. Nay hãy để cho lũ Vương
Thông về nói với vua Minh, trả lại đất nước ta, không còn trở lai xâm lấn, thì
ta còn cần gì hơn nữa”[8]. Tư tưởng nhân nghĩa đó xuyên suốt toàn bộ
quá trình tiến hành cuộc khởi nghĩa, tạo nên sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ
thù. Và, sau này, thay mặt Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã tổng kết: “Lấy đại nghĩa đề
thắng hung tàn”, “lấy chí nhân để thay cường bạo” (Đại cáo bình Ngô).
Cùng
với việc chăm lo “hun đúc bằng những điều nhân
nghĩa” cho đội ngũ tướng lĩnh, Lê Lợi còn phát huy được đầy đủ tài năng của các
tướng lĩnh. Ông mạnh dạn trao cho các tướng đảm nhận những mũi tiến công khác
nhau, trên những hướng khác nhau, vói những nhiệm vụ khác nhau. Ông tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ phát huy
được sở trường năng lực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, mưu trí trong quá trình
thực hành chiến đấu.
Ngoài
lòng trung thành tuyệt đối, hiệu lực chiến đấu của một đội quân còn tùy thuộc
vào kỷ luật.
Trong
điều kiện lực lượng khởi nghĩa là “tập hợp khắp bốn phương mạnh lệ”, Lê Lợi đã chú ý đến vấn
đề kỷ luật, nhằm tổ chức lực lượng thành một khối thống nhất. Đối với các tướng
lĩnh, những người trực tiếp cầm quân, tính kỷ luật càng phải được duy trì, tăng
cường mạnh mẽ. Khi ở núi Chí Linh giữa lúc cuộc kháng chiến gặp những thử thách
hiềm nghèo, một vài tướng sĩ tỏ ra dao động, Lê Lợi từng “ra lệnh bó buộc
nghiêm ngặt, bắt được viên tướng trốn là Khanh đem ra chém rao cho mọi người biết,
các tướng lạị nghiêm như cũ”[9]. Trong những ngày chiến đấu trên chiến
trường phía Bắc, “viên tư mã Lê Lai”[10], cậy có chiến công, thường thốt ra những
lời khinh nhờn”[11], để kịp thời khắc phục những biều hiện “kiêu
hoạch”, Lê Lợi đã ra lệnh chém Lê Lai và tịch thu toàn bộ gia sản nhằm làm
gương cho tướng sĩ. Khi dự lễ duyệt binh ở Vĩnh Động (tháng 4 năm 1427), “đội
ngũ của viên chánh đốc là Nguyễn Liên không đủ quân số, khí giới lại không tề
chỉnh (Lê Lợi) liền chém đầu Nguyễn Liên”[12], để nghiêm hiệu lệnh. Càng gần thắng lợi,
kỷ luật chiến đấu càng được tăng cường.
Lê Lợi
cho phép các tướng cầm quân được chém trước, tâu sau những tướng lĩnh và binh sĩ dưới quyền nếu trong khi
đang chiến đấu mà vi phạm kỷ luật. Một loạt các quy định và điều lệnh được Lê Lợi
cho ban hành nhằm xiết chặt đội ngũ chiến đấu, xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vô
kỷ luật trong đội ngũ tướng lĩnh và binh sĩ. Đối với tướng lĩnh, ông thường
răn: không được vô tình, không được dối trá, khinh nhờn, không được gian tham.
Đồng thời, ông ra lệnh cho các tướng lĩnh đều phải làm tờ cung kết không có những
hành động gian tham, không nhận của đút lót, không được lấy vợ người bản bộ,
không được chiếm giữ người họ hàng của quân nhân đề dùng vào việc riêng. Với
các tướng lĩnh cao cấp, ông căn dặn: “Chức tước đã cao, khuya sớm chớ lười,
không được lãng chí mà bỏ việc”[13]. Rõ ràng, cùng với sự lớn mạnh của đội ngũ
tướng lĩnh và nghĩa quân, kỷ luật cũng đã được cụ thể hóa bằng những quy định cụ
thể và chặt chẽ.
Đồng
thời, Lê Lợi luôn luôn coi trọng và tăng cường mối quan hệ giữa nghĩa quân với
nhân dân. Ông dặn tướng sĩ của mình: “Dân khổ về ngược chính của giặc đã lâu rồi,
phàm quân đi đến châu huyện nào không được xâm phạm một tý gì... dù đói quẫn cũng
không được 1ấy”[14].
Nhằm
nâng cao tinh thần chiến đấu của nghĩa quân, Lê Lợi luôn luôn động viên, khích
lệ kịp thời, “thưởng phạt đúng mức nên tiến đánh có sức”[15]. Trong quá trình chiến đấu, các tướng lĩnh được
thăng thưởng, đề bạt tùy theo công lao. Ông từng nói với các tướng lĩnh chỉ huy
quân Thiết Đột: “Cùng lòng liều chết để phá giặc là sức của các người, còn xếp
đặt mưu hoạch, áo cơm khen thưởng thì do ở ta... Bao giờ thấy vợ con ta nghèo
thiếu thì vợ con các người mới nghèo thiếu, mong các ngươi một lòng đánh giặc”[16]. Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh,
để cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của các tướng lĩnh, Ông ra lệnh bắt đầu tính
công mới: từ Đại thần đến chức Thiếu úy, ai có công lớn được thưởng “Kim phù” thì
sẽ được hưởng thuế một Quận; các Viên Chấp lệnh có công được hưởng một Ấp; các
viên Đốc tướng và quân nhân có công cũng được hưởng một Quận hoặc một Ấp. Ai
không lập được công mới thì sẽ bị giáng làm dân thường[17].
Trước
kẻ thù có số quân đông, có những tên tướng dày dạn trận mạc, lại có chính quyền
đô hộ làm hậu thuẫn, Lê Lợi rất chú trọng “rèn tập tướng sĩ, sửa sang khí giới...
tập võ nghệ, dạy bảo những phép ngồi, đứng, đánh, đâm, chỉ bảo những thế, kỳ,
chính, phân, hợp; cho biết hiệu chiêng, hiệu trống, hiệu cờ”[18]. Cả những ngày đang thực hành chiến đấu
trên chiến trường phía Bắc, ông vẫn tổ chức tập trận nhằm không ngừng hoàn thiện
khả năng tác chiến của quân đội. Ông hạ lệnh cho các tướng cầm quân: “Chỉnh đốn
đội ngũ của các người, rèn tập quân nhân của các người… kẻ nào theo mệnh thì phá
được giặc, sống mà lại có công, kẻ nào không theo mệnh thì chết mà chẳng được
ích gì”[19].
Trực
tiếp đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Lê Lợi, đội ngũ các tướng lĩnh không
ngừng trưởng thành về mọi mặt, vươn lên đáp ứng đòi hỏi của tình
hình. Đội ngũ đó
luôn luôn được bổ
sung bằng những thủ lĩnh các phong trào khởi nghĩa và hào kiệt khắp nơi trong
nước như: Nguyễn Chích, Phan Liêu, Lộ Văn Luật, Cầm Quý, Nguyễn Vĩnh Lộc, Nguyễn
Tuấn Thiện, Nguyễn Tất Vinh, Nguyễn Ba Lai, Cao Nhân Từ, Đậu Nhân Nghĩa v.v.
Do
được giáo dục và rèn luyện chu đáo trong chiến đấu, họ đoàn kết, phối hợp, hỗ
trợ và nhanh chóng tiếp ứng cho nhau khi cần thiết như: “cây rừng rậm rạp, răng lược khít nhau”[20], Giữa họ với binh sĩ khăng khít “tình thiết như cha con, thân
cùng cam khổ”. Vì vậy, “tướng sĩ dư sức hùng hổ, sắt luyện tâm can”[21], trong quá trình chiến đấu. Từ những ngày
gian khồ ở núi rừng Thanh Hóa, đánh trả quyết liệt các đợt vây quét của kẻ thù,
bảo toàn lực lượng, chuyển hướng chiến lược vào Nam, chọn Nghệ An làm địa bàn đứng
chân, từ đó tổ chức và tăng cường lực lượng, đến lúc tiến vào giải phóng Tân
Bình, Thuận Hóa, tiến về giải phóng Tây Đô, đội ngũ tướng lĩnh đã thực hiện xuất
sắc mọi ý đồ chiến lược và chiến thuật của chủ tướng. Nhắc tới cuộc khởi nghĩa
Lam Sơn, ngoài những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử, còn có tên những tướng lĩnh dũng cảm, tài năng của nghĩa quân.
Đó là: Lê Lai hy sinh vì nghĩa lớn để cứu chủ tướng Lê Lợi và bảo toàn được lực
lượng nghĩa quân; là Lê Thạch, Đinh Lễ, Lý Triệu đã hy sinh anh dũng trong khi
chiến đấu; là Nguyễn Chích nổi tiếng với kế hoạch chuyển hướng chiến lược vào
Nghệ An; là Nguyễn Công Chuẩn, vị tướng suốt mười năm phụ trách hậu cần. Đó còn
là những danh tướng tham gia khởi nghĩa từ ngày đầu, vào sinh ra tử dạn dày trận
mạc như Trần Lựu, người nổi tiếng với những trận đánh nhử địch tài tình trên một
quãng đường độc đạo hiểm trở dài 60 km từ ải Pha Lũy đến ải Chi Lăng; là tướng
Lê Sát, người từng đánh trận Khả Lưu (1424) nổi tiếng, cùng một số tướng khác
chỉ huy bao vây và hạ thành Xương Giang; là Trịnh Khả đã chỉ huy đạo quân giải
phóng một vùng rộng lớn Thiên Quang, Quảng Oai, Gia Hưng, Tam Đái, Tuyên Quang:
là Trần Nguyên Hãn, vị tướng chỉ huy đạo quân tiến vào giải phóng Tân Bình, Thuận
Hóa, hạ thành Xương Giang; là tướng Phạm Văn Xảo đã nhiều lần tham gia chiến trận,
vây hãm thành Tây Đô (1425), giải phóng Thiên Trường, Trường Yên, Tân
Hưng, Kiến Xương (1426) tham gia chiến dịch Chi Lăng — Xương Giang v.v. Ngoài
ra, còn nhiều tướng lĩnh tài năng, mưu trí và dũng cảm khác như Đinh Liệt, Nguyễn
Xí, Lê Ngân, Lưu Nhân Chú, Phạm Vấn, Lê Lý, Lê Văn An, Trịnh Lỗi v.v.
Rõ
ràng, đội ngũ tướng lĩnh nghĩa quân là “những bậc anh tài giúp vua gặp hội phong vân,
trổ hết trí dũng, đều là có công đầu mở nước cả... Lúc trăm trận gian nan đã bày mưu dùng sức để bình giặc Ngô, nên cơ nghiệp nhà vua, tóm lại không hổ là bậc tướng giỏi”[22].
Như
vậy, bằng uy tín, đạo đức, tài năng, bằng tầm nhìn chiến lược và sự xét đoán
sâu sắc con người, Lê Lợi — một nhà chính trị và quân sự tài ba, một nhà tổ chức
giỏi và quyết đoán — đã thành công xuất sẳc trong việc xây dựng, rèn luyện lãnh
đạo và chỉ đạo đội ngũ tướng lĩnh của mình. Vì thế, đội ngũ tướng lĩnh đã phát huy được đầy đủ tài năng,
sáng tạo của mình, cùng với toàn quân lập nên những chiến công ngày càng to lớn
và cuối cùng đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược, thôn tính và đô hộ của nhà
Minh, giành lại độc lập, chủ quyền dân tộc trong cả nước.
II
Sau
hơn 20 năm xâm lược và thống trị của nhà Minh, đất nước Việt Nam bị tàn phá hết
sức nặng nề. Nhân dân cả nước đã phải sống khổ cực, lầm than và xiêu tán. Nền văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam bị đe dọa
nghiêm trọng. Ngô Sĩ Liên, nhà sử học từng chứng kiến thảm họa này của dân tộc
đã phải thốt lên rằng: “Xét những cuộc loạn trong cõi nước Việt ta, chưa bao giờ
thấy tột độ như lúc này… Hơn 20 năm biến phong tục thành tóc dài răng trắng,
hóa người làm nô lệ cả. Than ôi, họa loạn tột bực như thế ư!” [23].
Để
xây dựng và củng cố đất nước, lịch sử đã đặt ra cho Lê Lợi và triều đình phong
kiến do ông tổ chức và xây dựng những nhiệm vụ vô cùng cấp bách, khẩn thiết. Đó
là việc xây dựng, củng cố bộ máy quản lý quốc gia, phát huy thành quả của cuộc
kháng chiến, bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc: khôi phục toàn diện đất nước,
đặc biệt là kinh tế để đảm bảo cuộc sống yên lành, ấm no và hạnh phúc của nhân
dân trong khuôn khổ của quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ.
Trước
những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và to lớn kể trên, nếu trước đây để tìm con
đường cứu nước đúng đắn, Lê Lợi đã từng “nghiền ngẫm những sách lược thao, lấy xưa
nghiệm nay, xét suy mọi cơ hưng phế” (Đại cáo bình Ngô), thì giờ đây, trong 6
năm đứng đầu nhà nước ông đã phải “thức khuya, dậy sớm” (Bia Vĩnh Lăng) lo toan
việc nước. Với quãng thời gian ngắn ngủi đó, chắc chắn nhiều dự định ông chưa kịp
làm, nhưng những vấn đề căn bản đặt cơ sở vững chắc cho sự phục hưng moi mặt của
đất nước đã bắt đầu được thực hiện có kết quả.
Song
song với việc thực hiện sách lược đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo và khôn khéo,
làm thất bại mọi ý đồ xâm lược trở lại của nhà Minh, Lê Lợi đã bắt tay vào thực
hiện một loạt những vấn đề cơ bản về đối nội. Đó là việc xây dựng và củng cố
chính quyền, tổ chức và tăng cường sức mạnh quốc phòng nhằm bảo vệ độc lập chủ
quyền của dân tộc. Bên cạnh đó, Lê Lợi cho ban hành một số luật lệ về hành chính,
kinh tế như: tha bỏ thuế ruộng, bãi dâu, ao đầm trong 2 năm, giảm hoặc miễn thuế
cho vùng bị chiến tranh tàn phá nặng nề; tiến hành điều tra ruộng đất và dân số,
ban hành chính sách quân điền; cho 25 vạn quân về làm ruộng. Ngoài ra, Lê Lợi
còn đề ra và thực hiện những biện pháp kiên quyết nhằm đẩy mạnh công cuộc khẩn
hoang, phát tiền mới, lập trường học, mở khoa thi, cấm những tệ nạn xã hội
khác.
Trong
sự bộn bề của công việc khi đất nước mới
giành được độc lập, chủ quyền, Lê Lợi vẫn luôn luôn chú trọng đến vấn đề xét
thưởng công lao, sắp xếp lại những người có công trong quá trình chiến đấu, đặc
biệt là đội ngũ các tướng lĩnh. Trước đây, trong kháng chiến Lê Lợi đã tiến
hành nhiều đợt phong thưởng cho những người có công lao trong chiến đấu nhằm cổ
vũ động viên tinh thần chiến đấu của tướng, sĩ.Giờ đây khi đất nước được độc lập, nhân dân đã được yên lành,
việc phong thưởng đã được Lê Lợi tiến hành với quy mô to lớn
và toàn
diện hơn. Qua đó, Lê Lợi muốn ghi nhận đầy đủ phần cống hiến của từng người; đồng
thời chọn lựa, sắp xếp lại đội ngũ công thần, tướng lĩnh nhằm đáp ứng những đòi
hỏi của việc xây dựng và củng cố đất nước. Việc định công, ban tước, phong chức
đã được Lê Lợi cho tiến hành làm 3 đợt.
Đợt thứ nhất, tiến hành vào tháng 2 năm Mậu Thân (1428), phong chức
tước cho các viên hỏa thủ và quân nhân đội quân Thiết Đột vì họ có công siêng
năng, khó nhọc ở Lũng Nhai. Với tổng số 221 người, Lê Lợi đã chia làm 3 hạng và
họ đều được ban họ vua.
Đợt thứ hai, tiến hành vào đầu tháng 3 năm Mậu Thân (1428). Lê Lợi
đã lựa chọn tùy theo công lao nhiều, ít của từng người để phong bậc trên, dưới.
Đợt thứ ba, tiến hành ngày 3 tháng 5 năm Kỷ Dậu (1429), phong tước
công thần cho 93 viên, tiếp đó phong tước Huyện Thượng hầu, Á hầu, Hưởng hầu và
Đình hầu.
Cùng với việc định công, ban tước,
phong chức cho những tuớng sĩ có công lao trong kháng chiến, Lê Lợi đã nhiều lần
kêu gọi những người “hiền lương, phương chính”[24], “có tài văn võ trí thức”[25] ra xây dựng củng cổ đất nước. Ông thường
nói: “Nay Trẫm giữ trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kinh sợ, như gần vực sâu, chỉ
vì tìm hiền tài giúp trị mà chưa được người”[26]. Chỉ trong vòng 6 năm trước khi mất (1428 — 1433), Lê Lợi đã 6 lần ban chiếu
cầu mời hiền tài đề cùng ông giúp dân, giúp nước. Nhưng, thực tế buổi đầu dựng
nước, như ông đã từng nói: “Trẫm nghĩ: chống lại kẻ thù của vua, phải nhờ có
tài đánh dẹp, giữ cán cân của nước, nên ủy cho người cũ có công”[27], nhiều tướng lĩnh công thần được Lê Lợi
tin tưởng giao giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền nhà nước mới. Ví dụ,
Nguyễn Trãi được phong tước Quan phục hầu, Trần Nguyên Hãn chức Tả tướng quân,
Phạm Văn Xảo chức Thái bảo v.v.
Trong
quá trình định công, ban thưởng và xét chọn, bổ dụng các công thần tướng lĩnh
vào chính quyền nhà nước, Lê Lợi đã triệu tập “đại hội các tướng sĩ và các quan
văn võ” vào tháng 3 năm Mậu Thân (1428)[28]. Đến tháng 5 năm ấy, ông “cùng đại thần
bàn định việc nước, về quan viên các lộ, trăn và quan trấn thủ các nơi quan yếu[29].
Và,
khi lựa chọn được đội ngũ tướng lĩnh quan lại có đủ đức — tài, Lê Lợi đã phát
huy đầy đủ tài năng của họ. Trong các cuộc họp bàn việc nước, ông tranh thủ ý
kiến của đại thần văn võ: “Hiện nay, công việc của triều đình rất nhiều, việc gì nên làm trước? việc gì nên làm sau?
Các tướng trong triều, người nào có thể cáng đáng việc lớn?” có thề ủy nhiệm ở ngoài
ngàn dặm? cùng người nào có thể phụ đạo Thái tử?[30].
Hơn
thế nữa, để tránh những thiếu sót, sai lầm có thể mắc phải, Lê Lợi đã hạ lệnh cho các quan Can gián: “Ai thấy Trẫm có chỉ lệnh hà khắc, thuế má nặng nề,
hại cho lương dân, thưởng công phạt tội không đúng... hoặc các đại thần, quan lại,
tướng hiệu, các chức trong, ngoài có người nào không giữ phép, hối lộ, nhiễu hại
lương dân làm việc thiên tư vỉ phi thì hặc tâu lên ngay”[31]. Nếu “dung túng, chỉ lo những việc nhỏ nhặt
thì sẽ bị trị tội theo đúng luật đã định”[32]. Ông cho phép các quan đại thần và quan Hành
khiển: “Nếu thấy điều lệnh của Trẫm hoặc có điều
gì không tiện cho việc quân, việc nước, hoặc là việc vô cớ, hoặc thuế má nặng nề..,
được tâu xin sửa lại”[33].
Đối
với các tướng lĩnh, quan lại, Lê Lợi cũng luôn nhắc nhở: “Người nào lơ là việc
nước, trên phụ ý triều đình đã phó thác, dưới không hề thương đến quân dân” thì
sẽ bị trừng trị đích đáng, “đến lúc ấy đừng bảo Trẫm phụ bày tôi có công lâu vậy”[34]. Ông còn chỉ ra rằng “không được tham ô,
lười biếng, hối lộ, nhiễu hại dân lành; không được xây cất nhà cửa cao rộng, xa
hoa, tổn phí, không được bày vẽ tiệc tùng, lễ lạt, xưng tụng công đức một cách
viển vông” mà cần phải “lấy mối lo của dân chúng làm mối lo của mình[35].
Với
bản thân Lê Lợi không nhận tước hiệu Hoàng Đế như quần thần xưng tụng mà chỉ nhận
tước Vương, vì nghĩ rằng đức mình còn mỏng; không cho xây cất cung điện vì sợ tổn
hại đến tiền của và công sức của nhân dân. Ống nói với các quan văn võ: “Chuộng
nhà cửa cung đài cao đẹp, tất gây nên thói kiêu xa, theo ý mình mà trái lòng
người, sẽ chuốc lấy mọi người oán ghét. Trẫm rất lo về điểm này, cho nên tự nghĩ
những cung điện huy hoàng tráng lệ đây đều là sức lao khổ của quân dân, Trẫm được ngự
yên, vẫn cứ lo không xứng”[36].
Vì
vậy, mặc dù chỉ ở ngôi vua trong 6 năm nhưng Lê Lợi đã nhanh chóng xây dựng được
một bộ máy quản lý quốc gia vững mạnh, giữ vững và củng cố nền độc lập dân tộc,
khôi phục sản xuất,
ổn định đời sống nhân
dân, đưa mọi mặt sinh hoạt của xã hội vào nền nếp, thúc đẩy lịch sử nước nhà tiếp
tục phát triển theo đúng quỹ đạo của nó. Văn bia Vĩnh Lăng do Nguyễn Trãi biên soạn, hai tháng
sau khi Lê Lợi từ trần, khẳng định “vua thức khuya dậy sớm sáu năm mà trong nước
thịnh trị”[37]. Dĩ nhiên, những thành tựu to lớn kể
trên, ngoài công lao của Lê Lợi với tư cách người cầm đầu quốc gia, còn là sự cống
hiến của đội ngũ tướng lĩnh, quan lại của triều đình và sự ủng hộ, tham
gia tích cực của nhân dân. Rõ ràng, trong kháng chiến chống ngoại xâm cũng như
trong hòa bình xây dựng, củng cố đất nước, Lê Lợi đã luôn luôn thu hút, giáo dục,
rèn luyện và phát huy đầy đủ tài năng của các tướng lĩnh. Nhờ vậy, các tướng lĩnh
đã có những đóng góp đáng kể trong việc xây dựng và củng cố đất nước.
III
Tuy nhiên, dưới thời Lê Thái Tổ, đã
có một số công thần tướng lĩnh bị truất chức, hạ ngục hoặc bị giết mà điển hình
là việc giết Phạm Văn Xảo, ra lệnh bắt Trần Nguyên Hãn để ông phải tự tử, hạ ngục
Nguyễn Trãi v.v. Đây là vấn đề lớn mà các sử gia phong kiến cũng như giới sử học
Việt Nam mấy chục năm gần đây viết lời bàn, nhận định và đánh giá về nhân cách
trong những năm Lê Lợi làm vua. Tuy vậy, cho đến nay vấn đề trên vẫn còn nóng hổi
thu hút sự nghiên cứu của nhiều người. Song, đây là vấn đề khó và rất phức tạp.
Hơn nữa, nguồn tài liệu chẳng những còn thiếu, lại không rõ ràng, cụ thể, vì thế,
cho đến nay vẫn chưa có những ý kiến nhận xét, đánh giá thật thỏa đáng đối với
những sự kiện trên.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư của
nhóm sử thần nhà Lê, từ Ngô Sĩ Liên đến Lê Hy, kế tục sự nghiệp của các nhà sử
học thời Trần đã ghi về Lê Lợi trong thời gian ông ở ngôi như sau: “Thái Tổ từ
khi lên ngôi đến nay, thi thố chính trị có vẻ khả quan, như định luật lệnh, chế
lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, đặt quan chức, lập phủ huyện, thu sách vở, dựng
học hiệu, cũng có thể gọi là quy mô sáng nghiệp rộng rãi. Song đa nghi hay giết, đó là chỗ kém”.[38] Đến thế kỷ XVIII trong
Đại Việt thông sử” nhà bác học Lê Quí Đôn trong phần liệt truyện ghi khá rõ:
“Năm Mậu Thân, Thuận Thiên thứ nhất (vua Thái Tổ) phong ông (Trần Nguyên Hãn –
HD – HK) làm Tả tướng quốc và cho theo họ vua. Ông nói riêng với người thân:
“Nhà vua có tướng như Việt Vương, không thể cùng sung sướng được”. Ông xin về
hưu. Nhà vua cũng bằng lòng cho nhưng bảo mỗi năm hai lần về chầu. Ông về làm
nhiều nhà cửa, xây bằng gạch hoa, đóng thuyền chở binh khí. Có người tố cáo là
ông mưu phản. Vua sai lực sĩ xá nhân bắt về hỏi tội”[39]. Trên thuyền “ông phẫn
uất khấn trời rằng: “Tôi với vua cùng mưu cứu dân. Nay việc nghĩa lớn đã thành,
vua lại muốn giết tôi. Hoàng Thiên có biết xin soi xét cho”[40], rồi tự tử. Còn Phạm
Văn Xảo, Lê Quí Đôn chép (trong phần liệt truyện): “Tháng ba năm Mậu Thân
(1428), Thuận Thiên thứ nhất, thăng ông lên chức Thái Bảo ban cho họ vua. Tháng
năm năm thứ hai, Kỷ Dậu, khắc biển ghi tên công thần, ông được phong là Huyện
Thượng hầu, tên ông xếp vào hàng thứ ba, thăng là Thái phó. Không bao lâu có
người tố cáo ông ngầm mưu phản, vua ban cho được chết”[41]. Sang thế kỷ XIX, sử thần
triều Nguyễn trong Việt sử thông giám cương mục gần như lặp lại những nhận định,
đánh giá của các sử thần nhà Lê: Lê Lợi “Kịp khi lên ngôi, qui định thuế khóa,
chia cắt ruộng đất, ban hành luật lệnh, mở khoa thi, tổ chức cấm vệ, cắt đặt
quan chức, tưởng lục công thần, dựng trường học… Quy mô sáng nghiệp có thể gọi
là rộng lớn, nhưng hay nghi kỵ, đa sát, đó là chỗ kém của nhà vua”[42]. Còn về trường hợp Nguyễn Trãi, sử ký
không ghi. Nhưng căn cứ vào những điều ông viết trong thơ nôm «Bảo kính cảnh giới”
bài 25[43] và bài “Biểu tạ ân” của ông dâng Lê Thái
Tông, trong đó có câu “Nếu không được Tiên đế (Lê Lợi) xét rõ đáy lòng, thì hầu
khiến tiểu thần ngậm cười dưới đất”[44], có thể khẳng định được điều đó.
Như
vậy, điểm lại các bộ sử và những nhà sử học lớn của các triều đại phong kiến đều
có những nhận định, đánh giá trong 6 năm ở ngôi của Lê Lợi là “đa nghi, hay giết” hoặc “hay nghi kỵ, đa sát”. Và, việc Phạm Văn Xảo bị giết, Trần
Nguyên Hãn bị bắt và tự tử, Nguyễn Trãi bị hạ ngục một thời gian là có thật.
Đương
nhiên, vấn đề rất quan trọng đặt ra là việc Lê Lợi cho giết Phạm Văn Xảo, bắt
Trần Nguyễn Hãn và hạ ngục Nguyễn Trãi trong hoàn cảnh nào? Có giải đáp được
các vấn đề trên mới có những kết luận thỏa đáng và đúng đắn về nhân cách của Lê Lợi trong những năm cuối đời của ông.
Về
các sự kiện trên, các sử thân, nhà Lê cũng như các sử thần nhà Nguyễn chỉ ghi lời
bàn và những nhận định, đánh giá chứ không chép việc thật cụ thể. Riêng Lê Quý
Đôn trong Đại Việt thông sử có ghi rõ hơn. Trong lời chiếu của Lê Lợi ngày 3 tháng 3 âm lịch
năm 1932 sau khi đi đánh đẹp Đèo Cát Hãn về có đoạn viết “Trẫm xét: kẻ loạn
thân tặc tử, thì ai ai cũng muốn giết chết. Năm ngoái thằng Khắc Thiệu ở Thái
Nguyên mưu làm phản, đích là do thằng Hãn âm mưu, năm nay Cát Hãn nổi loạn, là
do âm mưu của Xảo. Mầm mống họa hoạn không thể không triệt cho hết”[45] Hãn và Xảo trong lời chiếu là Trần Nguyên
Hãn và Phạm Văn Xảo. Tiếp đó, Lê Quí Đôn còn cho biết thêm: bấy giờ vua thường
đau yếu, con nhỏ nối ngôi, mà Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo là bề tôi mở nước,
có công đầu, rất được người đương thời trọng vọng. Trần Nguyên Hãn là con cháu
tông tộc họ Trần, còn Phạm Văn Xảo lại là người kinh lộ, Vua sợ khi con nhỏ lên
cầm quyền họ sẽ sinh ý khác, bề ngoài lấy lễ ý tôn sùng trọng vọng mà bụng vẫn
nghi ngờ. Trong khi đó, bọn nịnh thần Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bảng... đón biết ý
vua tranh nhau dâng mật sớ, khuyên vua quyết ý trừ đi[46].
Rõ
ràng, việc Lê Lợi nghi ngờ một số tướng lĩnh công thần như: Trần Nguyên Hãn, Phạm
Văn Xảo, Nguyễn Trãi v.v. là có thật. Việc có một bọn gian thần xảo quyệt, xu nịnh,
lừa dối, kết thành bè đảng đã hãm hại những người trung lương, có tài là cũng
có thật. Tuy nhiên, điều cần khẳng định ở đây, chính Lê Lợi đã sớm phát hiện ra
những sai lầm của mình. Khi thấy rõ sự oan uổng của Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo
v.v. “Vua Thái Tổ hối hận, thương hại người bị oan. Lại biết bọn Lê Quốc Khí đều
là hạng tiểu nhân xảo quyệt nên rất ghét chúng. Về sau bọn chúng đều có việc bị
đuồi, nhà vua xuống chiếu bảo cho các quan rằng: bọn Lê Quốc Khí, Trịnh Hoàng
Bá, Lê Đức Dư dẫu là có tài cũng không được dùng lại nữa, mà trong thiên hạ có
kẻ mưu phản cần phải tố cáo cũng không cho bọn ấy được tố cáo”[47]. Và, cũng trong dịp này Nguyễn Trãi đã được
Lê Lợi “xét rõ đáy lòng” như lời của ông trong “Biểu tạ ân”.
Trước
khi Lê Lợi mất, trong chiếu truyền ngôi cho Nguyên Long (1433), ông dặn dò con
mà như nói với chính bản thân mình : “Trẫm gặp thời tao loạn, dựng nghiệp gian
nan, hơn hai mươi năm mới nên nghiệp lớn. Những nỗi đau khổ của nhân dân, thảy
đều hiểu biết, những đường gian nan trong thế sự, thảy đều trải qua. Thế mà khi
lên ngôi, lòng người thực hay giả, cũng chưa dễ gì tỏ tường; những việc nghi ngờ,
cũng chưa dễ gì phán đoán. Như vậy, đạo làm vua không khó ư?”[48].
Phải
chăng sớm nhận ra những sai lầm, biết sửa chữa những sai lầm, đó cũng là sự biểu
hiện đức tính đẹp đẽ và cao thượng của Lê Lợi.
*
* *
* *
Nhìn chung lại,
bằng đức độ, tài năng, Lê Lợi đã tổ chức, xây dựng, giáo dục và rèn luyện được
một đội ngũ tướng lĩnh tuyệt đối trung thành với lợi ích dân tộc và quyền lợi của
đông đảo quần chúng nhân dân; có khả năng cùng toàn quân, toàn dân Đại Việt đứng
lên đánh đổ chế độ thống trị bạo tàn của bọn phong kiến nhà Minh, giành lại chủ
quyền dân tộc, đưa lại cuộc sống thái bình và hạnh phúc cho nhân dân. Và, cũng
chính nhờ đi theo Lê Lợi, đội ngũ tướng lĩnh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã
phát huy được đầy đủ tài năng sáng tạo của mình và từ đó có những cống hiến lớn
lao trong sự nghiệp sống còn và phồn vinh của dân tộc.
Mặc dù Lê Lợi luôn tự nhận “không có tài dũng trí”, “tư chất
bạc nhược”, “đức còn mỏng manh” nhưng dưới ngòi bút của các sử gia phong kiến –
tuy rất khắt khe, ông là người “xét về mưu kỳ phần nhiều do tài thao lược.. lại
tinh về chính trị”[49].
“Mặc áo sớm, ăn cơm trưa. Phàm 10 năm mà thiên hạ đại định”[50],
“đến khi thống nhất non sông… thi thố chính trị rất là rộng lớn và chu đáo”[51].
Việc nghi oan, sát hại một vài tướng lĩnh, công thần
không thể làm lu mờ sự nghiệp cứu nước và dựng nước vĩ đại của ông. Lê Lợi
hoàn toàn xứng đáng là một trong những vị anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
[3]. Theo Phan Đại Doãn, 19 người có mặt trong hội thề
Lũng Nhai gồm: Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Thiện,
Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc
Hưng. Lê Ninh, Lê Hiềm, Võ Uy, Nguyễn Trãi,
Đinh Lễ, Lưu Nhân Chú, Nguyễn Lý, Lê Bôi, Đinh Lan, Trương Chiến, Tạp chí
nghiên cứu Lịch sử, số 6-1984.
[6]. Nguyễn Trãi
toàn tập, Sđd. tr. 142-105.
[10]. Nghĩa quân
Lam Sơn có 2 người tên Lê Lai, Lê Lai ở đây không phải là Lê Lai đã hy sinh anh
dũng để cứu Lê Lợi.
[12]. Lê Quý Đôn
toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 56 – 58.
[21]. Lịch sử Việt
Nam, tập 1, Nxb KHXHH. 1971, tr. 243.
[22]. Phan Huy
Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, phần nhân vật chí, Nxb Sử học, H 1960,
tr. 226.
[23]. Đại Việt sử
ký toàn thư, Sđd, tập 3, tr. 56.
[24]. Đại Việt sử
ký toàn thư, Sđd, tập 3, tr. 63.
[27]. Phan Huy
Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí, Sđd, tr. 264.
[39]. Lê Quí Đôn,
toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 83, 190 – 192.
[40]. Lê Quí Đôn,
toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 83, 190 – 192.
[42]. Quốc tử quán
Triều Nguyễn – Việt Sử thông giám cương mục Q15 Nxb Văn Sử Địa H. 1958 Tập IX,
tr. 30.
[43]. Nguyễn Trãi
toàn tập, Sđd, tr. 440, 143.
[44]. Nguyễn Trãi
toàn tập, Sđd, tr. 440, 143.
[49]. Lê Quí Đôn
toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 79.
[51]. Lê Quí Đôn
toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 79.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!