Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

SỨC MẠNH QUÂN ĐỘI TÂY SƠN – SỨC MẠNH CỦA KHỐI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC



Thượng tá TS HỒ KHANG
Trong lịch sử trung đại Việt Nam, thế kỷ XVIII được biết đến như một khoảng thời gian đầy tao loạn: cuộc chiến giữa các tập đoàn phong kiến diễn ra triền miên và tàn khốc, đất nước bị cắt chia thành Đàng Ngoài và Đàng Trong mà sông Gianh là phân giới, một số thế lực từ bên ngoài thừa cơ và mượn cớ để xâm lấn đất đai. Li loạn, đói kém phủ bóng đen xuống đầu người dân Việt. Đời sống xã hội ngày càng ngột ngạt và nền độc lập của đất nước bị uy hiếp nặng nề. Chính lúc đó, Nguyễn Huệ đã cùng anh là Nguyễn Nhạc, em là Nguyễn Lữ phất cờ nghĩa ở đất Tây Sơn thượng đạo, khởi đầu cho một phong trào mà dấu ấn của nó phổ vào lịch sử Việt Nam sắc màu chói đỏ: đập tan các thế lực phong kiến cát cứ, xóa bỏ ranh giới chia cắt non sông, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của 5 vạn quân Xiêm ở phía Nam và 29 vạn quân Thanh ở phía Bắc, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.
Ra đời trong khói lửa chiến tranh, quân đội Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc "áo vải cờ đào" Quang Trung Nguyễn Huệ không ngừng lớn mạnh, lập nên những chiến công vang dội, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của nhân dân ta, đất nước ta thời bấy giờ. Một cách tổng quát, có thể thấy rằng, cội nguồn sức mạnh đó của quân đội Tây Sơn chính là sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc. Nói cách khác, toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển cũng như sức chiến đấu của đội quân này dựa trên cơ sở vững chắc và gắn rất chặt với quá trình tập hợp lực lượng toàn dân ở mọi vùng miền trên khắp đất nước của phong trào Tây Sơn. Nếu không dựa trên khối đoàn kết đó, không gắn bó chặt chẽ với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân, phong trào Tây Sơn cũng như đội quân chiến đấu của nó đã không thể tồn tại và phát triển, không thể tiến đánh và chiến thắng các tập đoàn phong kiến họ Nguyễn ở Đàng Trong, Lê-Trịnh ở Đàng Ngoài; không thể nhanh chóng đập tan cuộc xâm lăng của quân Xiêm ở phía Nam và quân Thanh ở phía Bắc. Nếu không dựa trên khối đoàn kết đó, không dựa vào sự ủng hộ mạnh mẽ và rộng lớn của nhân dân, quân đội Tây Sơn đã không thể thực hiện được các cuộc hành quân chiến lược, hành quân thần tốc để thực hành một lối đánh mãnh liệt, chớp nhoáng khiến kẻ thù choáng váng, không kịp trở tay và nhanh chóng bị đè bẹp... Và quả thật như lịch sử đã cho thấy, ở một chừng mực nào đấy, bản thân quân đội ấy, phong trào ấy đã là hình ảnh thu nhỏ của khối đại đoàn kết toàn dân. Ngay từ những ngày đầu khi phong trào vừa khởi xướng, đứng trong hàng ngũ nghĩa quân có những người con của vùng đất Quy Nhơn, Quảng Nam... Bên cạnh quần chúng nông dân về tụ nghĩa và làm nên lực lượng cơ bản của phong trào, người ta còn thấy có các thổ hào như Nguyễn Thung, những đại phú như Huyền Khê. Bên cạnh người Việt, tham gia nghĩa quân còn có người Thượng, người Chăm, thương nhân người Hoa. Những ngày đầu ấy, lực lượng trực tiếp tham gia đội quân khởi nghĩa đã lên tới con số 3.000 người. Theo thời gian, cùng với sự phát triển của phong trào, đội quân ấy không ngừng trưởng thành và lớn mạnh về nhiều mặt. Nhiều sử liệu cho biết, đến trước khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế để "chính vị hiệu, giữ lòng người", quân đội Tây Sơn đã lên tới hàng chục nghìn người. Bấy giờ, riêng ở Phú Xuân, Nguyễn Huệ có 60.000 quân. Tư liệu lịch sử đương thời cũng cho biết thêm rằng, thành phần của đội quân ấy bao gồm những tráng đinh ở mọi miền đất nước. Trong những trường hợp và ở vào thời điểm cần thiết, nhân dân các địa phương đều nô nức thực hiện chủ trương "tận suất vi binh", toàn dân tòng quân đánh giặc. Một giáo sĩ phương Tây từng nhiều năm truyền đạo ở miền Thuận Hóa, trong bức thư đề ngày 11-6-1788, đã viết: Nguyễn Huệ "đôi khi điều động được từ hai đến ba trăm nghìn quân"[1]. Một giáo sĩ phương Tây khác hồi bấy giò cũng có nhận xét rằng:"Cả dân tộc này đều làm lính cho Nguyễn Huệ, chẳng sót một người nào”[2].


Nhưng không chỉ "cả dân tộc đều làm lính cho Nguyễn Huệ" mà trên thực tế, đội ngũ tướng soái Tây Sơn cũng đã là một tập hợp những đại biểu ưu tú từ nhiều vùng, miền của đất nước, trong số đó không ít người một thời vốn là quan lại văn võ của chúa Nguyễn ở Đàng Trong hoặc chúa Trịnh, vua Lê ở Đàng Ngoài. Đó là Tham tán Nguyễn Đăng Trường, danh sĩ Trần Văn Kỷ- những người đã chịu nhiều ân huệ của chúa Nguyễn; là Ngô Văn Sở-xuất thân từ dòng dõi "Thạch Hà tướng phiệt", một dòng họ nhiều đời phục vụ chính quyền Lê-Trịnh. Đó còn là các tiến sĩ Ngô Thì Nhậm, Phan Huy ích, Ninh Tốn, Nguyễn Bá Lộc; là các tiến sĩ Đoàn Nguyên Tuấn, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Nễ, Nguyễn Huy Lượng... Họ từng đỗ đạt và được trọng dụng dưới thời vưa Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Giờ đây, vì nghĩa cả, họ dứt bỏ một dĩ vãng vàng son chưa mấy xa xăm để tự nguyện đứng dưới cờ đỏ Tây Sơn, phát huy đầy đủ tài trí của mình, góp phần to lớn vào sự nghiệp chung của toàn dân tộc.
Trên đường tiến quân ra Bắc đánh dẹp quân Thanh, Nguyễn Huệ dừng lại ở hai trấn Nghệ An, Thanh Hóa để mộ thêm quân. Nơi đây, hàng chục vạn con em nhân dân đã nô nức tòng quân ứng nghĩa. Chính vì thế, trong khoảng hơn mười ngày, Nguyễn Huệ đã có trong tay đội quân chủ lực hùng hậu gồm hơn 10 vạn. Tại Nghệ An, ông tổ chức lễ duyệt binh. Tại Thanh Hóa, Nguyễn Huệ tổ chức lễ "Thệ sư" nhằm động viên tinh thần tướng sĩ và nhân dân trước khi bước vào trận quyết chiến với quân Thanh. Lời biểu mà ông đọc trong buổi lễ này khẳng định quyết tâm của đội ngũ tướng sĩ và cũng là của mọi người dân yêu nước Việt Nam:
Đánh cho để dài tóc,
Đánh cho để đen răng.
Đánh cho nó chích luân bất phản,
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn.
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Tác giả cuốn Lê quý dật sử cho hay, khi Nguyễn Huệ dứt lời, "các quân dạ ran như sấm, rung động cả hang núi, làm cho trời đất biến đổi cả cảnh sắc. Rồi chiêng trống đồng thời vang rền... Quân lính gấp đường kéo ra Bắc"[3] . Có thể nói, khí thế đó của tướng sĩ Tây Sơn đã phần nào biểu hiện ý chí, quyết tâm bảo vệ nền độc lập non sông của cả một dân tộc. Ý chí đó, quyết tâm đó là cơ sở để La sơn phu tử Nguyễn Thiếp rất dứt khoát khi luận đàm với Quang Trung Nguyễn Huệ trong lần tiếp kiến ở đất Nghệ An, rằng :"Chúa công ra đi lần này, không quá 10 ngày, giặc Thanh sẽ bị dẹp tan"[4] . Và quả thật, ý chí đó, quyết tâm đó của cả dân tộc là một trong những nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh của quân đội Tây Sơn, làm nên một Xuân lửa Đống Đa Kỷ Dậu 1789 quét sạch quân xâm lược Mãn Thanh. Kinh thành Thăng Long trong mùa Xuân ấy bừng lên sắc đỏ hoa đào chào đón người anh hùng "áo vải cờ đào" áo sạm đen khói súng dẫn đầu đoàn quân giải phóng. Một lần nữa, đông đảo các tầng lớp nhân dân không dấu nỗi niềm vui sướng hân hoan của mình.
Sở dĩ quân đội Tây Sơn có được sức mạnh như triều dâng, đủ sức đánh những đòn mãnh liệt, chớp nhoáng khiến kẻ thù dù có quân số đông, có kinh nghiệm trận mạc... vẫn nhanh chóng bị đè bẹp là do nhiều nguyên nhân, mà một trong số đó chính là sự đoàn kết toàn dân. Đây thực sự là nhân tố nền tảng đảm bảo cho phong trào Tây Sơn ngày càng phát triển, cho đội quân chiến đấu của nó không ngừng lớn mạnh. Nhưng do đâu mà lãnh đạo và quân sĩ Tây Sơn lại động viên, tổ chức và phát huy được sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân? Do đâu mà quân đội Tây Sơn đã có thể dựa trên nền tảng đó để xây dựng và phát triển, chiến đấu và chiến thắng?
Như phần đầu bài viết đã đề cập, vào thế kỷ XVIII, chế độ phong kiến đang suy thoái, xã hội Việt Nam ngập chìm trong những mâu thuẫn gay gắt, đất nước bị phân chia và cùng một lúc bị nhiều kẻ thù rình rập, xâm lược... Trong những điều kiện đó, phong trào Tây Sơn mà thoạt đầu phương châm hành động là "lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo" rồi tiếp theo vươn lên đập tan ách thống trị của các tập đoàn phong kiến lớn, xóa bỏ "hận sông Gianh", đảm nhận và hoàn thành nhiệm vụ dân tộc bằng việc đè bẹp 5 vạn quân Xiêm ở phía Nam, 29 vạn quân Thanh ở phía Bắc... đã thực sự đáp ứng được những đòi hỏi bức xúc của lịch sử đất nước, xã hội và con người Việt Nam đặt ra lúc bấy giờ và đó chính là nguồn cội, là động lực chính tạo nên sức thu hút, sức tập hợp rộng lớn mạnh mẽ lực lượng toàn dân của phong trào này. Dõi theo dòng lịch sử, người ta thấy rất rõ, khi đập tan 30 vạn quân Trịnh, tiến sát sông Gianh-ranh giới của hơn 200 năm cắt chia đất nước, ruổi thắng ra Bắc, lật nhào nền thống trị ngót 300 năm của họ Trịnh ở Thăng Long, phong trào Tây Sơn cũng như cá nhân Nguyễn Huệ đã thực sự để lại những ấn tượng tốt đẹp trong dận chúng Bắc Hà và gây được ảnh hưởng nhất định đối với tầng lớp quan lại cấp thấp triều Lê. Thế nhưng, ở giai đoạn này, lực hấp dẫn của phong trào, của Nguyễn Huệ dẫu sao cũng chưa đủ mạnh đối với trí thức, quan lại văn võ triều cũ, thức tỉnh họ rũ được quan niệm "trung quân" truyền thông. Phải đến khi ra Bắc lần hai (giữa năm 1788), đặc biệt lúc dẫn đại binh từ Phú Xuân thần tốc tiến ra giải phóng Thăng Long (Xuân Kỷ Dậu 1789), Nguyễn Huệ mối thực sự được chào đón hân hoan như một vị vua hiền của cả nước; sự nghiệp Tây Sơn mới được xem là "thuận lẽ trời, hợp lòng người". Và đó chính là nền tảng để Quang Trung Nguyễn Huệ nhanh chóng tăng cường lực lượng, thu phục nhân tài, ổn định tình hình đất nước sau bao phen binh lửa và thiên tai, li loạn và đói kém.
Để đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, nếu tính chất tiến bộ của phong trào Tây Sơn là yếu tố căn bản thì tài năng và tấm lòng của cá nhân lãnh tụ Nguyễn Huệ lại là yếu tố tác động trực tiếp. Khi còn là "Bắc Bình Vương" cũng như lúc đã là vua Quang Trung, ứng xử của Nguyễn Huệ đối với giới quan lại, trí thức triều cũ bao giờ cũng cởi mở, chân tình không kiểu cách, trân trọng, kiên trì thuyết phục, vời gọi. Với những ai trong số đó vì quan niệm "trung quân" mà náu mình ẩn nhẫn, ông kiên nhẫn đợi chờ sự thức tỉnh của họ hoặc tạo điều kiện thuận lợi để họ trở về cố hương dưỡng nhãn theo sở nguyện. Hơn thế nữa, những tướng soái, quan lại một khi đã tự nguyện đứng dưới cờ đỏ Tây Sơn, ông đều tin dùng, ban những quyền hành rộng rãi, đủ cho họ tùy tài ứng xử. Đối với quân sĩ, Nguyễn Huệ luôn chủ trương "Quân lính cốt hòa thuận, không cốt đông"[5] . Chính vì thế, khác với quân đội nhà Nguyễn, nhà Trịnh, ông không tổ chức ra các loại quân như thân binh, ưu binh... Trái lại, mỗi khi tuyển mộ lính mới, những người lính mới ấy được phiên chế vào những đạo trung quân đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Huệ. Việc tuyển mộ và phiên chế số quân ở Nghệ An, Thanh Hóa lần ra Bắc dẹp Thanh đầu năm 1789 đã chứng tỏ điều đó. Lại nữa, giữa những người lính cũ và lính mới trong quân đội Tây Sơn hoàn toàn không có sự cách biệt nhau về đốì xử, về quyền lợi. Thái độ ứng xử và cách thức tổ chức như thế khiến cho quân đội Tây Sơn thực sự tin cậy lẫn nhau, hợp thành một khối vững chắc. Đội quân ấy được giáo dục, rèn luyện và luôn giữ nghiêm kỷ luật. Những ghi chép của các giáo sĩ phương Tây hoặc của các thương nhân ngoại quốc lúc bấy giờ cho thấy, trong khi quân đội của các tập đoàn phong kiến Trịnh, Nguyễn thường hà hiếp, cướp bóc, nhũng nhiễu nhân dân thì ngược lại, những người lính Tây Sơn có tinh thần kỷ luật trong chiến đấu cũng như trong đối xử với nhân dân. Hành quân đến đâu, giải phóng đến đâu, tướng sĩ Tây Sơn đều lập tức bắt tay vào việc lập lại trật tự, ổn định đời sống nhân dân nơi đó. Tác giả sách Lê quí dật sử ghi rằng, “khi tiến ra Thăng Long quân lệnh của Tây Sơn nghiêm ngặt, không ai được tơ hào một tý gì của dân"[6]. Cũng vào dịp này, theo lệnh Nguyễn Huệ, của cải, thóc gạo trong kho đụn của nhà Trịnh được đem chia cho dân nghèo. Trong cuộc kháng chiến chống Thanh, khi hành quân qua Ngọc Hồi, quân đội Tây Sơn được nhân dân đón tiếp nồng nhiệt. Họ mang quà bánh bày bên vệ đường để khao thưởng tướng sĩ. Cảm tấm lòng của dân nhưng thấu hiểu nỗi cơ hàn mà nhân dân các địa phương đã bao năm chịu đựng do trận mạc, thiên tai, Nguyễn Huệ chỉ nhận một ít bánh chưng tượng trưng mà thôi, còn tất thảy ông lệnh cho quân sĩ trả lại cho dân chúng. Chính nỗi thương dân, vì dân, không quản gian lao trận mạc của Quang Trung Nguyễn Huệ và quân đội của ông đã khiến cho mọi người dân Thăng Long dồn đổ ra đường đón chào đoàn quân với khẩu hiệu "Hậu lai kì tổ" - vua đến dân được sống lại!
Như thế, xét trên nhiều khía cạnh, quân đội Tây Sơn là một hình ảnh thu nhỏ của khối đoàn kết toàn dân. Khối đoàn kết đó là nhân tố tạo ra và nhân lên sức mạnh của quân đội, đảm bảo cho nó trở thành một quân đội hùng mạnh, góp phần quyết định tạo nên những chiến công lừng lẫy của dân tộc Việt Nam thuở ấy.
Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ


1 – Thư của giáo sĩ Bertrtte và DDousssain, dẫn theo Viện Lịch sử Việt Nam:Quang Trung Nguyễn Huệ với chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, Nxb Quân đội nhân dân, H, 1992, tr.155,156.
2, 3 – Nguyễn Thu: Lê quí dật sử, Nxb Khoa học xã hội, H, 1974, tr. 122.
4 – Ngô gia văn phái: Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb Văn học, H. 1987, T2, tr. 160.
5 – Thư của Nguyễn Huệ gửi cho Thanh Hùng Nghiệp, dẫn trang Tây Sơn bang giao tập.
6 – Lê quí dật sử, d, tr.69. 


1 nhận xét:

  1. VHNA đăng lại, ko biết đẫ xin ý kiến tác giả chưa
    http://www.vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/những-góc-nhìn-văn-hóa/suc-manh-quan-doi-tay-son-suc-manh-cua-khoi-doan-ket-dan-toc

    Trả lờiXóa

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!