Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

TỪ TRUYỀN THỐNG CHỐNG NGOẠI XÂM CỦA DÂN TỘC, NGHĨ VỀ SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN



Đền Hùng
Thượng tá, TS Hồ Khang
Dõi nhìn lịch sử Việt Nam, dễ dàng nhận thấy rằng, dựng nước phải đi đôi với giữ nước là đặc điểm bao trùm, là quy luật cơ bản, xuyên suốt lịch sử của miền đất đầu sóng ngọn gió bên mép Thái Bình Dương bao la này. Và cũng dễ dàng nhận thấy, trên hành trình dằng dặc hàng nghìn năm ấy, dân tộc Việt Nam đã bao phen buộc phải dồn tâm lực để tiến hành nhiều cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, chống lại các thế lực ngoại xâm hung hãn, khét tiếng, có tiềm lực và sức mạnh kinh tế, quân sự lớn gấp nhiều lần. Trong các cuộc chiến tranh đó, để đương đầu và đánh bại ý chí của kẻ thù xâm lược, người Việt Nam đã huy động sức mạnh tiềm tàng và to lớn của toàn dân tộc.

Nói cách khác, sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của lòng yêu nước, của ý chí bất khuất, của khối đại đoàn kết toàn dân là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định hàng đầu, là hằng số lịch sử, đảm bảo sự trường tồn và phát triển vững chắc của non nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Buổi mờ sương của lịch sử dân tộc- thời đại văn minh Đông Sơn, thời đại các vua Hùng, vua Thục, nội bộ cộng đồng Việt cổ-người Việt phương Nam, đã có sự hợp tụ, cố kết ngày càng bền chặt và vững chắc trên tảng nền của sức sản xuất tương đối phát triển, trong kết cấu chính trị-xã hội của một nhà nước sơ khai, nhằm đáp ứng nhu cầu đấu tranh chống giặc dã và thiên tai. Đây cũng là thời đại hình thành lối sống và nền văn hóa riêng, hình thành ý thức dân tộc-ý thức được tổng hợp từ những tình cảm gia đình, họ mạc, làng xóm, thôn bản, đồng bào… để tạo nên lòng yêu nước Việt Nam. Tình yêu quê hương quện với lòng yêu nước, ý thức cộng đồng làng xóm, thôn bản gắn với ý thức dân tộc là mạch ngầm thấm sâu và xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Tình cảm đó, ý thức đó chẳng những không một thế lực xâm lược và đô hộ nào, dù tàn bạo và thâm độc đến đâu, có thể khuất phục được, dập xóa được mà ngược lại, luôn được tôi rèn, bồi đắp để trở thành động lực, thành nền tảng tập hợp, nhân lên sức mạnh quật cường của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Ngàn năm Bắc thuộc, ngọn lửa hỏa ngục của những tên thái thú, thứ sử, đô hộ, tiết độ sứ phương Bắc không thiêu hủy, không đồng hóa nổi bản lĩnh và bản sắc văn hóa Việt Nam; không hủy hoại được lòng yêu nước và ý thức dân tộc của con người Việt Nam. Ngược lại, ngàn năm ấy, nhân dân Việt Nam đã liên tục trỗi dậy chống Bắc thuộc, chống ách đô hộ và sự đồng hóa bạo tàn của quân xâm lược, mà tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-43), Bà Triệu (248), Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương (542-602), Mai Hắc Đế (722), Bố Cái Đại Vương-Phùng Hưng (766-791), Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ (905-930), Dương Đình Nghệ (931-937)… Và cuối năm 938, với chiến thắng vang dội trên dòng Bạch Đằng cuộn sóng, sự nghiệp phục hưng dân tộc, giành lại nền độc lập, tự chủ của tổ tiên - sự nghiệp phải đổi bằng mồ hôi, máu xương của biết bao thế hệ người Việt suốt ngàn năm ròng rã - đã toàn thắng.
Giành lại nền độc lập, tự chủ đã muôn vàn khó, nhưng để giữ vững nền độc lập, tự chủ đó càng khó gấp bội lần!
Sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử và bắt đầu từ đó, dân tộc Việt Nam phải đối diện với ý đồ và hành động xâm lược, bành trướng của các thế lực bên ngoài, cả ở hai đầu đất nước. Để bảo vệ và giữ vững nền độc lập, tự chủ vừa giành lại được, yêu cầu bức xúc mà lịch sử đặt ra cho dân tộc Việt Nam, cho những người lãnh đạo đất nước là phải khắc phục, trấn dẹp những xu hướng, những thế lực cát cứ địa phương, vùng miền… đặng đảm bảo vẹn toàn lãnh thổ và sự thống nhất quốc gia. Nói cách khác, độc lập dân tộc giờ đây phải gắn liền với thống nhất quốc gia. Đó là đòi hỏi, là tất yếu đặt ra cho một nước nhỏ tồn tại giữa miên man bão lụt và miên man xâm lăng. Sự nghiệp thống nhất quốc gia được Đinh Tiên Hoàng phục hồi và được các triều đại phong kiến tiến bộ sau đó tiếp tục củng cố, hoàn thiện…
Để giữ vững nền độc lập, thống nhất quốc gia, điều có ý nghĩa quyết định hàng đầu là nền độc lập, thống nhất ấy phải dựa vào lòng dân, dựa vào sức dân, dựa trên khối đại đoàn kết toàn dân. Những thời kỳ hưng thịnh của các triều đại phong kiến Việt Nam, những chiến công lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến chống Tống, ba lần chống Nguyên-Mông, rồi chống Minh, chống Xiêm, chống Thanh đã chứng tỏ điều đó. Không có sức mạnh của muôn dân, cha ông không thể có được tư thế nghênh địch đầy kiêu hãnh “tiên phát chế nhân” như thời Lý, sự bình tĩnh, tự tin, ung dung như thời Trần, “sấm vang chớp giật” như nghĩa quân Lam Sơn, “thần tốc, táo bạo” như vua Quang Trung… Người anh hùng dân tộc- thiên tài quân sự Trần Quốc Tuấn- từng di chúc lại cho các vua Trần rằng :“Đời Đinh, Lê dùng được người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh và phương Bắc thì mệt mỏi, suy yếu”; ở các đời ấy, “trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lễ mà phá được quân Tống”[1]. Về nguyên nhân sâu xa của ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên-Mông, ông khẳng định :“Vừa rồi, Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây, vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức giặc phải bị bắt”[2]. Lê Lợi, Nguyễn Trãi và bộ tham mưu, ngay từ buổi đầu, trên cơ sở ý thức sâu sắc sức mạnh của đoàn kết toàn dân, đã “nêu hiệu gậy làm cờ, tập hợp khắp bốn phương manh lệ”. Cuối thế kỷ XVIII, khởi nghĩa nông dân Tây Sơn vươn lên thành phong trào đấu tranh của cả dân tộc, đủ sức xóa bỏ hận chia cắt sông Gianh, đập tan các tập đoàn phong kiến cát cứ, đập nát quân xâm lược Xiêm phía Nam, đánh tan ngót 30 vạn quân Thanh phía Bắc, khôi phục nền thống nhất quốc gia, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Tình nghĩa “đồng bào”, truyền thống cố kết cộng đồng, đoàn kết cùng nhau “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” đã bao phen giúp cho dân tộc Việt Nam vượt lên những thử thách cam go của lịch sử, vượt lên sự tàn bạo, dã man của kẻ thù xâm lược. Sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân bền vững, trường tồn mãi với lịch sử, với thời gian do dựa trên nền tảng của lòng yêu nước Việt Nam. Lòng yêu nước ấy có căn nguyên sâu thẳm trong nguồn cội của dân tộc này, trong nhịp sống mùa vụ bình thản của cư dân trồng trọt và đánh cá từ đời này sang đời khác cộng cư, làm ăn sinh sống ven triền đồi, chân núi hay lòng thung, dọc bãi bờ sông nước hay trên những cánh đồng châu thổ… Lòng yêu nước ấy bắt nguồn từ tình yêu gia đình, làng xóm, từ niềm kính trọng, biết ơn tiên tổ, ông bà, từ sự gắn bó thiết tha với cuộc sống thường nhật buồn, vui. Chỉ giản dị, bình thản như thế thôi, nhưng quả thật, tình cảm đó thẳm sâu và mãnh liệt biết nhường nào trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, để khi vận nước nguy nan, nó bùng lên thành sức mạnh, thành động lực để tập hợp, cố kết muôn người thành một khối vững chắc cùng nhau đánh giặc, giữ nước.
Tuy nhiên, lòng yêu nước tiềm tàng trong mỗi người Việt Nam chỉ có thể được khơi dậy, được nhân lên thành sức mạnh khi mỗi triều đại, mỗi tập đoàn lãnh đạo đề ra và thực hiện những chính sách, những giải pháp phù hợp vì ích lợi chung của đất nước và quyền lợi của người dân. Còn như, chỉ vì lợi ích riêng tư, không vì dân, vì nước, lại không dựa vào dân, không biết nương vào sức dân, chỉ biết ỷ vào thành cao, hào sâu, cung nỏ cứng để cự địch…, thì đấy, An Dương Vương là bài học nhỡn tiền, đất nước rơi vào tay giặc, ôm mối hận nghìn thu. “Lật thuyền mới biết dân như nước”! Bài học bi thảm ấy của triều Hồ chứa đựng trong lời tâu bày của Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng trước vua cha: “ Tôi không sợ giặc, chỉ sợ đánh giặc mà lòng dân không theo” . Một triều đình đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác để rốt cuộc đặt tay ký hòa ước bán nước cho kẻ thù như triều Nguyễn đã làm năm 1884, suy cho cùng là một triều đình ích kỷ, xa dân, không tin vào dân và cũng chẳng làm gì để đoàn kết muôn dân đánh giặc. Lịch sử cũng có những bi kịch lớn- những bi kịch để lại cho muôn đời sau những bài học về lẽ tồn vong của quốc gia, dân tộc.
Trong bài viết nhan đề :“ Nên học sử ta”, đăng trên báo Việt Nam độc lập số 117, ra ngày 1-2-1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Sử ta cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.
Ngẫm suy từ lịch sử đầy thăng trầm của dân tộc, tin tưởng sâu sắc vào lòng yêu nước của nhân dân, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn chăm lo và dày công xây đắp khối đại đoàn kết toàn dân. Và chính Người, từ tư tưởng của Người, từ cuộc đời vì nước vì dân của Người là hiện thân, là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại mới. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng CSVN, đoàn kết dân tộc là chiến lược của cách mạng. Trước hết, lấy tin vào dân, dựa vào dân làm nguyên tắc cơ bản với những luận điểm chủ yếu: dân là gốc rễ, là nền tảng của đại đoàn kết; dân là chủ thể của đại đoàn kết; dân là nguồn sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết, quyết định thắng lợi của cách mạng; dân là chỗ dựa vững chắc của Đảng Cộng sản, của hệ thống chính trị cách mạng… Để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, ngoài những chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, điều có ý nghĩa quyết định hàng đầu là cán bộ, đảng viên phải gắn bó máu thịt với nhân dân, “phải gìn giữ sự đoàn kết trong Đảng như gìn giữ con ngươi của mắt mình”. Và chỉ có như thế, Đảng CSVN mới thực sự là hạt nhân lãnh đạo, hạt nhân của khối đại đoàn kết, thống nhất toàn dân tộc, mới biến sức mạnh của cả dân tộc thành động lực to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam, hòa bình, độc lập, dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.


Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ




1, 2- Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, H. 1993, tập 2, tr.79.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!