Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP SỬ HỌC, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH LỊCH SỬ QUÂN SỰ

PGS, TS. Hồ Khang
Những năm qua công tác nghiên cứu lịch sử quân sự đã có nhiều cố gắng và đạt được những thành tựu quan trọng. Nhiều công trình lịch sử về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Quân đội nhân dân Việt Nam, sự nghiệp và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, nghệ thuật quân sự, hậu cần - kỹ thuật quân sự trong 30 năm chiến tranh (1945 - 1975)... đã được xuất bản ở trung ương và địa phương... Nhiều vấn đề lớn về lịch sử quân sự dân tộc qua các thời đại, lịch sử các học thuyết quân sự trên thế giới và học thuyết quân sự (hay trường phái quân sự) Việt Nam, lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam, lịch sử tổ chức quân sự Việt Nam, lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam... đang thực hiện hoặc mới chỉ bắt đầu triển khai và dự định thực hiện.

 Bên cạnh đó, ngay trong mỗi chuyên ngành của khoa học lịch sử quân sự, nhiều vấn đề khoa học đang được đặt ra một cách khách quan, cần phải tập trung giải quyết.
So với nhiều bộ môn khoa học xã hội - nhân văn khác, với các cơ quan, viện nghiên cứu trong cả nước thì hơn 30 năm xây dựng, phát triển của Viện và Ngành lịch sử quân sự Việt Nam là khoảng thời gian ngắn. Trong khoảng thời gian đó, toàn Ngành và Viện lịch sử quân sự đã triển khai tổng kết, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản nhiều đầu sách, nhiều số tạp chí và tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học nhằm góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lịch sử quân sự dân tộc, lịch sử hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; đấu tranh chống những quan điểm sai trái hoặc xuyên tạc lịch sử. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, kinh nghiệm tích luỹ được cũng như năng lực nghiên cứu, biên soạn của đội ngũ cán bộ trong Viện và Ngành được nâng cao; sự hợp tác giữa Viện và Ngành với các cơ quan khoa học trong và ngoài quân đội ngày càng mở rộng, hiệu quả; đội ngũ cán bộ nghiên cứu lịch sử quân sự nhận thức đầy đủ hơn tầm quan trọng của phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu chuyên ngành lịch sử quân sự.
Tiếp tục nỗ lực trên đây, đồng thời nắm vững và vận dụng hiệu quả phương pháp luận, từng bước đổi mới và hoàn chỉnh phương pháp nghiên cứu chuyên ngành lịch sử quân sự, là những đòi hỏi đặt ra nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu, chất lượng các công trình lịch sử quân sự, góp phần thúc đẩy toàn Viện và Ngành vươn lên ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dânnền quốc phòng toàn dân trong giai đoạn cách mạng mới. Thực tế cho thấy, thời gian qua, bên cạnh những thành tựu, kết quả đã đạt được, công tác nghiên cứu lịch sử quân sự còn có một số hạn chế. Nhiều công trình lịch sử quân sự còn nặng về mô tả diễn biến, sự kiện, tính khái quát chưa cao. Ở một số cuốn khác, nội dung lịch sử được tái hiện còn dàn trải, chưa bám sát đối tượng hoặc dung lượng giữa các mảng nội dung chưa cân đối. Chẳng hạn, khi tái hiện lịch sử cuộc chiến tranh 30 năm (1945-1975), một số công trình lịch sử của địa phương, đơn vị, chỉ tập trung mô tả diễn biến các hoạt động đấu tranh vũ trang; những mảng nội dung khác thuộc về hoặc liên quan còn mờ nhạt, còn thiếu vắng...
Những hạn chế như thế trong các công trình lịch sử quân sự có nhiều nguyên nhân; một trong số đó là việc nắm vững và vận dụng phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu chuyên ngành lịch sử quân sự của tác giả/tập thể tác giả. Đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu lịch sử quân sự hiện nay được hình thành từ nhiều nguồn, trong đó, một số có vốn sống thực tế phong phú, nhưng do điều kiện chiến đấu, công tác nên chưa qua đào tạo cơ bản về sử học, kiến thức chung cũng như việc nắm vững và vận dụng phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu từng chuyên ngành lịch sử quân sự còn bị hạn chế. Bên cạnh đó, vì là một chuyên ngành khoa học còn mới nên việc tích luỹ kinh nghiệm nghiên cứu công trình của đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực này chưa nhiều; còn thiếu các chuyên gia giỏi; việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Viện và của Ngành còn gặp khó khăn...Trong những điều kiện đó, để nâng cao chất lượng công trình lịch sử quân sự, phương pháp liên ngành trong khoa học xã hội đang ngày càng lên ngôi, nhiều nhà nghiên cứu có vẻ đã quên mất rằng, một công trình khoa học ở mỗi lĩnh vực đều cần thể hiện được đặc trưng của ngành đó – hay, nói một cách hiện đại, có được bản sắc khoa học của lĩnh vực nghiên cứu mà mình chọn lựa và tham gia. Nếu không có một phương pháp chuyên ngành vững chắc, cũng như không đặt định phân tích của mình trên một nền tảng khoa học nhất định, thì công tác nghiên cứu sẽ dễ dàng trở thành một công trình chủ quan của nhà nghiên cứu trước những dữ liệu khoa học. Do đó, đối với công tác nghiên cứu lịch sử, bao gồm lịch sử quân sự (LSQS), yêu cầu quan trọng bậc nhất đối với nhà sử học là phải nắm vững và vận dụng đúng đắn, hiệu quả phương pháp luận sử học cũng như phương pháp nghiên cứu chuyên ngành.
Phương pháp, hiểu một cách chung nhất, là hệ thống các nguyên lý và quy tắc mà chủ thể (ở đây là tác giả hoặc tập thể tác giả công trình) phải nhất quán thể hiện trong quá trình thực hiện công trình nhằm đạt tới mục đích đề ra. Như vậy, phương phápkết quả nghiên cứu có mối quan hệ biện chứng – không thể tách rời phương pháp khỏi kết quả nghiên cứu, trong khi đối tượng nghiên cứu luôn độc lập tương đối với nhận thức của nhà nghiên cứu. Trong nghiên cứu khoa học xã hội, mối quan hệ giữa phương pháp đối tượng làm hình thành một lĩnh vực nghiên cứu cụ thể.
Phương pháp luận là lý luận về phương pháp[1]. Mọi khoa học đều có lý luận về phương pháp của bản thân khoa học đó, vì khi nghiên cứu đối tượng, các khoa học đều phải xác định cho được các phương pháp thích hợp, kiến giải tính tất yếu của các phương pháp được sử dụng cũng như mối quan hệ giữa các phương pháp đó. Có thể nói, không có phương pháp khoa học thì không có nhà khoa học, cùng lúc đó, không có phương pháp luận thì không có khoa học: phương pháp luận khoa học ra đời là giai đoạn phát triển và trưởng thành của khoa học, khi đó, khoa học đã có đủ khả năng tự nhận biết mình, đó cũng là cơ sở cho tính hợp thức tính chính đáng của một ngành khoa học nhất định. Tất nhiên, mỗi ngành khoa học và phương pháp luận của nó đều đặt nền trên một thế giới quan triết học nhất định. Thế giới quan đó, đến lượt nó, bao giờ cũng phải đảm bảo tính khách quantính thực tiễn, hai tiêu chí hàng đầu của khoa học hiện đại cả ở khoa học xã hội lẫn khoa học tự nhiên.
Trên bình diện như vậy, có thể thấy, sử học mácxít lấy chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử làm cơ sở phương pháp luận. V.I. Lênin khẳng định rằng, phương pháp luận sử học mácxít là sự thống nhất lý luận mácxít về quá trình lịch sử và phương pháp nghiên cứu mácxít quá trình đó. Đối với những người làm công tác nghiên cứu lịch sử, nắm vững và vận dụng phương pháp luận sử học mácxít có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Những vấn đề cơ bản nhất thuộc về phương pháp luận sử học mácxít bao gồm: đối tượng, chức năng, nhiệm vụ, tính đảng và tính khoa học của sử học; những quan điểm, những cơ sở lý luận mácxít về phương pháp nghiên cứu lịch sử; phân kỳ lịch sử... Người làm công tác nghiên cứu lịch sử quân sự, ngoài việc dựa trên nền tảng phương pháp luận trên đây, còn cần phải quán triệt và vận dụng học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh và quân đội cũng như quan điểm, đường lối cách mạng, đường lối quân sự của Đảng để giải quyết các vấn đề đặt ra cho nền sử học quân sự. Thực vậy, nền sử học quân sự là một bộ phận của khoa học lịch sử - như thế, nhà sử học quân sự cũng đang góp phần mình vào công cuộc duy trì truyền thống quân sự Việt Nam. Hơn nữa, đa phần các công trình sử học của sử học quân sự ở Việt Nam lại đại diện cho cái nhìn và nhận thức chính thống.. Đây là đặc điểm nổi bật của sử học quân sự đặt trên nền tảng mác-xít.
Do vậy, vấn đề  phương pháp luận, người làm công tác nghiên cứu lịch sử quân sự phải được trang bị kiến thức rộng, trước hết là kiến thức về một số lĩnh vực chuyên sâu như quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh và quân đội, đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, nghệ thuật quân sự, tư tưởng quân sự, kỹ thuật - hậu cần quân sự, tổ chức quân sự, địa lý quân sự, kinh tế quân sự, văn hoá quân sự... Việc nắm vững và vận dụng kiến thức về các lĩnh vực chuyên sâu ấy vào công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử quân sự là một điều kiện cần thiết để xây dựng được những công trình có chất lượng. Nếu phương pháp luận là căn bản tạo lập của một ngành khoa học, phương pháp khoa học là căn bản đặt định cho một nhà khoa học; do đó, chỉ khi nào người nghiên cứu nắm bắt và hòa nhập vào phương pháp khoa học và phương pháp luận nghiên cứu (chuyên ngành), thì sản phẩm của quá trình nghiên cứu mới trở thành một công trình khoa học.
Trên bình diện phương pháp nghiên cứu chuyên ngành, cần tiếp tục xác định rõ vị trí, vai trò, đối tượng, phạm vi của khoa học lịch sử quân sự Việt Nam.
Ngược dòng thời gian, có thể thấy rằng, để giữ nước, ngay từ thời bình, các thế hệ người Việt Nam, bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, vẫn luôn phải đề phòng và ra sức chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng đối phó với kẻ thù xâm lược - những kẻ thù rất hung hãn, thường có tiềm lực và sức mạnh kinh tế, quân sự lớn hơn Việt Nam gấp nhiều lần. Hoạt động quân sự, vì thế, không phải chỉ diễn ra khi đất nước có chiến tranh mà còn được tiến hành ngay từ thời bình, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, văn hoá - xã hội và đối ngoại. Chỉ có như thế, khi đối diện với kẻ thù xâm lược, đất nước Việt Nam mới có đủ sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng. Di huấn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thời Trần là một ví dụ. Dặn lại các vua Trần, ông nhắc rằng: "Khoan thư sức dân làm kế bền gốc, sâu rễ - ấy là thượng sách giữ nước". Do vậy, đối tượng, phạm vi đề cập của khoa học lịch sử quân sự Việt Nam rất rộng lớn, gồm nhiều lĩnh vực liên quan tới sức mạnh của đất nước, của vương triều, của chế độ như xây dựng thể chế, xây dựng tiềm lực về chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hoá - xã hội, đối ngoại... Những năm qua, nhiều vấn đề thuộc về lịch sử quân sự được tổ chức nghiên cứu, tổng kết một cách tương đối cơ bản, hệ thống, toàn diện. Bên cạnh đó, mảng đề tài về chiến tranh nhân dân địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mảng đề tài về lịch sử - truyền thống của các chiến trường, các quân khu, các địa phương, các tổng cục, các quân chủng, binh chủng và các đơn vị trong toàn quân cũng đã và đang được nghiên cứu, biên soạn... Có thể thấy, thành tựu và kết quả nghiên cứu của Viện và Ngành lịch sử quân sự nhiều năm qua là rất quan trọng. Những thành tựu và kết quả nghiên cứu đó góp phần làm giàu kho tàng lý luận về tư tưởng và nghệ thuật quân sự Việt Nam, về chiến tranh nhân dân Việt Nam; giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân; xây dựng tư duy quân sự cũng như phẩm chất, nhân cách con người mới cho đội ngũ sĩ quan và quân nhân trong lực lượng vũ trang nhân dân; đấu tranh có hiệu quả với những luận điểm sai trái, xuyên tạc và phủ nhận lịch sử, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng CSVN. Ngoài ra, bằng kết quả nghiên cứu, khoa học lịch sử quân sự cũng đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc...
Kế thừa những thành tựu và kết quả trên đây, khoa học lịch sử quân sự Việt Nam cần mở rộng phạm vi nghiên cứu và đi sâu hơn nữa vào các lĩnh vực, các chiều cạnh thuộc về hoặc liên quan tới quá trình xây dựng tiềm lực và phát huy sức mạnh của đất nước, của chế độ, của nền quốc phòng toàn dân và lực lượng vũ trang nhân dân trong thời bình cũng như thời chiến... Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu lịch sử quân sự phải được tiếp tục triển khai đồng bộ, cả lịch sử quân sự thế giới và lịch sử quân sự dân tộc, lịch sử tư tưởng quân sự, lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang, lịch sử hậu cần - kỹ thuật quân sự, lịch sử học thuyết quân sự, lịch sử quốc phòng... Các chuyên ngành đó và những kết quả nghiên cứu của nó hỗ trợ cho nhau sẽ giúp hiểu sâu hơn, đúng hơn, đầy đủ hơn các vấn đề thuộc về hoặc liên quan tới lịch sử quân sự. Nếu có tri thức về lịch sử quân sự thế giới thì càng hiểu rõ bản sắc cũng như những sáng tạo độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam qua các thời đại, sẽ nhận thấy rõ hơn sự kế thừa và phát triển của nghệ thuật quân sự trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nghiên cứu lịch sử hậu cần - kỹ thuật quân sự sẽ góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa kinh tế và quân sự, giữa con người và vũ khí, góp phần đấu tranh với những biểu hiện "duy ý chí", "vũ khí luận"... Ngoài ra, những vấn đề quân sự hiện đại như mối quan hệ giữa quân đội quốc gia với nhà nước và nhân dân, xu hướng chạy đua vũ trang và quốc phòng trong thời đại toàn cầu hóa, vai trò của quân đội trong tương quan với lực lượng cảnh sát, hay cả những chủ đề chi tiết hơn như sự thay đổi trong khẩu phần quân đội, sự chuyển biến của các trung tâm quân sự trong quốc gia… đều có thể có được sự soi sáng nhất định từ cái nhìn lịch sử quân sự. Mặt khác, nghiên cứu lịch sử quân sự một cách có hệ thống cũng sẽ mở ra những vấn đề và lĩnh vực nhận thức cần thiết cho dân tộc.
Lịch sửlôgíc là phương pháp chủ yếu được vận dụng trong nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử nói chung và lịch sử quân sự nói riêng. Có thể khẳng định rằng, kết quả, chất lượng nghiên cứu và giá trị khoa học, giá trị thực tiễn của công trình lịch sử phụ thuộc rất nhiều vào việc vận dụng các phương pháp cơ bản này trong quá trình nghiên cứu, biên soạn. Mỗi một công trình sử học, ngoài việc mô tả diện mạo để "định danh" đối tượng thuộc phạm vi đề cập, còn cần phải phân tích, luận giải, đánh giá các sự kiện, hiện tượng và quá trình lịch sử. Muốn vậy, ngoài phương pháp lịch sử và phương pháp lôgíc, cần phải vận dụng các phương pháp khoa học khác trong nghiên cứu như phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, hệ thống - cấu trúc... Việc vận dụng kết hợp các phương pháp đó một cách nhuần nhuyễn, phù hợp, cho phép người nghiên cứu tiếp cận, đi sâu, tìm ra quan hệ tương tác giữa các sự kiện, hiện tượng cũng như các mối liên hệ bên trong của mỗi sự kiện, hiện tượng lịch sử; cho phép người nghiên cứu "cắt ngang, bổ dọc" vấn đề trong các công trình chuyên khảo về từng chủ đề, từng lĩnh vực thuộc lịch sử quân sự. Chẳng hạn, khi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: tại sao Việt Nam - một nước nhỏ, thua kém đối phương nhiều lần về tiềm lực và sức mạnh kinh tế, quân sự lại đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nếu chỉ dừng lại ở các nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh như tính chất chính nghĩa, sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của hậu phương, của sự ủng hộ quốc tế... thì chưa đáp ứng yêu cầu cao của một công trình sử học. Những nhân tố quyết định ấy phải được cụ thể hoá trong quá trình diễn biến của lịch sử, cả thành công và khuyết điểm của phía Việt Nam, những cố gắng và sai lầm của đối phương, có trường hợp phải nêu ra và phân tích vai trò, tác động của cả những yếu tố ngẫu nhiên. Ở tầng nấc sâu hơn, người nghiên cứu còn phải đi sâu tìm hiểu truyền thống quân sự, truyền thống văn hoá Việt Nam. Chính nền văn hoá Việt Nam- một nền văn hoá giầu bản sắc, hình thành và bồi đắp qua bao thăng trầm của hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước là cơ sở cho sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam trong chống ngoại xâm. Với nhiều sự kiện lịch sử quân sự dân tộc, đặc biệt những sự kiện lớn, nếu đặt nó, xét nó trong bối cảnh khu vực, quốc tế, người nghiên cứu có thêm điều kiện để so sánh, đánh giá; qua đó, càng thấy rõ tầm vóc và ý nghĩa của các sự kiện.
Mỗi sự kiện, mỗi hiện tượng diễn ra trong thế giới nói chung, trong lĩnh vực quân sự nói riêng, đều có quá trình phát sinh, phát triển và kết thúc. Quá trình đó diễn ra trong những điều kiện lịch sử cụ thể, chịu sự tác động của những sự kiện, hiện tượng lịch sử khác. Và đến lượt mình, bản thân nó cũng tác động đến các sự kiện, hiện tượng lịch sử khác đó, với từng chừng mực khác nhau. Khi tiếp cận, phân tích, đánh giá, thể hiện các sự kiện và hiện tượng lịch sử, cần phải xem xét các sự kiện, hiện tượng ấy trong tính toàn thể và phức tạp của nó; cần phải nghiên cứu và bao quát tất cả các mặt, tất cả các mối liên hệ trực tiếp, gián tiếp của sự kiện, hiện tượng lịch sử đó trong bối cảnh lịch sử xác định - bao gồm điều kiện xuất hiện và hình thành; những nhân tố quy định, chi phối, tác động tới quá trình vận động, phát triển và kết thúc của nó. Như thế, quá trình nghiên cứu, cần phục dựng lại bối cảnh lịch sử, xem xét các sự kiện, hiện tượng và quá trình vận động, biến đổi của nó trong bối cảnh lịch sử đó. Tách các sự kiện khỏi các điều kiện lịch sử của nó để nghiên cứu sẽ dễ rơi vào khuynh hướng hiện đại hoá lịch sử, áp đặt suy nghĩ chủ quan của người nghiên cứu...
Một vấn đề nữa, cũng trên bình diện phương pháp nghiên cứu, biên soạn lịch sử quân sự, là việc đề cập đến các sai lầm, khuyết điểm của các cấp lãnh đạo, chỉ huy; tới vai trò quần chúng; tới những hy sinh, tổn thất của quân dân Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Lâu nay, với những vấn đề này, người nghiên cứu còn lúng túng - hoặc né tránh, hoặc lướt qua, hoặc trình bày chung chung. Cũng cần thấy rằng, cho đến nay, ở không ít công trình lịch sử nói chung, lịch sử quân sự nói riêng, người đọc nhận thấy mất mát, thương vong của phía Việt Nam được phản ánh là chung chung, còn thiệt hại về sinh mạng và phương tiện chiến tranh của đối phương là rất cụ thể. Những năm gần đây, một số trận chiến đấu không thành công của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cả hai cuộc kháng chiến đã được tập trung nghiên cứu. Tuy nhiên, những nghiên cứu như thế còn hạn chế, nhiều vấn đề chưa được luận giải sâu sắc. Sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam là cả một quá trình vận động rộng lớn, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá - xã hội và đối ngoại. Quá trình vận động đó không phải chỉ thẳng tắp một chiều, mà có những bước thăng trầm, quanh co, phức tạp, thậm chí thụt lùi. Hơn nữa, thực tế diễn biến của lịch sử nói chung, của hai cuộc kháng chiến nói riêng, rất phong phú, đa dạng, phức tạp, có cả tất yếu và ngẫu nhiên, thành công và khuyết điểm, thắng lợi và tổn thất; có vai trò lãnh đạo, chỉ huy và quần chúng, tập thể và cá nhân... Cần lưu ý ở đây rằng, quan điểm và phương pháp tiếp cận của giới sử học tư sản là quá đề cao vai trò của cá nhân trong lịch sử; hoặc nói cách khác, là quá "cá nhân hoá" các sự kiện lịch sử. Ngược lại, ở không ít công trình lịch sử của giới sử học nước ta, vai trò và những đóng góp cụ thể của cá nhân trong lịch sử lại không được đề cập hoặc đề cập còn rất mờ nhạt. Quả thật, lịch sử được trình bày như thế sẽ không đầy đủ, không sống động, không đúng với hiện thực lịch sử đã diễn ra. Tái hiện các sự kiện, hiện tượng và các quá trình lịch sử cũng như các nhân vật lịch sử; chỉ ra một cách khách quan, công bằng những thành công và hạn chế của lịch sử, của nhân vật lịch sử, là nhiệm vụ của người nghiên cứu. Vì thế, trong khi thực hiện các công trình lịch sử quân sự, cần nắm vững những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh và quân đội, về vai trò của quần chúng cách mạng và cá nhân... để phản ánh đúng đắn, đầy đủ các mặt trên đây, không né tránh, cũng không cường điệu. Có như thế, hiện thực lịch sử mới được tái hiện đầy đủ, sự thật lịch sử mới được bộc lộ, nhận định đưa ra mới có sức thuyết phục, bài học rút ra mới sâu sắc. Bên cạnh đó, trong một số công trình được xuất bản những năm gần đây, phần trình bày về đối phương còn sơ sài, chưa đề cập đầy đủ quá trình cân nhắc,  tính toán, chọn lựa các chiến lược chiến tranh cũng như chưa làm rõ những thành công tạm thời của nó. Sự thật, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, không có một giai đoạn nào đối phương chỉ hoàn toàn sai lầm, thất bại; phía Việt Nam hoàn toàn chỉ có ưu điểm, không có khuyết điểm. Đối với bộ máy lãnh đạo, chỉ huy và đội ngũ các tướng lĩnh, sĩ quan của phía Việt Nam cũng vậy, bên cạnh những trận thắng, có cả những sai lầm, va vấp, thất bại. Đó là điều khó tránh; cần phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm; cần phải được đề cập, tái hiện trong các công trình lịch sử quân sự. Song, điều quan trọng là không vì một số khuyết điểm, một số trận chiến đấu bị thất bại, bị tổn thất mà đi tới chỗ không thấy hết, thậm chí phủ định thắng lợi vĩ đại đã giành được. Điều quan trọng là người nghiên cứu là phải nắm vững và vận dụng hiệu quả quan điểm toàn diện/toàn thể, cũng như quan điểm phát triển/biện chứng khi tiếp cận, xem xét, đánh giá các sự kiện và hiện tượng lịch sử. Hơn nữa, ở các công trình viết về cuộc kháng chiến chống xâm lược của quân dân ta, cần nêu bật cuộc đấu trí, đấu lực đầy cam go, thử thách và rất quyết liệt giữa các bên đối chiến cần luận giải đầy đủ, thấu đáo, có cơ sở khoa học tài nghệ trong chỉ đạo và điều hành chiến tranh của Việt Nam, trong mối tương quan với sự điều hành của bộ máy chiến tranh đối phương, giúp người đọc hình dung được đúng đắn, đầy đủ tầm vóc và nguyên nhân thắng lợi của Việt Nam. Bởi vì, trên thực tế, có những dân tộc có chính nghĩa, rất dũng cảm, hy sinh to lớn, nhưng không thắng được kẻ thù xâm lược.
Lịch sử, bao gồm trong đó lịch sử quân sự, là những sự kiện, hiện tượng, quá trình đã diễn ra trong quá khứ. Giữa hiện thực lịch sử và nhận thức lịch sử tồn tại một khoảng cách. Rút ngắn dần khoảng cách đó là nhiệm vụ của người làm công tác nghiên cứu lịch sử và điều này tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Đối với các vấn đề khoa học còn tồn tại sự nhìn nhận, đánh giá khác nhau, thậm chí đối lập nhau, người viết phải bằng nhiều cách, cố gắng tối đa để giải quyết triệt để trong điều kiện có thể, không né tránh hoặc làm mờ đi những vấn đề khoa học đặt ra một cách khách quan cho chính công trình. Ở đây, người viết sử phải ý thức đầy đủ rằng, sự thật lịch sử chỉ có một; rằng mỗi một sự kiện lịch sử được trình bày phải bảo đảm tính chuẩn xác, độ tin cậy. Ngay cả khi nhà nghiên cứu biết rõ rằng để đưa ra sự thật lịch sử cần đến thời gian và công sức to lớn; trong khi đó,muốn nghiên cứu bất kỳ một sự kiện nào một cách toàn diện đều cần sự phối hợp rộng khắp của nhiều nhà khoa học và nhiều ngành khoa học; thì trách nhiệm của nhà sử học trước sự thật lịch sử vẫn không hề thuyên giảm. Thậm chí, ở chính những vấn đề lịch sử phức tạp có tính bước ngoặt lịch sử, thì việc đảm bảo tính chuẩn xác, độ tin cậy càng là nhân tố quan trọng góp phần vào tổng thể quá trình nhận thức về vấn đề đó.
Về phương diện đó, tư liệu lịch sử là một trong những nhân tố quan trọng. Tư liệu lịch sử là nhân tố trung gian giữa nhận thức lịch sửhiện thực lịch sử. Giá trị của mọi công trình nghiên cứu, ở mức nhất định,đều tuỳ thuộc và đặt nền trên nguồn sử liệu được sử dụng trong công trình. Trên vấn đề này, yêu cầu đặt ra là, nhà nghiên cứu phải nắm vững và vận dụng sáng tạo các nguyên tắc cơ bản đặt ra cho quá trình khai thác, sưu tầm, tập hợp, xử lý, đưa vào sử dụng các nguồn sử liệu; phải tiếp tục đổi mới công tác thu thập và sử dụng tư liệu lịch sử quân sự, chú trọng các nguồn tư liệu ở các kho lưu trữ của trung ương và địa phương và tư liệu khai thác từ các nhân chứng lịch sử cũng như từ sách báo, tài liệu của nước ngoài có liên quan; phải nắm bắt, cập nhật những kết quả nghiên cứu của tác giả trong và ngoài nước, những tư liệu mới được phát hiện, mới được công bố... Dĩ nhiên, vấn đề tư liệu thường phức tạp và đòi hỏi không chỉ công sức, mà còn cần đến nguồn kinh phí lớn. Do đó, việc khai thác, bảo quản và sử dụng nguồn tư liệu cần đến sự phối hợp của hệ thống lưu trữ tư liệu, cũng như cần đến sự trợ giúp từ nhiều cơ quan khác nhau trong một mục đích chung, bên cạnh nỗ lực làm giàu vốn tư liệu lịch sử của những nhà nghiên cứu. Một nhà sử học chân chính phải ý thức được rằng, góp sức vào công tác xây dựng nguồn tư liệu lịch sử cũng là một trách nhiệm của người nghiên cứu, không chỉ đối với sử học nói riêng, mà còn đối với quá trình nhận thức lịch sử và tri thức lịch sử nói chung.
Đề cập đến vấn đề đổi mới phương pháp nghiên cứu, điều có ý nghĩa quyết định hàng đầu là nhân tố con người... Để đáp ứng ngày càng tốt hơn đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới, những người làm công tác nghiên cứu lịch sử quân sự phải luôn luôn ý thức đầy đủ và ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị, bản lĩnh trung thực, dũng cảm của một người viết sử; nỗ lực học tập, rút kinh nghiệm, nắm vững quan điểm sử học mácxít, vận dụng nhuần nhuyễn và sáng tạo cũng như luôn tìm cách nâng cao phương pháp luận sử học và phương pháp nghiên cứu chuyên ngành, xây dựng ý thức tìm tòi, tiếp cận những phương pháp nghiên cứu mới cũng như tìm cách vận dụng tốt các phương pháp sử học, đổi mới cách thức tiếp cận vấn đề, đổi mới cách thức trình bày, diễn đạt... Trong quá trình đó, cần tăng cường hợp tác khoa học dưới mọi hình thức với các nhà sử học trong nước và nước ngoài, với các viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm lưu trữ, thư viện lớn; phải chủ động nắm bắt để cập nhật kết quả và phương pháp nghiên cứu mới cũng như những phát hiện mới về sự kiện của các ngành thuộc khoa học xã hội - nhân văn mà trước hết là các ngành khoa học gần gũi với sử học quân sự như lịch sử Đảng, sử học dân tộc, khảo cổ học, dân tộc học...
Khoa học xã hội nói chung và sử học nói riêng hiện nay đã bắt đầu áp dụng các phương pháp định lượng vào trong các nghiên cứu của mình, đặc biệt ở những lĩnh vực như lịch sử kinh tế, lịch sử ruộng đất,... Bên cạnh đó, với sự phát triển của nghiên cứu liên ngành, sử học cũng đang có xu hướng du nhập thêm vào trong mình các lý thuyết và cách phân tích từ những ngành gần như văn hóa học, xã hội học, chính trị học, thậm chí cả luật học, văn bản học... Thực vậy, sự phát triển của sử học cần đặt trong dòng chảy đi tới của khoa học xã hội nói chung, để liên tuc kế thừa và phát huy các thành tựu nghiên cứu từ mọi ngành, liên tục bổ sung và làm mới phương pháp cũng như tri thức sử học. Bởi thế, khi đặt vấn đề vận dụng và đổi mới phương pháp nghiên cứu, biên soạn, cần thấy rằng, không một ngành khoa học nào có thể hoàn thiện ngay được phương pháp trong quá trình hình thành và phát triển. Vì thế, vận dụng và đổi mới phương pháp nghiên cứu, biên soạn lịch sử quân sự là một quá trình mà ở đó, sự kế thừa những thành quả và kinh nghiệm đã tích luỹ được, sự tiếp thu có chọn lọc và vận dụng sáng tạo phương pháp nghiên cứu của các ngành khoa học liên quan, sự mạnh dạn tìm tòi, đổi mới cách thức nghiên cứu, biên soạn... là những nội dung quan trọng nhằm tiến tới xây dựng phương pháp nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự Việt Nam ngày càng hoàn chỉnh hơn, để các công trình lịch sử quân sự ngày càng có chất lượng tốt hơn.



1. Thật ra, thuật ngữ này, có những cách hiểu không hoàn toàn giống nhau. Một số cho rằng, Phương pháp luận là toàn bộ những cách, những biện pháp, những nguyên tắc tổ chức của việc nghiên cứu; những tiêu chuẩn đúng để lựa chọn các thủ tục và kỹ thuật nghiên cứu. Một số khác - chẳng hạn như các tác giả Bách khoa toàn thư triết học Liên Xô (cũ), định nghĩa: "Phương pháp luận là một học thuyết triết học về các phương pháp nhận thức và cải tạo hiện thực, là sự vận dụng những nguyên lý của thế giới quan vào quá trình nhận thức, vào sự sáng tạo tinh thần nói chung và vào thực tiễn".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!