Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

“THỐNG NHẤT BÊN TRONG, TÌM BẠN BÊN NGOÀI” VÌ LỢI ÍCH QUỐC GIA, DÂN TỘC



PGS, TS Hồ Khang,
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Nhà nước VNDCCH ra đời – chính từ thời khắc lịch sử ấy, "nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập"[1]. Dân tộc Việt Nam bước vào cuộc hồi sinh vĩ đại, tuy nhiên, lịch sử cũng đặt đất nước trước những thách thức tồn vong – "Tổ quốc lâm nguy!". Trong tình thế ấy, Đảng, Nhà nước Việt Nam DCCH chủ trương "thống nhất bên trong, tìm bạn bên ngoài", "dĩ bất biến, ứng vạn biến", quyết tâm giữ vững độc lập, tự do.

1. Đoàn kết, thống nhất bên trong, xây dựng thực lực đất nước
Độc lập là vô giá, lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, tự do; nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân là bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền dân tộc là thiêng liêng. Trong cơn "nước sôi, lửa bỏng", khẩu hiệu "Tổ quốc trên hết!", "Dân tộc trên hết!" trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng, lời hiệu triệu đối với tất thảy quốc dân đồng bào, con dân đất Việt – những ai quý báu và trân trọng độc lập, tự do. Trên tinh thần "thống nhất bên trong", Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương “lập Mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược. Mở rộng Mặt trận Việt Minh cho nó bao gồm mọi tầng lớp nhân dân”[2]. Mặt trận Việt Minh ra sức củng cố các đoàn thể Cứu quốc, tích cực kết nạp nhiều tổ chức yêu nước của các tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, dân tộc. Tuy nhiên, trước yêu cầu cách mạng mới, Mặt trận Việt Minh phải được mở rộng hơn nữa. Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 5-1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam[3] (Mặt trận Liên Việt) được thành lập với mục đích thu hút, đoàn kết tất thảy những người có tinh thần yêu nước, tất cả các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước vô đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc, để làm cho nước Việt Nam Độc lập - Thống nhất - Dân chủ - Phú Cường. Trong giờ phút lịch sử tồn vong của quốc gia, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã gắn kết toàn thể dân tộc, gạt bỏ những mâu thuẫn giữa các xu thế chính trị, các tôn giáo, các giai cấp, thực hiện "đại đoàn kết rộng rãi, thành thực, vững chắc"[4].
Có lẽ bức tranh đại đoàn kết dân tộc sau ngày độc lập sẽ là không đầy đủ nếu không nói đến Tổng tuyển cử (6-1-1946) - ngày toàn thể quốc dân Việt Nam thông qua lá phiếu cử tri thiết thực bầu Quốc hội, thực thi quyền dân chủ, để “củng cố nền độc lập và chống ngoại xâm”. Đó cũng là hình thức “nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như­ một viên đạn”[5]. Mặt trận Việt Minh mời những ng­ười ngoài Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử và vận động tranh cử một cách thật sự dân chủ. Quốc hội khóa I ra đời là “kết quả của sự đoàn kết anh dũng, phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”[6]. Những hoạt động quan trọng đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam mới là lập Chính phủ chính thức và soạn thảo, thông qua Hiến pháp. Hồ Chí Minh đệ trình Quốc hội danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến “gồm có các đại biểu các đảng phái và các anh em không đảng phái”, để “một mặt có thể giúp ý kiến cho Chính phủ, một mặt có thể điều khiển quốc dân”[7]. Quốc hội “quyết định công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và trao quyền bính cho chính quyền ấy[8]. Hiến pháp 1946 được xây dựng trên nguyên tắc “đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”[9] được chuẩn y, củng cố cơ sở pháp lý, tính hợp hiến và hợp pháp của Nhà nước Việt Nam DCCH, tạo điều kiện xây dựng một nhà n­ước độc lập với người chủ thực sự là nhân dân.
2. Thương lượng, vãn hồi hòa bình và tích cực phá vây, tìm bạn bên ngoài
Nếu "thống nhất bên trong" là điều kiện cần, thì "tìm bạn bên ngoài " là điều kiện đủ và sự kết hợp chặt chẽ giữa hai điều kiện ấy tạo ra sức mạnh to lớn để bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia dân tộc. Nói cách khác, các mặt đối nội và đối ngoại phải được gắn kết chặt chẽ, thống nhất, tạo lập thế và lực cho đất nước trong một khoảng thời gian ngắn nhất. Lúc này, vấn đề chính quyền là vấn đề số một, cấp bách; vì vậy, Đảng chủ trương: "Củng cố chính quyền, dùng chính trị, ngoại giao, vũ khí cần thiết, đến dùng quân sự để giữ vững nền độc lập"[10].
Hiện thực hóa chủ trương trên, ngày 3-10-1945, Nhà nước Việt Nam DCCH đã chính thức ra Thông cáo về chính sách ngoại giao, chỉ rõ mục tiêu bất di, bất dịch là "đưa nước nhà đến sự độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn"[11] và "tất cả chính sách ngoại giao phải có mục đích cốt yếu là giúp cho sự tranh đấu ấy thắng lợi"[12]. Trên nguyên tắc "thêm bạn bớt thù", "biểu dương thực lực", "đối thoại và thương lượng hòa bình", Nhà nước Việt Nam DCCH đã thực hiện những bước đi sách lược khôn khéo - nhân nhượng, đối thoại với kẻ thù, tạm thời hoà hoãn với quân Tưởng, "chủ trương Hoa – Việt thân thiện, coi Hoa kiều như dân tối huệ quốc"[13], nhường cho quân Tưởng một loạt quyền lợi, song kiên quyết không để chúng can thiệp vào nội trị và xâm hại đến độc lập, tự do. Tuy nhiên, bất chấp thiện chí, mong mỏi hòa bình của Việt Nam, hai nước lớn Hoa - Pháp mua bán, trao đổi lợi ích, ký kết Hiệp ước tại Trùng Khánh (28-2-1946), "bắt nhân dân Việt Nam nhắm mắt nuốt chửng Hiệp ước Hoa – Pháp"[14], tạo điều kiện cho thực dân Pháp mở rộng chiến tranh, tái chiếm miền Bắc.
Đối với Hiệp ước Trùng Khánh, "dù nhân dân Đông Dương muốn hay không  muốn,  nhất  định chúng cũng thi hành Hiệp ước ấy"[15], nên vấn đề không phải là đánh hay không đánh, mà "là biết mình biết người, nhận một cách khách quan  những  điều  kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ  trương  cho  đúng"[16]. Trước thời khắc gay go, quyết liệt, đòi hỏi những hành động tỉnh táo, sáng suốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng CSĐD đã ra quyết sách lịch sử: Hòa để tiến. Sau những cuộc thương lượng và nhân nhượng có nguyên tắc, 16 giờ 30 phút chiều ngày 6-3-1946, lễ ký kết Hiệp định Sơ bộ Pháp - Việt đã diễn ra tại nhà số 38 phố Lý Thái Tổ, Hà Nội. Dù còn những điều bất lợi, song ký kết Hiệp định, Việt Nam đã đạt được những mục tiêu vô cùng quan trọng: Một là, biến thoả thuận tay đôi Hoa - Pháp thành thoả thuận tay ba Việt - Pháp – Hoa, kết thúc vai trò của lực lượng Tưởng Giới Thạch về mặt pháp lý trên đất Việt Nam, làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng; hai là, bảo toàn được thực lực, "dành được giây phút nghỉ ngơi để sửa soạn cuộc chiến đấu mới"[17].
Sau khi ký kết Hiệp định, Đảng, Nhà nước Việt Nam nỗ lực vãn hồi hòa bình, hướng tới hai tuyến đối ngoại chính: Nước Pháp (nhân dân Pháp, Quốc hội, Chính phủ Pháp...) và nhân dân thế giới, tổ chức quốc tế.
Với nước Pháp, người Pháp, Đảng và Chính phủ Việt Nam tỏ rõ sự hiểu biết, tình thân thiện giữa hai dân tộc, đề cao các lý tưởng tiến bộ của cách mạng Pháp - lý tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng; phân biệt rõ nhân dân Pháp yêu chuộng công lý, hoà bình với bọn thực dân xâm lược; phân biệt thực dân phản động với thực dân không phản động. Chính phủ Việt Nam kêu gọi người Pháp "thành thật cộng tác với Việt Nam một cách bình đẳng thân thiện"[18]. Với nhân dân thế giới, Việt Nam tuyên bố: "Việt Nam chỉ muốn hoà bình và độc lập, để cộng tác thân thiện với các dân tộc trên thế giới"[19]. Khi những xung đột diễn ra ở Đông Dương ngày càng găy gắt, Việt Nam thông báo tới Liên hiệp quốc, đề nghị hợp tác giải quyết, nhằm "vãn hồi hoà bình trong một phần thế giới này, để cho Hiến chương Đại Tây Dương được tôn trọng"[20].
Cũng cần nói thêm rằng, cùng với nỗ lực vãn hồi hòa bình, Đảng và Nhà nước Việt Nam sẵn sàng cho cuộc kháng chiến, vì Tổ quốc, vì độc lập tự do, "nhân dân Việt Nam kiên quyết kháng chiến đến cùng"[21]; "quyết tự vệ đến giọt máu cuối cùng (…) quyết không chịu mất nước làm nô lệ thực dân lần nữa"[22], quyết chiến đấu vì một nền hòa bình chân chính và bền vững.
3. "Thống nhất bên trong, tìm bạn bên ngoài" – nguyên tắc bất biến
Với những nỗ lực vượt bậc, trong những thời khắc khó khăn nhất, khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng được mở rộng, tạo nên sức mạnh nội lực, làm nên những kỳ tích lịch sử: Giữ vững chính quyền cách mạng; củng cố, xây dựng thực lực, bảo vệ vững chắc thành quả Cách mạng tháng Tám, thiết lập quan hệ đối ngoại, phá vây ra với thế giới. Sau hơn một năm chèo lái, đất nước đã sẵn sàng để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Như vậy, cân nhắc cẩn trọng các điều kiện chủ quan, khách quan, lợi dụng triệt để mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương, Đảng, Nhà nước Việt Nam DCCH chủ trương nhượng bộ có nguyên tắc để phá thế bế tắc, vượt qua khó khăn, tranh thủ thời gian, bảo toàn thực lực, biến thời gian thành lực lượng vật chất, tiếp tục xây dựng, biểu dương thực lực, bảo vệ vững chắc chế độ mới. Chủ động, độc lập, tự chủ trong đường lối và kiên quyết hành động, Nhà nước VNDCCH – Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á đã không đứng yên chờ đợi, chịu sự chi phối, định đoạt số phận từ các nước lớn, mà kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực, vừa củng cố sức mạnh trong nước, vừa vận dụng ngoại giao đa phương để bảo vệ lợi ích của mình, tranh thủ mọi cơ hội, ứng phó linh hoạt, vươn ra với thế giới, làm cho mình nhiều bạn và ít kẻ thù hơn bao giờ hết. Nắm vững quy luật cách mạng, nắm vững thời và thế, dựa trên sức mạnh đoàn kết và ý chí dân tộc, đề cao chính nghĩa, đạo lý và nhân nghĩa, Nhà nước Việt Nam DCCH chủ trương tránh đối đầu, xung đột vũ trang, nỗ lực vãn hồi hòa bình, lấy tính nhân văn của tinh thần Việt Nam, truyền thống, văn hóa Việt Nam ứng phó, đương đầu với ngoại giao trên thế mạnh của các nước lớn. Đề cao các giá trị nhân văn của dân tộc và nhân loại.
Hiện nay, quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, phức tạp trước sự vận động, biến đổi nhanh chóng, khó lường của tình hình thế giới, của các mối quan hệ quốc tế. Để đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc, cần nhận thức rằng, trên con đường hội nhập, phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt khi vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã khác trước, Việt Nam ngày càng được cộng đồng quốc tế tin tưởng, giao phó các trọng trách ở các tổ chức đa phương, nhưng thời cơ và thách thức vẫn đan xen, tích cực và tiêu cực vẫn tồn tại, tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo vẫn gay gắt, thì càng cần nắm vững, vận dụng nhuần nhuyễn nguyên tắc chính trị "thống nhất bên trong, tìm bạn bên ngoài" – thực hiện đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế, kết hợp nội lực, ngoại lực trong từng bước đi, trong từng bước phát triển.


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 12.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 26.
[3]Hội đã nhất trí cử cụ Huỳnh Thúc Kháng là Hội trưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là Hội trưởng danh dự. Phó Hội trưởng là nhà cách mạng nổi tiếng Tôn Đức Thắng.
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Sđd, tr. 71.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Sđd, tr. 7145.
[6]Quốc hội n­ước CHXHCN Việt Nam, Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.41.
[7] Quốc hội n­ước CHXHCN Việt Nam, Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập 1, tr.47.
[8]Lê Mậu Hãn - Nguyễn Văn Th­ư, Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.74.
[9] Viện Luật học, Sơ thảo lịch sử Nhà n­ước và pháp luật Việt Nam (từ Cách mạng tháng Tám đến nay), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983, tr. 391.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb.  Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 6.
[11]Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Báo Cứu quốc, ngày 3-10-1945, tr.1.
[12] Bộ Ngoại giao, Những văn bản chính của Hội nghị Genava, Sdđ, tr. 25.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 27 .
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 42 .
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 41.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 44.
[17] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr.45.
[18] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Sdđ, tr. 458.
[19] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sdđ, tr. 22.
[20] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Sdđ, tr. 71.
[21] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sdđ, tr. 23.
[22] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sdđ, tr. 118.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!