Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

CỐ KẾT DÂN TỘC-MỘT TRUYỀN THỐNG BỀN VỮNG CỦA VĂN HÓA DỰNG NƯỚC VÀ GlỮ NƯỚC VIỆT NAM



HỒ KHANG & LÊ THANH BÀI
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam, cố kết dân tộc là truyền thống bền vững nổi trội, chiếm giữ một vai trò cực kỳ quan trọng. Đó là sản phẩm của cả một quá trình chung lưng đấu cật, làm ăn sinh sống, chống thiên tai và ngoại xâm của nhân dân Việt Nam. Đó vừa là kết quả, vừa là động lực của sự hình thành, lớn mạnh của quốc gia, dân tộc Việt Nam trong trường kỳ lịch sử.
Sẽ không thể hình dung và lý giải đầy đủ sức sống bền bỉ, mãnh liệt của dân tộc Việt Nam, văn hóa Việt Nam nếu không đề cập tới cố kết dân tộc vối tư cách là một trong những giá trị truyền thống của văn hóa dựng nước và giữ nước Việt Nam.

Nằm ở phía đông của bán đảo Đông Dương, Việt Nam là đất nưc thuộc miền khí hậu nhiệt đới gió mùa, thuận lợi cũng lắm mà khắc nghiệt, tai ương cũng nhiều. Nhưng nhiều hơn những cái nhiều ấy là thử thách nghiệt ngã đe dọa sự tồn vong của giống nòi, dân tộc do nạn xâm lăng thường trực của các thế lực từ bên ngoài gây nên. Chính vì lẽ đó, tư thế chung của người Việt Nam trong lịch sử là phải sớm cố kết lại và phải luôn luôn tăng cường sự cố kết để có đủ sức mạnh đương đầu, chống trả với thiên nhiên và giặc giã, gìn giữ cuộc sống bình yên.
Từ buổi đầu dựng nước, do nhu cầu tồn tại và phát triển, các bộ tộc thuộc nòi giống Lạc Việt sinh sống trên cùng một địa vực-bao gồm châu thổ các dòng sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, sông Lam-sớm cố kết lại, gắn bó với nhau trong một lợi ích chung. Sự gắn bó này đã dẫn đến việc ra đời nhà nước sơ khai có tên là Văn Lang. Văn Lang là quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam. Từ đó, bắt đầu một thời đại mới trong lịch sử Việt Nam: thời đại các vua Hùng dựng nưóc. Ngày nay, quan sát những trống đồng cổ-thành tựu nổi bật của văn hóa Đông Sơn thời đại các vua Hùng-người ta nhận thấy ánh lên từ những hình họa, những mô típ trang trí trên mặt trống, trên tang trống cảnh làm ăn, sinh sống thấm đẫm sự hòa đồng mộc mạc, sự cố kết bền chặt của cư dân thời đó. Ớ một hướng tiếp cận khác, các nhà nghiên cứu thời đại các vua Hùng, bằng phương pháp chuyên ngành, đã chú ý lần gỡ, bóc tách những màng bọc hư thực bao quanh nhiều câu chuyện cổ xuất hiện ở thời kỳ lịch sử này để tìm ra lõi cốt sự thật tàng ẩn trong đó. Một cách tiếp cận như thế cho phép rút ra nhận xét từ các truyền thuyết như Âu cơ-Lạc Long quân, Thánh Gióng, Sơn tinh-Thủy tinh... là ý thức về cội nguồn chung, tinh thần cố kết cộng đồng trong cuộc sống chiến đấu, lao động của cư dân thời Hùng vương đã rất đậm nét, rất bền chặt.
Trên thực tế, nếu những câu chuyện cổ như Âu cơ, như Thánh Gióng đánh giặc Ân còn trong địa hạt huyền sử thì cuộc kháng chiến 10 năm của cư dân Việt cổ chống Tần vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên đã được ghi chép trong lịch sử thành văn. Trong cuộc kháng chiến đó, vai trò của nhân dân- cụ thể hơn là của người Âu và người Lạc-là rất to lớn. Điều quan trọng là ở chỗ qua cuộc kháng chiến này, nặng thêm tính chiến đấu và sâu sắc hơn sự cố kết giữa những cư dân Việt cổ. Đó chính là một trong những nhân tố rất căn bản làm xuất hiện nhà nước Âu Lạc thay cho nước Văn Lang của các vua Hùng mà người đứng đầu nhà nước mới này là Thục phán An Dương Vương. Ngay tên nước cũng đã phản ánh sự hợp nhất chặt chẽ giữa hai thành phần Việt tộc-hợp nhất trong một kết cấu chính trị-xã hội của văn minh Việt cổ…
Như thế, cùng với quá trình ra đời của nhà nước Văn Lang rồi Âu Lạc, sự cố kết trong nội bộ các bộ tộc Việt cổ đã thực sự trở nên 'bền chặt, ý thức cộng đồng, ý thức dân tộc trùm lên ý thức bộ tộc, đã hình thành. Đấy chính là lõi cốt của lòng yêu nước Việt Nam, văn hóa Việt Nam-điều kiện quan trọng bậc nhất để Việt Nam có đủ bản lĩnh, sức sống và sức mạnh vượt qua bao thử thách nghiệt ngã và khốc liệt của hơn nghìn năm đô hộ và đồng hóa của phương Bắc, giành lại chủ quyền, tiến lên xây dựng quốc gia phong kiến tập quyền tự chủ, tổ chức thành công các cuộc kháng chiến chống xâm lược Tống, Nguyên-Mông, Minh, Thanh, Xiêm... bảo vệ vững chắc biên cương, bờ cõi.
Nhưng cố kết dân tộc không chỉ được biểu hiện trong công cuộc chống ngoại xâm. Trong thời bình, trong xây dựng đất nước, trong cuộc sống thường nhật, nó được biểu hiện trong ý thức, trong lối sống, trong cung cách ứng xử... của người dân trên mọi miền đất nước. Đó là sự cưu mang, đùm bọc, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, lúc bình thường cũng như trong khó khăn, hoạn nạn. "Lá lành đùm lá rách", "tối lửa tắt đèn có nhau", "tình làng, nghĩa xóm"... là biểu hiện cụ thể của sự cố kết dân tộc trong phạm vi một cộng đồng, một làng xã. Đó là cơ sở cho một tình cảm rộng lớn hơn, thương người như thể thương thân: "Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn". Rồi là: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng". Và trong cuộc sống thường nhật, dù hai sương một nắng trên ruộng đồng hay ngược xuôi làm ăn nơi quê người, đất khách... thì mọi người Việt Nam, trong tâm khảm, vẫn có chung một miền đất tổ, vẫn nhớ về ngày giỗ Tổ hàng năm: "Dù ai đi ngược, về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba".
Chính ý thức cộng đồng đó, chính lối sống thấm đẫm nghĩa tình đó đã nâng đỡ, an ủi rất nhiều những kẻ tha phương, những ai lỡ một độ đường, những người mà số phận gặp run rủi, khốn khó... Và đấy cũng chính là tính nhân văn cao cả của lối sống Việt Nam, văn hóa Việt Nam.
Tính nhân văn cao cả, sức cố kết cộng đồng đó của dân tộc Việt Nam mạnh mẽ đến nỗi tỏa bóng xuống cả tôn giáo, tín ngưỡng, một lĩnh vực rất hay bị chia rẽ và thường bị những kẻ thù của dân tộc lợi dụng. Nói cách khác, truyền thống cố kết dân tộc là nhân tố chi phối mọi mối quan hệ dọc, ngang trong xã hội Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Không có một dân tộc nào lại có nhiều thứ đạo cùng được tồn tại trong một gia đình, một làng, một xã mà tình cảm làng xóm, láng giềng, anh em, họ mạc vẫn thắm thiết, đậm đà như ở Việt Nam. Ở Việt Nam, tôn giáo, tín ngưỡng là đoàn kết, kính chúa yêu nước, tốt đời, đẹp đạo (chúng tôi xin gác vấn đề này lại cho bài viết sau).
Trên thực tế, cố kết dân tộc chưa bao giờ và không bao giờ là một nhân tố tự thân. Nói cách khác, quá trình hình thành và phát triển của nó luôn luôn gắn bó chặt chẽ với những điều kiện lịch sử cụ thể. Thời nào cũng thế, nếu người đứng đầu nhà nước và giai cấp nam quyền thường xuyên chăm lo tới sự vững bền của quốc gia, ra sức phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để nâng cao mức sống của nhân dân và tăng cưòng sức mạnh quốc phòng từ trong thời bình... thì lòng dân yên ổn, thế nước vững mạnh. Ngược lại, nếu triều đại nào đặt lợi ích của vương triều mình lên trên lợi ích của dân tộc, không chăm lo đến đời sống của muôn dân, không đề ra và tổ chức thực hiện được những đường lối; chính sách nhằm ổn định và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... thì sớm muộn, xã hội sẽ xáo động, đời sống khó khăn, lòng người ly tán, sự cố kết dân tộc bị ảnh hưởng, thế nước sa sút. Đó cũng chính là lúc kẻ thù bên ngoài thường nhòm ngó, phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam. Vì thế, trước khi qua đời, Trần Hưng Đạo-người anh hùng của ba lần đánh tan quân Nguyên-Mông-đã dặn lại vua Trần :“Khoan thư sức dân lấy kế sâu rễ, bền gốc là thượng sách giữ nước". Lịch sử Việt Nam còn ghi, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đã từng phải thốt lên những lời bi thảm với vua cha Hồ Qúy Ly khi đất nước đang đứng trước họa xâm lược của quân Minh :"Thần không sợ giặc, chỉ sợ đánh giặc mà dân không theo". Mất lòng dân là mất nước. Từ bài học đau xót đó của triều Hồ, Lê Lợi- Nguyễn Trãi-linh hồn của khởi nghĩa Lam Sơn-đã nêu cao đại nghĩa, "tập hợp khắp bốn phương manh lệ", biến cuộc khởi nghĩa từ chốn núi rừng Thanh Hóa thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, tập hợp sức mạnh của cả nước, đánh tan quân Minh, khôi phục nền độc lập, mở ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ và toàn diện đất nước, khiến cho suốt hơn 300 năm, đất nước vắng bặt bóng quân thù xâm lược.
Cố kết dân tộc, đoàn kết toàn dân, như đã nói ở trên, là một trong số những nhân tố thường xuyên quyết định sự trường tồn vững mạnh của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam. Vì thế, kẻ thù của dân tộc, của nhân dân luôn tìm mọi cách và không từ một thủ đoạn nào hòng phá hoại khối đại đoàn kết đó. Trước và trong quá trình tiến hành chiến tranh xâm lược, chúng thường câu kết, móc nối với một số phần tử, một số thế lực phản động bên trong hòng lung lạc, lôi kéo một bộ phận nhân dân. Trong quá trình thiết lập ách thống trị, chúng thực hành chính sách chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo, chia rẽ giữa các miền để dễ bề thống trị, thậm chí, chúng còn thi hành nhiều biện pháp đồng hóa tàn bạo hòng xoá bỏ nền văn hóa của dân tộc Việt Nam, qua đó triệt phá tận gốc ý thức dân tộc và ý chí tự cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam.
Về phương diện đó, như lịch sử đã chứng tỏ, dân tộc Việt Nam đã không hề bị vong thân qua hơn ngàn năm Bắc thuộc, 20 năm đô hộ của nhà Minh và 80 năm đô hộ của thực dân Pháp... Ngược lại, ý thức dân tộc, nền văn hoá dân tộc vẫn ngày càng lớn lên, ngày càng phát triển, trở thành động lực to lớn đánh bại ngoại xâm, phục hưng đất nước. Trên ý nghĩa này, chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975, non sông thu về một mối là thắng lợi của ý chí độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam, của văn hoá dựng nước và giữ nước Việt Nam. Ý chí đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định :"Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi".


Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!