Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

MIẾN NAM TRONG TƯ TƯỞNG VÀ TÌNH CẢM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH



PGS,TS.Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Dẫn nhập
Hơn 20 năm sau khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, trong tác phẩm Nhìn lại quá khứ, tấn thảm kịch và bài học Việt Nam, Mc Namara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, người phục vụ qua hai đời Tổng thống Ken-nơ-đi và Giôn-xơn, đã thừa nhận rằng nước Mỹ “không nhận ra được những hạn chế của các thiết bị quân sự trong sự đối đầu với những trào lưu nhân dân được thúc đẩy cao”… “đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩu Việt Nam đấu tranh và hi sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó”. Nhận xét này, dù còn phiến diện, phần nào đã chạm tới sự thực: sức mạnh của lòng yêu nước, của “trào lưu nhân dân được thúc đẩy cao” mà thực chất là khối đại đoàn kết toàn dân, được tập hợp dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Hồ Chí Minh.

Sau này, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng kết luận: “Việt Nam dân chủ cộng hòa đã nắm được ngọn cờ dân tộc và chống thực dân…”. Lần dở lại những trang sử, ngẫm nghĩ sự kiện liên quan tới thời đại anh hùng trong 30 năm kháng chiến của dân tộc, ta càng thấy rõ hơn những nhân tố làm nên sức mạnh Việt Nam: đó là lòng yêu nước; niềm tin son sắt vào Đảng Cộng sản, vào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp chính nghĩa vì Tổ quốc, vì độc lập, tự do, thống nhất dân tộc.

Độc lập - tự do - thống nhất, từ ngàn xưa, vốn là khát vọng tiềm tàng cháy bỏng trong các thế hệ người Việt yêu nước. Đó là một đảm bảo giúp dân tộc Việt Nam không bị vong thân qua hơn nghìn năm Bắc thuộc, 20 năm đô hộ của nhà Minh, 80 năm đô hộ của thực dân Pháp. Đó cũng là động lực để quy tụ lòng người, đoàn kết muôn dân, đánh bại ngoại xâm, phục hưng đất nước. Nhưng khát vọng đó chỉ biến thành sức mạnh lịch sử hiện thực mỗi khi trong lịch sử xuất hiện nhưng tư tưởng lớn không chỉ đại diện cho khát vọng đó, mà còn kết nối nó với thời đại. Một tư tưởng như vậy là sự phát triển tinh thần dân tộc trong việc giải quyết những vấn đề của thời đại ấy. Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là một tư tưởng như thế.
Trong bài viết này, thông qua tư tưởng Hồ Chí Minh đối với miền Nam, chúng tôi muốn trình bày hai đặc tính căn bản làm nên xương sống cho toàn bộ hệ thống tư tưởng của Hồ Chí Minh, cũng là hai đặc tính nổi bật của xã hội Việt Nam nói chung cũng như mỗi con người Việt Nam nói riêng trong thời đại mới: Tinh thần dân tộc độc lập – thống nhất tình yêu thương đồng bào sâu sắc.
1.Tinh thần dân tộc độc lập - thống nhất: “Nam Kỳ là đất Việt Nam. Đó là thịt của thịt Việt Nam, máu của máu Việt Nam”
Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Nước An Nam là một nước có chung một dân tộc, chung một dòng máu, chung một phong tục, chung một lịch sử, chung một truyền thống, chung một tiếng nói”. Nguyễn Ái Quốc vạch trần “chính sách chia để trị cổ truyền” của thực dân Pháp hòng chia cắt đất nước Việt Nam, tiêu diệt  tinh thần dân tộc, “ngăn cản việc  thống  nhất  nước nhà, ngăn cản dân tộc ta đoàn kết”[1]. Trong tư tưởng và tình cảm của Nguyễn Ái Quốc, độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn liền với thống nhất non sông; độc lập dân tộc gắn liền với ấm no, hạnh phúc của nhân dân và suốt cuộc đời cách mạng.
 Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước thế giới nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Thế nhưng, chỉ hơn nửa tháng sau, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa,; chúng âm mưu tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam. Trước hành động đó của thực dân Pháp, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”[2]. Chân lý đó, ý chí đó đã trở thành lời hịch thấu động đến tâm can  mỗi người dân Việt Nam yêu nước, trở thành động lực tinh thần, ý chí cách mạng vô cùng to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước....
Chính trong những ngày Nam Bộ sục sôi kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động trong cả nước một phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến. Theo tiếng gọi của non sông, hàng vạn thanh niên nô nức lên đường vào Nam đánh giặc. Phong trào “Nam tiến” là hình ảnh tiên biểu cho ý chí, khát vọng lớn lao của cả dân tộc đối với sự nghiệp thống nhất, độc lập tổ quốc. Trên mặt trận ngoại giao, Hồ Chí Minh kiên trì, cương quyết đấu tranh với mọi thủ đoạn chia cắt đất nước của kẻ thù, giữ vững lập trường một nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Hiệp định 6-3-1946, rồi cuộc hành trình sang Pháp của Hồ Chí Minh và Tạm ước 14- 9-1946 đều khẳng định với thế giới sự tồn tại của nước Việt Nam thống nhất, có chủ quyền; thiết tha với hoà bình, mong muốn sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, nhất là nhân dân Pháp
 Khi thực dân Pháp bội ước, quyết phá hoại sự thống nhất của Tổ Quốc Việt Nam, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định chân lý: “Nam Kỳ là đất Việt Nam. Đó là thịt của thịt Việt Nam, máu của máu Việt Nam”[3]. Trong lời tuyên bố trước quốc dân tháng 10-1946, Hồ Chí Minh nói: “Không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta...Một ngày mà Tổ quốc chưa được thống nhất, đồng bào còn chịu nhiều đau khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: Với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam Bộ yêu quí nhất định trở lại trong lòng Tổ quốc”[4]. Hồ Chí Minh truyền quyết tâm, ý chí thống nhất Tổ quốc, tình cảm đoàn kết dân tộc Nam Bắc một nhà cho đồng bào, chiến sĩ cả cả nước và khẳng định: “Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: quyết không làm nô lệ. Chỉ có một chí: quyết không chịu mất nước. Chỉ có một mục đích: kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”[5]. Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, không năm nào Hồ Chí Minh không gửi thư cho đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ, động viên đồng bào chiến sĩ kháng chiến vì thống nhất Tổ quốc. Trong bức thư gửi đồng bào miền Nam ngày....., Hồ Chí Minh viết: “Lòng Hồ Chí Minh và chính phủ, cùng toàn thể quân đội và nhân dân các nơi luôn ở bên cạnh các bạn, theo dõi các bạn, yêu mến các bạn”[6].
Những lời kêu gọi của Hồ Chí Minh đã trở thành lời hiệu triệu mạnh mẽ đối với toàn thể đồng bào miền Nam, như lời người mẹ có con tập kết ra Bắc: “Con ra thưa với Cụ Hồ: Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao”. Có lẽ, chỉ có tình yêu thương đồng bào sâu sắc mới có thể khiến mỗi lời hiệu triệu đó trở thành những viên đá xây nên thành trì nhân dân.
2. Tình yêu thương đồng bào sâu sắc: “Miền Nam trong trái tim tôi”
Đối với Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam ruột thịt không những là nhiệm vụ chính trị thiêng liêng mà còn là tình cảm sâu nặng. Hồ Chí Minh nói: “Miền Nam trong trái tim tôi”. Ngay trong những ngày đầu miền Bắc lập lại hoà bình, miền Nam còn ở dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, Hồ Chí Minh đã nêu rõ nhiệm vụ nhất quán của cách mạng Việt Nam là phải thực hiện thống nhất, hoàn toàn độc lập và dân chủ trong cả nước. Người khẳng định: “Nước Việt Nam ta nhất định phải thống nhất, đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà....Đấu tranh cho thống nhất là con đường sống của nhân dân Việt Nam”[7]. “Dân tộc ta là một, nước Việt Nam là một. Nhân dân ta nhất định sẽ vượt qua tất cả mọi khó khăn và thực hiện kỳ được thống nhất đất nước, Nam Bắc một nhà”[8].
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng CSVN, Hồ Chí Minh động viên đến mức cao nhất sức mạnh dân tộc để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; kêu gọi đồng bào miền Bắc “phải làm việc bằng hai để đền đáp lại đồng bào miền Nam ruột thịt”; nhắc nhở nhân dân nhớ tới miền Nam, sao cho mỗi việc làm đều có  ý nghĩa thiết thực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam; góp phần vào tốc độ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tức là góp phần cho cuộc đấu tranh anh dũng.
Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hình ảnh miền Nam yêu quí lúc nào cũng ở trong trái tim Hồ Chí Minh. Miền Nam trong vòng khói lửa ngày nào, Hồ Chí Minh đau lòng ngày ấy. Trong một lần tiếp phóng viên Cuba, Hồ Chí Minh đã đặt tay lên ngực mình và nói: "Nhân dân miền Nam, mỗi nhà, mỗi người đều có một nỗi đau. Đem cộng tất cả những nỗi đau đó lại thì đấy là nỗi đau của tôi!". Dường như ngày nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gọi điện cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp để hỏi về tình hình chiến sự ở miền Nam. Hồ Chí Minh vui mừng khi có tin thắng trận, rơi lệ mỗi khi nghe tin đồng bào miền Nam bị giết hại; khi nghe kể những gương chiến đấu anh dũng của đồng bào Nam Bộ; khi được gặp các đại biểu từ miền Nam ra thăm Thủ đô Hà Nội.
Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc là lẽ sống của Hồ Chí Minh, là nhiệm vụ thiêng liêng mà Hồ Chí Minh đặt ra cho mình. Một ngày miền Nam chưa được giải phóng, Tổ quốc chưa được thống nhất, Hồ Chí Minh coi như chưa hoàn thành nhiệm vụ của “một người lính vâng lệnh quốc dân”. Năm 1963, khi được tin Quốc hội tặng Huân chương cao quí nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Hồ Chí Minh đã cảm ơn Quốc hội và nói: “Đồng bào miền Nam thật là những người con anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Miền Nam thất xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” và xứng đáng được tặng Huân chương cao quí nhất. Vì lẽ đó tôi xin Quốc hội chờ đến chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình, thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quí. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”[9]
Có thể nói, suốt mấy chục năm ròng không khi nào Hồ Chí Minh không nhớ đến miền Nam và từng ngày, từng giờ, trong từng công việc lớn nhỏ, cho đến cả lúc lâm bệnh nặng Hồ Chí Minh vẫn tỏ rõ tình cảm thiêng liêng, sâu nặng ấy. Những năm tháng cuối đời, tuy tuổi cao sức yếu nhưng Hồ Chí Minh vẫn cố gắng luyện tập đi bộ, leo dốc với ý định vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Rất nhiều lần Hồ Chí Minh đã khẩn thiết yêu cầu tổ chức để Hồ Chí Minh vào miền Nam. Nhưng nhận thấy sức khỏe của Hồ Chí Minh không đảm bảo nên Bộ Chính trị phải tìm cách trì hoãn. Lúc bị lâm mệt nặng, cứ sau cơn hôn mê, lúc tỉnh dậy, câu hỏi đầu tiên của Hồ Chí Minh là: “Hôm nay đồng bào miền Nam đã thắng đến đâu?”
Tư tưởng, tình cảm của Hồ Chí Minh đối với đồng bào miền Nam ruột thịt chính là thể hiện tình cảm, ý chí của Hồ Chí Minh về một nước Việt Nam độc lập thống nhất vẹn toàn; là sự  hoà quyện giữa lý trí và tình cảm cách mạng của nhân dân Việt Nam. Đó không chỉ là ước mơ, khát vọng ngàn đời của mỗi người dân đất Việt mà còn là yêu cầu khách quan của sự tồn tại và phát triển đất nước. Tư tưởng, tình cảm và hành động của Hồ Chí Minh vì thế có sức thuyết phục to lớn, trở thành mục tiêu, lý tưởng, thành khẩu hiệu động viên, cổ vũ nhân dân Việt Nam làm nên kỳ tích vĩ đại: Đánh thắng mọi kẻ thù, đưa đến thắng lợi “Độc lập, thống nhất toàn vẹn” của đất nước. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng đúc kết: “Có thể khẳng định được rằng tình cảm của Bác Hồ với miền Nam, tình cảm của miền Nam đối với Bác Hồ là một nhân tố chính yếu đã làm nên chiến thắng trong sự nghiệp đánh Pháp, đánh Mỹ của nhân dân miền Nam, một nhân tố dẫn đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”[10]
3. Một bức thư, nhiều tâm tình
Chúng tôi muốn thay lời kết của mình bằng bức thư vào những năm tháng cuối đời Hồ Chí Minh gửi cho Tổng Bí thư Lê Duẩn. Bức thư tự nó đã nói lên đầy đủ những gì cần hiểu:
Chú Duẩn thân mến,
Nhớ lại hồi Nôen năm ngoái, Chú có ý khuyên B.* đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn, B. rất tán thành.
Nhưng nay chỉ đổi chữ "sau" thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thăm khi anh em trỏng**) đang chuẩn bị mở màn thứ ba. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em.
Cách đi, B. sẽ làm công trên một chiếc tàu thuỷ. Cùng đi sẽ có hai chú Bảo và Kỳ. Việc này B. tự thu xếp, dễ thôi.
Lúc đến anh em trỏng chỉ phụ trách đón khi tàu cặp bến Miên và đưa B. đến nhà anh Sáu, anh Bảy.
ở lại. Tuỳ điều kiện mà quyết định: ít là mấy ngày, nhiều nhất cũng chỉ trong một tháng. Hoạt động thế nào, sẽ cùng anh em trỏng bàn định.
Có lẽ Chú và đồng chí khác e rằng sức khoẻ của B. không cho phép B. đi chơi xa. Nhưng, thay đổi không khí, hô hấp gió biển và sinh hoạt với quần chúng trong hoàn cảnh chiến đấu sẽ giúp sức khoẻ tiến bộ mau hơn.
Lịch trình đi thăm - cần mươi ngày để chuẩn bị.
Vượt biển độ 6 ngày.
Từ bến tàu đến địa điểm độ dăm hôm.
Vậy nhờ Chú tính ngày cho khớp, một mặt cho B. biết trước để chuẩn bị, một mặt cho anh em trỏng biết để chờ đón…”[11].

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2009, tr 116.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, tập 4 , tr 216.
[3] Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 3, Nxb CTQG,H, 1993, tr 254
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, tập 4 , tr 419
[5] Hồ Chí Minh, Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Nxb Sự Thật, H, 1973, t3, tr.2
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, tập 4 , tr 424.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sdd, tập 9 , tr 51.
[8] Hồ Chí Minh tuyển tập, Nxb Sự thật, H,1980, tập 2, tr 185.
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t 11, Sđd, tr 62
[10] Miền Nam nhớ mãi ơn Người (Hồi kí của nhiều tác giả), Nxb Mũi cà Mau, Tp HCM, 1998, tr 11.
*: B là Bác
**: Cách gọi thân mật
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12,  NXB CTQG, HN, 2000, tr333

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!