Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI 1950: BƯỚC TIẾN MỚI CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN VIỆT NAM



PGS.TS. Hồ Khang
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950 là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) của nhân dân Việt Nam. Bằng chiến thắng đó, Việt Nam đã phá vỡ thế bị bao vây bốn mặt, đưa cuộc chiến đấu bước sang một giai đoạn phát triển mới. Gắn với chiến công này là sự phát triển của lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

1. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, đứng trước nạn “thù trong, giặc ngoài” và nguy cơ của một cuộc chiến tranh mới mà Đảng CSĐD đã lường định là sẽ vô cùng khó khăn, gian khổ, lâu dài và khốc liệt, Chính phủ Việt Nam DCCH lập tức đặt trọng tâm công việc quân sự là xây dựng và tăng cường lực lượng vũ trang. Lúc này, xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng CSĐD, của Hồ Chí Minh và tinh thần cách mạng hăng hái của nhân dân, lực lượng dân quân, tự vệ phát triển nhanh chóng, trở thành một lực lượng rộng khắp thành “bức tường sắt của Tổ quốc”[1]. Giải phóng quân Việt Nam cũng được chấn chỉnh, mở rộng, đổi tên là Vệ quốc đoàn. Bộ đội địa phương vào những tháng cuối của năm 1949 được thành lập, phát huy vai trò nòng cốt của mình. Cuối năm 1949, trong bước chuyển sang vận động chiến, một số đại đoàn ra đời[2], là dấu hiệu khẳng định bước phát triển từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy, tiến tới thực hành đánh tiêu diệt chiến lược của đối phương. Như vậy, từ quân số 8 vạn những ngày đầu kháng chiến, đến cuối nǎm 1949, bộ đội thường trực đã lên tới 23 vạn, được tổ chức thành các đại đoàn chủ lực, được trang bị tương đối hoàn chỉnh. Dân quân du kích có trên 3 triệu người phối hợp với bộ đội địa phương tích cực đánh địch trong vùng tạm chiếm. Có thể nói rằng, từ nửa cuối năm 1949, ba thứ quân của các lực lượng vũ trang nhân dân thực sự hình thành và đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân, từ “cái hạt giống bé nhỏ” là Giải phóng quân ngày nào, đã “nảy nở thành cái rừng to lớn là Vệ quốc quân”[3].
Năm 1950, tình hình cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam tiếp tục có bước phát triển, thực dân Pháp rơi vào thế lúng túng. Quân và dân Việt Nam bước vào năm 1950 với một khí thế mới trong điều kiện cách mạng thế giới phát triển nhanh chóng. Nhằm giành một thắng lợi lớn về quân sự, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, đẩy mạnh cuộc kháng chiến, nối thông với phe dân chủ thế giới, Đảng CSĐD quyết định mở chiến dịch Biên giới. Với quyết tâm “chỉ có thắng, không có bại”, sáng ngày 16-9-1950, Quân đội nhân dân Việt Nam tiến công cứ điểm Đông Khê – bắt đầu trận đánh mở màn chiến dịch. Với ba trận đánh then chốt[4], ngày 14-10-1950, chiến dịch kết thúc thắng lợi. Chiến thắng Biên giới vẻ vang là kết quả hội tụ rất nhiều điều kiện khác nhau, phản ánh một bước tiến mới của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, đó là:
1). Chuẩn bị kỹ càng lực lượng mọi mặt cho chiến dịch
 Trước khi chiến dịch mở màn, hè năm 1950, các lực lượng chủ chốt[5] của chiến dịch được tập trung huấn luyện kỹ càng về chiến thuật, kỹ thuật, đồng thời chấn chỉnh về chính trị và bên chế thống nhất các đơn vị. Không chỉ có thế, sát ngày chiến dịch bắt đầu, lực lượng tiếp tục được huy động tối đa, bao gốm các Trung đoàn pháo binh 95, Tiểu đoàn bộ đội địa phương 426, 428, 888 và các đại đội địa phương, dân quân, du kích hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Có thể thấy, đây là lần đầu tiên, hầu hết các đơn vị chủ lực được huy động vào một chiến dịch. Còn đối với trận đầu (trận Đông Khê), phía Việt Nam tập trung ưu thế lực lượng gấp chín lần lực lượng đối phương[6]. Việc tăng cường hậu cần, vũ khí cũng được chú trọng, các loại vũ khí được bổ sung, trang bị thống nhất, thuận tiện cho việc sử dụng và tiếp tế đạn dược. Các công việc sửa đường, vận tải, đảm bảo giao thông, liên lạc được chuẩn bị chu tất.
2). Công tác điều nghiên chiến trường được đảm bảo cao
Ngay từ đầu năm 1950, Trung ương Đảng CSĐD đã chỉ thị phải điều tra, khảo sát chiến trường cho thật tốt, thật đầy đủ. Vì thế, công tác nghiên cứu, điều tra chiến trường đã hoàn thành ở mức tốt nhất. Phía Việt Nam đã nắm đầy đủ, chính xác các thông tin về địa hình, địa vật, về số lượng quân định, về bố trí lực lượng, về hậu tại chỗ… tạo điều kiện để lựa chọn kế hoạch tác chiến[7] phù hợp, chuẩn xác, phát huy được thế và lực của mình.
3). Quy mô, kết quả chiến dịch lớn
Sau năm năm tiến hành kháng chiến (1945-1950), đây là lần đầu tiên Quân đội nhân dân Việt Nam mở một chiến dịch quy mô lớn, dài ngày. Số lượng người tập trung cho chiến dịch lên tới 4,5 vạn, kể cả bị đội và dân công (với hơn một triệu ngày công). Số lượng hàng vận chuyển phục vụ chiến dịch lên tới 4.000 tấn, gấp 8 lần chiến dịch Lê Hồng Phong; gấp 13,3 lần chiến dịch Cao – Bắc – Lạng[8]. Kết thúc chiến dịch, đã tiêu diệt được trên 8.000 quân địch, thu nhiều vũ khí trang bị; nếu tính cả các chiến trường phối hợp với mặt trận Biên giới, tổng số địch bị tiêu diệt và bị bắt là 11.500 tên; giải phóng vùng biên giới rộng lớn, buộc địch phải rút khỏi 217 vị trí, trong đó có 5 thị xã quan trọng: Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên và Hoà Bình; hành lang Đông - Tây của địch bị phá vỡ, Con đường liên lạc giữa căn cứ địa Việt Bắc với đồng bằng Bắc Bộ và Liên khu IV được thông suốt; làm thay đổi cục diện chiến tranh, giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường.
 4). Nghệ thuật chiến dịch có bước phát triển nhảy vọt
Hoạt động nghi binh, đánh lạc hướng đối phương đã được Bộ Chỉ huy các cấp vận dụng rộng rãi và có hiệu quả trong chiến dịch biên giới. Chọn hướng tiến công là một thành công nổi bật: Đông Bắc được chọn là hướng chính, Tây Bắc là hướng nghi binh; các chiến trường khác đều tăng cường hoạt động để phối hợp với chiến trường chính, nhằm nắm vững quyền chủ động tác chiến, phân tán giam chân lực lượng địch, buộc địch phải đánh theo ý định của quân dân Việt Nam mà không được tự do hành động, "không cho phép chúng tiếp viện mặt trận Cao-Bắc-Lạng". Thực tế cho thấy, chọn cứ điểm Đông Khê đánh trận mở màn chiến dịch là một quyết định đúng; quyết định đó có ý nghĩa quan trọng dẫn tới thắng lợi của toàn chiến dịch. Bên cạnh đó, nghệ thuật nắm vững phương châm tác chiến, giữ thế chủ động chiến trường, triển khai thế trận, bố trí lực lượng đánh địch tăng viện, chuyển hóa thế trận tốt, xử trí tình huống tập trung…. cũng rất nổi bật, là nguyên nhân căn bản dẫn đến thắng lợi giòn giã của chiến dịch.
2. Chiến thắng Biên giới đã mở ra những điều kiện thuận lợi mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Sau chiến thắng Biên giới, thoát khỏi thế bị bao vây, có điều kiện tiếp nhận sự chi viện về vật chất, tinh thần của Liên Xô, Trung Quốc và bạn bè quốc tế, nâng cao thêm thế và lực của quân, dân Việt Nam trên chiến trường. Chiến thắng Biên giới đã tạo ra một chuyển biến cơ bản cho cuộc kháng chiến, đưa kháng chiến bước vào giai đoạn mới - giai đoạn phía Việt Nam nắm quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, chuyển hẳn sang liên tục tiến công và phản công địch.
Sau chiến thắng Biên giới, lực lượng vũ trang tiếp tục được xây dựng, củng cố. Trước năm 1950, nếu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ có hai đại đoàn chủ lực, thì sau năm 1950, hàng loạt đại đoàn chủ lực ra đời: Đại đoàn 316 (1-1951), đại đoàn công pháo 351 (3- 1951), đại đoàn 325 (12-1952), trung đoàn 148 và 246. Nếu như đến tháng 12-1946, lực lượng vũ trang có trên 8 vạn người, nhưng chưa được huấn luyện kỹ, trang bị còn rất thô sơ, còn “thơ ấu”, “tinh thần dũng cảm có thừa, nhưng thiếu vũ khí, thiếu kinh nghiệm, thiếu cán bộ, thiếu mọi mặt”[9], thì sau chiến thắng Biên giới, tổng số lực lượng chủ lực thuộc Bộ Tổng tham mưu có 7 đại đoàn (gồm 6 đại đoàn bộ binh và một đại đoàn hỗn hợp công binh – pháo binh) và 2 trung đoàn độc lập, hội tụ thành một lực lượng cơ động chiến lược. Lực lượng chủ lực của các Liên khu cũng phát triển: Nam Bộ có các tiểu đoàn chủ lực nổi tiếng 302, 307; Nam Trung Bộ có trung đoàn 812; Khu V có trung đoàn 108 và 803; Khu IV có trung đoàn 271; Khu III có trung đoàn 42; Việt Bắc có trung đoàn 238. Cùng với đà phát triển của khối bộ đội chủ lực thuộc Bộ Tổng tham mưu hoặc Bộ chỉ huy Liên khu, bộ đội tỉnh, huyện và lực lượng dân quân du kích bám trụ các địa phương ngày càng đông, vũ khí trang bị được cải tiến. Lực lượng vũ trang cách mạng với ba thứ quân, như mô hình chóp nón, chứng tỏ cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện đã phát triển rất cao. Lực lượng vũ trang ngày càng phát huy tác dụng “quả đấm thép” trong bối cảnh quyền chủ động chiến lược đã nằm trong tay.
Phát huy tinh thần của chiến dịch Biên giới, phát huy quyền chủ động trên chiến trường, Quân đội nhân dân Việt Nam tập trung lực lượng, tổ chức hàng loạt chiến dịch quan trọng: Chiến dịch Trần Hưng Đạo (2-1950); chiến dịch  Hoàng Hoa Thám (3 – 1951); chiến dịch Quang Trung (5-1951); chiến dịch Hòa Bình (12-1951); chiến dịch Tây Bắc (Thu Đông 1952); chiến dịch Thượng Lào (4-1952). Các hoạt động quân sự từ năm 1951 – 1952 đã chứng tỏ rằng phía Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược, liên tiếp giành nhiều chiến thắng mới, xuất hiện hình thái phản công cục bộ trên chiến trường. So sánh lực lượng ngày càng thay đổi có lợi cho Việt Nam DCCH.
Như vậy, khởi đầu từ chiến thắng Biên giới, kế thừa kinh nghiệm quân sự và phát huy tinh thần tiến công, sức mạnh thắng lợi của chiến dịch Biên giới, quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng trưởng thành. Những thắng lợi về quân sự trong giai đoạn này đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang ba thứ quân Việt Nam; đồng thời tiếp tục đẩy Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động, tạo ra những điều kiện mới để giành thắng lợi hoàn toàn.
3. Khi Đảng ra đời, đảm nhận sứ mạng lịch sử lãnh đạo dân tộc đứng lên làm cách mạng, thì nhân dân Việt Nam chưa có lực lượng vũ trang. Với quan điểm “lấy bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng”, vì độc lập, tự do không thể cầu xin mà có được, Đảng CSĐD đã đưa ra hệ thống quan điểm về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Từ những tổ chức quần chúng, Đảng CSĐD đã tuyên truyền, giác ngộ, xây dựng lực lượng chính trị, lãnh đạo quần chúng tiến hành đấu tranh chính trị, trên cơ sở đó, phát triển thành những lực lượng vũ trang cách mạng - một quân đội kiểu mới của Đảng và của dân tộc, “người trước, súng sau”, coi nhân dân là cha mẹ, là anh em, là người thân, có mối liên hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, “trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân”. Đó là lực lượng vũ trang của công nông gồm ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ - lực lượng nòng cốt của toàn dân đánh giặc, xây dựng trên nền tảng nhân dân, “quân tốt, dân tốt. Muôn sự đều nên”[10].
Ngày nay, với những biến đổi sâu sắc của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trên thế giới, quan điểm về chiến tranh cũng đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, sự cần thiết phải xây dựng một lực lượng vũ trang vững mạnh vẫn luôn luôn được mọi quốc gia quan tâm, chú trọng, đặt thành nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình bảo vệ Tổ quốc.
Đối với Việt Nam – một đất nước thời gian chiến tranh thường xuyên hơn thời gian hòa bình, luôn luôn phải đối mặt với những những nguy cơ nhòm ngó lãnh thổ từ bên ngoài, thì việc không lơ là mất cảnh giác, không coi nhẹ nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang và quốc phòng toàn dân là hết sức quan trọng. Những xung đột vũ trang cục bộ ở nhiều nơi trên thế giới, những bất ổn trên biển Đông, tình hình tranh chấp vũ trang của nhiều nước… nhắc nhở phải có quan niệm đúng đắn về nhiệm vụ không ngừng tăng cường lực lượng vũ trang nhân dân.
Hiện nay, ở nhiều nước, xu thế giảm quân đội thường trực, tăng cường quân dự bị với mục tiêu "quân cần tinh, chứ không cần đông”, trên cơ sở tăng cường sức mạnh lực lượng vũ trang bằng việc không ngừng tăng cường chất lượng chính trị, kỹ năng chiến đấu và cải tiến trang bị vũ khí đang là xu thế chủ yếu. Một tổ chức quân đội gọn nhẹ, hiệu quả cao chiến đấu cao là điều mà các quốc gia trên thế giới hướng tới. Đây cũng là xu thế mà khi xây dựng lực lượng vũ trang ở thời kỳ hiện tại Quân đội nhân dân Việt Nam đang hướng tới. Bên cạnh đó, do đặc thù của đất nước, với những kinh nghiệm đúc rút từ chiến tranh, khi tăng cường chất lượng quân đội thường trực, phải đồng thời tăng cường chất lượng quân dự bị và dân quân, tự vệ. coi trọng đặc biệt việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Toàn dân có trách nhiệm tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị tư tưởng, xây dựng bản chất của một quân đội nhân dân, một quân đội cách mạng có sự gắn bó máu thịt với nhân dân, giữ vững những đức tính cao đẹp của “bộ đội Cụ Hồ".
Cũng cần lưu ý rằng, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang được tạo thành bởi sự kết hợp biện chứng giữa số lượng và chất lượng của con người, vũ khí - kỹ thuật, cơ sở vật chất bảo đảm cùng với phát triển tổ chức thích ứng với điều kiện cụ thể. Chất lượng con người kết hợp với chất lượng vũ khí, kỹ thuật được tổ chức chặt chẽ và phù hợp là yếu tố cơ bản, quyết định để nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang. Vì thế, việc nâng cao sức mạnh của từng chiến sĩ đi đôi với nâng cao hiệu lực của các loại vũ khí, trang bị, kỹ thuật và phương tiện vật chất là nhiệm vụ không chỉ của Quân đội, mà của toàn Đảng, toàn dân. Đó vừa là yêu cầu, vừa là nhiệm vụ, đồng thời là trách nhiệm của mỗi người dân trong nỗ lực chung của toàn xã hội.

TẢI BÀI VIẾT TẠI: TRANG NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, tr. 132.
[2]Tháng 8 -1949, Đại đoàn 308, đại đoàn chủ lực đầu tiên được thành lập, có nhiệm vụ đi tiên phong trên con đường vận động chiến. Tiếp đó, đầu năm 1950, Đại đoàn 304 và các trung đoàn độc lập ra đời.
[3] Hồ Chí Minh, Về đấu tranh vũ trang và lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb. Quân đội  nhân dân, Hà Nội, 1970, tr. 181.
[4] (1). Đông Khê -16/9; (2). Diệt viện quân Lơ-pa-giơ -3/10; (3). Khu vực điểm cao 417-7-10.
[5] Đại đoàn 308, các Trung đoàn 209, 174 được tập trung huấn luyện tại biên giới Việt – Trung.
[6] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr. 87.
[7]Kế hoạch tác chiến chiến dịch chia làm bốn bước (theo thứ tự: Tiêu diệt Đông Khê, đánh quân tiếp viện lên Đông Khê, đánh Thất Khê, Đánh Cao Bằng) cũng đã được lựa chọn trên cơ sở cân nhắc kỹ tình hình, nguyên tắc chỉ đạo tác chiến.
[8] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam 1945-1975, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội 1995, tr. 95.
[9]Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12, tr. 23.
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, tr. 410.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!